NHÌN THẲNG

Hoãn xử vụ 50 tỉ đồng bốc hơi tại Eximbank Đô Lương, khách hàng bức xúc

Eximbank chịu hàng loạt sức ép trước đại hội cổ đông. Trong ảnh: cơ quan điều tra đã khởi tố 5 nhân viên Eximbank TPHCM, trong đó bắt tạm giam 2 người liên quan vụ mất 245 tỉ đồng của bà Chu Thị Bình – Ảnh: HỮU THUẬN

Phản ảnh đến Tuổi Trẻ Online cuối ngày 24/4, ông Nguyễn Tiến Nam – một trong 6 khách hàng trong vụ “50 tỉ đồng bốc hơi” tại Eximbank Đô Lương, Nghệ An và cũng là người bị mất số tiền lớn nhất – 28 tỉ đồng cho biết ông không đồng ý hoãn phiên xử.

Theo ông Nam, ngày 21/4, luật sư của ông mới nhận được điện thoại của tòa án thông báo miệng rằng phiên xử bị dời lại.

Phía tòa cho biết ông Lê Văn Quyết, tổng giám đốc Eximbank, đã có đơn yêu cầu tòa án dời phiên tòa vì ngày xử dự kiến là 26/4 quá cận thời điểm Eximbank tổ chức đại hội cổ đông (ngày 27/4).

“Theo tôi đây là lý do không chính đáng vì đại hội cổ đông đã được lên lịch và chuẩn bị từ trước. Có thể phía ngân hàng muốn tránh sức ép trước đại hội vì trên thực tế Eximbank đã ủy quyền cho giám đốc Eximbank chi nhánh Nghệ An đại diện tại phiên xử.

Vị giám đốc chi nhánh này không hề có chân trong hội đồng quản trị của ngân hàng nên không ảnh hưởng gì đến việc tổ chức đại hội cổ đông”, ông Nam nói.

Ông Nam cũng cho rằng việc trì hoãn này hoàn toàn trái ngược với lời hứa “Eximbank sẽ hợp tác với các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng” trước đó.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online về vấn đề này, đại diện Eximbank lại dẫn ra một văn bản ngày 23/4 của Văn phòng luật sư Thành Điệp và cộng sự – đơn vị bào chữa và bảo vệ quyền lợi của 8 bị cáo trong vụ án Nguyễn Thị Lam và đồng phạm bị Viện KSND tỉnh Nghệ An truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo văn bản này, do thời gian yêu cầu luật sư của các bị cáo quá gần ngày xét xử, vụ án lại nhiều bút lục. Do vậy, để đảm bảo quyền bào chữa cho các bị cáo, luật sư đề nghị hoãn phiên tòa để có điều kiện làm thủ tục, sao chụp tài liệu, nghiên cứu hồ sơ phục vụ cho việc tham gia tố tụng bào chữa.

Trước đó vào cuối tháng 3, ông Nguyễn Tiến Nam từng ủy quyền cho luật sư đến làm việc với Eximbank để yêu cầu ngân hàng này trả tiền khẩn cấp trước thời điểm xét xử và không đồng ý nhận 1,55 tỉ đồng như đề xuất từ phía Eximbank.

Tuy nhiên đáp lại đề nghị này từ phía ông Nam, Eximbank trả lời rằng chưa có bất kỳ bản án có hiệu lực pháp luật nào được ban hành. Vì thế mọi ý kiến nêu trong kết luận điều tra hay bản cáo trạng mới chỉ là ý kiến từ phía cơ quan điều tra hay Viện KSND tỉnh Nghệ An, chưa phải là quyết định cuối cùng và có hiệu lực pháp luật phải thi hành. Do đó các ý kiến của ông yêu cầu Eximbank phải ngay lập tức thanh toán, Eximbank chưa thể thực hiện.

Eximbank cũng khuyến cáo ông Nam “hợp tác, bình tĩnh và chờ đợi” cho đến khi vụ án được đưa ra xét xử và có phán quyết theo quy định.

Dự kiến ngày 27/4, Eximbank sẽ tổ chức đại hội cổ đông. Trước thời điểm diễn ra đại hội, liên tục các khách hàng bị mất tiền tại Eximbank tố ngân hàng này có những động thái nhằm trì hoãn giải quyết yêu cầu của họ để né áp lực của dư luận và cổ đông.

Ngày 22/4, bà Chu Thị Bình – người bị mất 245 tỉ đồng gửi tại Eximbank TPHCM – cũng bức xúc vì cho rằng Eximbank cố tình câu giờ để đợi qua đại hội cổ đông dù trước đó Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật đối với kiến nghị của bà Chu Thị Bình và có trả lời cho bà Bình và luật sư.

Theo A.HỒNG (Tuoitre)

BẢN DESKTOP