Khám phá

Hoàng Hoa Thám và lời sấm truyền – kỳ 2: Giảng hòa để bảo toàn lực lượng

Giảng hòa để bảo toàn lực lượng là kế sách của Hoàng Hoa Thám trước sự truy lùng và vây quét ráo riết của Pháp. Thời gian hòa hoãn kéo dài hơn 10 năm.

Nghĩa quân Hoàng Hoa Thám.

Tương kế tựu kế

Sau khi ngừng thương lượng và dùng Bá Phức nhiều lần dụ hàng và ám hại Đề Thám không thành, ngày 19/5/1894, Công sứ Bắc Ninh Muydơliê cùng Tổng đốc Lê Hoan huy động lực lượng lớn, có pháo binh yểm trợ, bí mật tiến công Hữu Nhuế, nhằm bắt cho được Đề Thám.

Tuy nhiên, Đề Thám đã “tương kế tựu kế”, chờ địch vào thật gần, bất ngờ nổ súng, bắn bị thương Muydơliê, buộc quân Pháp phải rút chạy.

Tiếp đó, ngày 17/9/1894, nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Bang Kinh và Đốc Khế, phục kích đoàn tàu hỏa trên đoạn Suối Ghềnh – Bắc Lệ, bắt một số người Pháp, trong đó có Sexnay, chủ bút báo “Tương lai Xứ Bắc Kỳ”…

Để chuộc lại những người Pháp bị bắt, ngày 25/10/1894, Pháp đề nghị đình chiến, chấp nhận rút quân và giao cho Đề Thám cai quản 4 tổng: Mục Sơn, Nhã Nam, Yên Lễ, Hữu Thượng. Đề Thám đồng ý giảng hòa để có điều kiện xây dựng căn cứ, củng cố lực lượng.

Đầu năm 1895, Pháp bội ước, sử dụng một trung đoàn do đại tá Galiêni chỉ huy tiến công Yên Thế. Nghĩa quân chống cự quyết liệt nhưng không giữ nổi, buộc phải rút ra hoạt động ở các vùng xung quanh.

Chiếm được Yên Thế, toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tiểu khu Yên Thế trực thuộc đạo quan binh 1, tập trung đàn áp phong trào khởi nghĩa và truy bắt Đề Thám.

Tháng 4/1896, Đề Thám đưa quân về Tam Đảo lập căn cứ mới, di chuyển hoạt động trên địa bàn các tỉnh Bắc Ninh, Sơn Tây, Thái Nguyên, Bắc Giang…

Để tránh các cuộc đụng độ lớn với địch, Đề Thám chủ trương chia quân thành những toán nhỏ, phân tán hoạt động trong các làng mạc hoặc trong rừng, tiến hành các trận phục kích, đánh đồn, chặn đường giao thông tiếp tế… gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại, khiến nhà cầm quyền Pháp phải thừa nhận toàn bộ vùng nam Thái Nguyên, bắc Bắc Ninh, Đáp Cầu, bắc và đông phủ Lạng Thương đều quy thuộc Đề Thám.

Giảng hòa để bảo toàn lực lượng

Trước sự truy lùng và vây quét ráo riết của Pháp, Đề Thám chủ động xin giảng hoà để bảo toàn lực lượng. Pháp cũng muốn ngừng chiến để có thời gian thực hiện kế hoạch khai thác thuộc địa. Ngày 26/11/1897, hai bên kí khế ước đình chiến với điều kiện nghĩa quân phải giao nộp vũ khí và bãi binh.

Trong thời gian hoà hoãn kéo dài hơn 10 năm (1897 – 1909), tuy bề ngoài tỏ ra phục tùng, nhưng thực chất, Đề Thám vẫn quyết tâm chiến đấu, tích cực chuẩn bị lực lượng và xây dựng Phồn Xương thành căn cứ kháng chiến.

Nghĩa quân vừa sản xuất tự túc lương thực, vừa tăng cường sắm sửa vũ khí, huấn luyện quân sự… Ngoài ra, Đề Thám còn chú trọng mở rộng địa bàn hoạt động từ trung du đến đồng bằng, kẻ cả Hà Nội; bí mật liên hệ với lực lượng yêu nước ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, trong đó năm 1906 các nhà yêu nước như Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh đã tới gặp Đề Thám, thống nhất kế hoạch phối hợp hành động và hỗ trợ giữa nghĩa quân Yên Thế và các nghĩa sĩ Trung Kỳ.

Theo kế hoạch trên, Đề Thám cho xây dựng đồn Tú Nghệ ở căn cứ Phồn Xương để đón các nghĩa sĩ Trung Kỳ đến luyện tập quân sự.

Đề Thám còn tổ chức ra “đảng Nghĩa Hưng” và “Trung Châu ứng nghĩa đạo” làm nòng cốt; đặc biệt đã chỉ đạo cuộc khởi nghĩa ngày 27/6/1908 trong trại lính tại Hà Nội mà trước đây quen gọi là Vụ Hà thành đầu độc, làm chấn động khắp cả nước.

Nhân vụ việc này, Pháp chấm dứt hoà hoãn, tập trung lực lượng quyết dập tắt khởi nghĩa Yên Thế. Ngày 29/1/1909, khoảng 15.000 quân Pháp và lính khố xanh các tỉnh Bắc Giang, Phúc Yên, Thái Nguyên do đại tá Batay (Bataille) chỉ huy, chia thành nhiều cánh bao vây, tiến công khu căn cứ Yên Thế.

Phối hợp với quân Pháp, Tổng đốc Hải Dương Lê Hoan được triều đình Huế phong làm Khâm sai đại thần Bắc Kỳ, dẫn 400 quân lên Yên Thế đàn áp nhân dân, cô lập và truy bắt nghĩa quân.

(còn nữa)

  TS Nguyễn Thành Hữu

BẢN DESKTOP