Giáo dục

Học bạ toàn điểm 10: Sở, Bộ "vênh" nhau?

  • Tác giả : Mai Nguyễn
(khoahocdoisong.vn) - Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, học bạ của học sinh sẽ phải đạt điểm “toàn 10” mới có đủ điều kiện đăng ký dự tuyển vòng 2 trường THCS Amsterdam. Quy định này có trái với tinh thần các thông tư của Bộ GD&ĐT?

Bảng điểm “rực rỡ” xuất phát từ quy định của Sở

Mới đây, theo danh sách mà trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam vừa công bố, những thí sinh đủ điều kiện dự thi đều có bảng điểm toàn điểm 10, cực hiếm học sinh 9 điểm.

Điều đáng nói, bảng điểm “rực rỡ” này xuất phát từ chính quy định trong hướng dẫn công tác tuyển sinh lớp 6 năm học 2019-2020 của Sở GD&ĐT Hà Nội đối với Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.

Theo đó, học sinh thuộc đối tượng tuyển sinh phải đảm bảo đủ một loạt điều kiện vô cùng khắc nghiệt, trong đó có yêu cầu về điểm 10.

Cụ thể, tổng điểm bài kiểm tra định kỳ cuối năm hai môn toán và tiếng Việt của... lớp 1 và lớp 2 phải đạt từ 39 điểm trở lên.

Lớp 3, 4 và 5 phải đạt danh hiệu "Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện".

Lớp 3 phải có tổng điểm các bài kiểm tra định kỳ cuối năm hai môn toán và tiếng Việt đạt 20 điểm.

Năm học lớp 4 và lớp 5: tổng điểm các bài kiểm tra định kỳ cuối năm bốn môn toán, tiếng Việt, khoa học, lịch sử và địa lý đạt 40 điểm/lớp. Điều này có nghĩa học sinh phải "xuất sắc toàn diện" và phải toàn điểm 10 các môn học mới đủ điều kiện dự tuyển.

Không chỉ đối với Trường THCS Amsterdam, việc xét tuyển học bạ vào các trường nói chung cũng đặt lên vai các thí sinh, mà nói chính xác hơn là các phụ huynh áp lực về “học bạ đẹp”.

Danh sách đủ điều kiện dự thi vào lớp 6 Trường Amsterdam với học bạ toàn điểm 10. Ảnh: FB

Danh sách đủ điều kiện dự thi vào lớp 6 Trường Amsterdam với học bạ toàn điểm 10. Ảnh: FB

Anh Bùi Trọng Hiếu, một phụ huynh có con năm nay cũng tốt nghiệp tiểu học, xét tuyển vào lớp 6 ở Hà Nội cho biết, vợ chồng anh đã “quán triệt” tư tưởng cho con bằng mọi giá cũng phải đạt điểm 10 các môn kiểm tra định kỳ cuối năm từ suốt các năm học tiểu học, đặc biệt là các lớp 3, 4, 5.

Bởi vì, trường mà anh định “nhắm” vào cho con cũng là một "trường điểm". “Khi lượng học sinh đăng ký đông, chắc chắn nhà trường sẽ có sự sàng lọc, và học bạ đẹp bao giờ chẳng có lợi thế hơn”, anh Hiếu nói.

Suy nghĩ của anh Hiếu cũng là suy nghĩ chung của rất nhiều bậc phụ huynh khác. Một học bạ với điểm “đẹp” không chỉ là để phụ huynh thấy hãnh diện, vui vì kết quả học tập của con. Mà quan trọng hơn, là để con có lợi thế khi xét tuyển học bạ, vào được trường cấp 2 tốt.

Quy định của Sở có “vênh” với thông tư của Bộ?

Ngay khi xuất hiện “cơn mưa” điểm 10, dư luận đã nóng lên và đặt câu hỏi về chất lượng thực đằng sau những điểm 10 như vậy. Đặc biệt, là việc cho điểm 10, “áp lực thành tích” đó xuất phát từ đâu, từ giáo viên, nhà trường, Sở, hay Bộ GD&ĐT?

Trả lời báo chí, TS Thái Văn Tài,  quyền vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết, cơn “mưa” điểm 10, học sinh giỏi là do chưa hiểu đúng tinh thần của thông tư 22.

