Khám phá

Hoàng Hối Khanh hết lòng vì dân

Hoàng Hối Khanh hết lòng vì dân

Đền thờ Hoàng Hối Khanh tại làng Thượng Phong.

Mộ dân lập làng

 Hoàng Hối Khanh, sinh năm Nhâm Dần (1362), người ở Bản Chợ, tổng Trịnh Xá, phủ Yên Định, nay là thôn Bái Trại xã Định Tăng, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa. Hoàng Hối Khanh thi đỗ Thái học sinh (tiến sĩ sau này) năm 1384 dưới triều Trần Phế Đế (1377-1388).

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Năm Giáp Tý, niên hiệu Xương Phù thứ 8, mùa xuân, tháng 2 Thượng hoàng cho thi Thái học sinh ở chùa Vạn Phúc, núi Tiên Du, lấy đỗ bọn Đoàn Xuân Lôi, Hoàng Hối Khanh… 30 người. Mùa hạ, tháng 5 cho số Thái học sinh còn lại làm thứ sử ở cung Bảo Hòa”.

Sau khi đỗ Thái học sinh (tiến sĩ) Hoàng Hối Khanh được triều đình bổ nhiệm Tri huyện Nha Nghi (tức huyện Lệ Thủy ngày nay). Ông chọn vùng sông Kiến Giang, một vùng sông núi thuận lợi cho việc ứng dụng quân sự và khai phá đất ruộng dụng kế lâu dài.

Với uy thế của mình, Hoàng Hối Khanh trở ra vùng châu Hoan, châu Ái (Thanh Hóa- Nghệ An ngày nay) mộ dân 12 dòng họ vào định cư lập làng theo chế độ điền trang mà thời nhà Trần ban cho các quan trong triều.

Ông áp dụng chính sách “tịnh vi nông, động vi binh” của thời Lý trước đây dưới hình thức “ngụ binh ư dân” (gửi lính làm dân). Nhờ thế đất ruộng được khai phá ngày càng rộng lớn, dân tình quy tụ đông đúc.

Hiến kế tuyển được nhiều quân

Năm Tân Mùi (1391), Hồ Quý Ly theo lệnh vua Trần đi tuần thú vùng đất Hóa Châu, thấy hai viên trấn thủ Phan Mãnh và Chu Bình Khê bất tài nên đem giết đi và bổ dụng Hoàng Hối Khanh làm Chính hình viện Đại phu và Đặng Tất làm Hữu Châu phán cùng trông coi Hóa Châu trước nạn Chiêm Thành luôn cố ý gây chiến xâm lấn bờ cõi Đại Việt.

Năm Giáp Tuất (1394), khi đang giữ chức Chính hình viện Hóa Châu, Hoàng Hối Khanh được triệu về Kinh thành làm An Phủ Sứ lộ Tam Đái (Vĩnh Phúc). Năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Lý lên ngôi, Hoàng Hối Khanh được phong làm Hành khiển.

Ở phương Bắc, quân Minh đã chuẩn bị xâm lược nước ta, nhà Hồ xây chiến lũy Đa Bang để phòng thủ. Hồ Hán Thương cử Hoàng Hối Khanh chỉ huy công việc xây đắp.

Thành Đa Bang có chiều dài 400km, kéo dài từ núi Tản Viên, theo sông Đà, sông Hồng, sông Luộc đến cửa sông Thái Bình. Đây là phòng tuyến phòng thủ hơn hẳn phòng tuyến Như Nguyệt thời Lý chống Tống. Điều đó chứng tỏ Hoàng Hối Khanh là một người có tài năng về quân sự, về chiến thuật phòng chống giặc ngoại xâm.

Để tăng cường quân đội theo ước nguyện của nhà Hồ, Hoàng Hối Khanh hiến kế rằng, thống kê nhân khẩu từ hai tuổi trở lên, không kể những người xiêu tán, chỉ lấy số hiện tại làm thực số.

Rồi thông báo cho các địa phương hễ có người Kinh trú ngụ thì cho về quê quán. Khi sổ làm xong, chỉ tính những người từ 15 đến 60 tuổi thì tăng hơn trước nhiều lần. Từ đó tuyển quân lính được thêm nhiều hơn.

(còn nữa)

Dương Tuấn

BẢN DESKTOP