Theo ông Tài, tinh thần xuyên suốt thông tư 30 và sau này là thông tư 22 về đổi mới đánh giá học sinh tiểu học là giáo viên theo sát học sinh trong cả quá trình học tập. Từ đó phát hiện và khích lệ những điểm mạnh, giúp học sinh thay đổi, điều chỉnh điểm yếu. 

Theo thông tư, thước đo đối với học sinh không phải chỉ là điểm số mà là quá trình nỗ lực, tiến bộ, những điểm mạnh khác nhau của mỗi học sinh được bộc lộ, phát huy.

Sự trao đổi thông tin hai chiều giữa cha mẹ và thầy cô trong quá trình dạy tạo sự đồng thuận trong việc giúp đỡ học sinh hạn chế điểm yếu, phát huy điểm mạnh. Theo đó, sẽ không đặt học sinh vào một khuôn thước chung để xếp loại, khen ngợi mà khích lệ, ghi nhận học sinh ở các lĩnh vực khác nhau.

Ông Tài cho biết, với lứa tuổi học sinh tiểu học, đây là hướng đánh giá nhân văn, nhiều nước khác cũng đã làm. Các em học sinh được khích lệ, nhất là được ghi nhận những cố gắng dù nhỏ nhất sẽ trở nên tự tin, vui vẻ hơn, dần dần hiểu được giá trị riêng của mình.

Với mục đích như thế, thông tư quy định tăng nhận xét, không cho điểm trong quá trình dạy học. Các nhà trường, thầy cô giáo chưa làm đúng thì cần điều chỉnh. Các nhà trường cần trao đổi để cha mẹ học sinh hiểu tinh thần đánh giá, hạn chế tâm lý chạy theo điểm số dẫn tới tình trạng gây áp lực cho học sinh.

Như vậy, theo trả lời của quyền vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT có thể thấy, tinh thần của thông tư 22 là hạn chế tâm lý chạy theo điểm số, dẫn tới gây áp lực cho học sinh.

Vậy, câu hỏi đặt ra là, quy định trong hướng dẫn công tác tuyển sinh lớp 6 năm học 2019-2020 của Sở GD&ĐT Hà Nội đối với Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, về học bạ phải “toàn 10” đó có trái với tinh thần của thông tư, chủ chương của Bộ hay không?

Trao đổi với báo chí về việc tuyển sinh nghiêm ngặt ở Trường Amsterdam liệu có gây áp lực cho học sinh, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết: "Phương án tuyển sinh vào lớp 6 Trường Amsterdam không tạo áp lực gì cho học sinh cấp tiểu học. Sở dĩ, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 6 của trường này chỉ có 200 học sinh so với toàn thành phố là 132.500 học sinh lớp 5 dự tuyển vào lớp 6. Như vậy, chỉ tiêu tuyển sinh của trường chiếm khoảng 0.15%".

Thực tế, theo danh sách mà trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam vừa công bố, có tổng cộng 933 học sinh đủ điều kiện dự xét tuyển vào lớp 6 của hệ THCS năm nay. Có thể hiểu, con số học sinh “phấn đấu” đạt đủ điều kiện đó, có thể lớn hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận băn khoăn không phải ở sự nhiều hay ít ở chỉ tiêu tuyển sinh của trường Amsterdam, mà như đã nói là ở quy định, chỉ đạo của một Sở đối với một trường chuyên lớn, “có tiếng” trong cả nước, liệu có “vênh” với tinh thần của thông tư, chủ trương của Bộ hay không?

Và ngoài trường Amsterdam, còn có bao nhiêu trường cũng lấy tiêu chí "học bạ đẹp" trong xét tuyển?

Thầy Trần Trung Hiếu, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An chia sẻ, muốn chữa được bệnh, cần biết được căn nguyên gây bệnh. Theo thầy Hiếu, một trong những nguyên nhân dẫn tới điểm số đẹp học bạ, áp lực điểm 10, tiêu cực, gian dối chính là ở việc xét tuyển học bạ. Và học bạ đẹp cũng thường rơi vào các năm cuối cấp. Cho nên, nên bỏ việc xét tuyển học bạ.

Mai Nguyễn

BẢN DESKTOP