Môi trường

Hoài Đức – Hà Nội: Dự án nâng cấp đê tả Đáy gây ô nhiễm môi trường

  • Tác giả : Trần Hòa
(khoahocdoisong.vn) - Mặc dù đang là thời điểm nắng nóng, nhưng đơn vị thi công dự án nâng cấp đê tả Đáy kết hợp giao thông không quan tâm đến việc bơm xịt nước chống bụi, khiến cuộc sống của người dân vô cùng khổ sở.

Cuộc sống đảo lộn vì… bụi

Có mặt tại khu vực thi công dự án nâng cấp đê tả Đáy kết hợp giao thông tại địa bàn xã Đông La (Hoài Đức – Hà Nội), chúng tôi thấy lưu lượng người tham gia giao thông qua lại khá đông. Mỗi khi có xe ô tô chạy qua gặp đúng lúc có gió thổi, những lớp bụi mù mịt lại được cuốn theo bay vào nhà hàng trăm hộ dân đang sinh sống ở ven đường. Tại các nhà dân ở đây, bụi phủ trắng cửa, mái nhà, cây trồng và đồ dùng sinh hoạt. Từ khi dự án này khởi công đến nay, hàng trăm hộ dân sinh sống ở ven đường luôn trong tình trạng phải đóng kín cửa nhà suốt ngày vì sợ bụi.

Dù vào buổi sáng sớm, xe qua lại ít nhưng vẫn bụi mù.

Dù vào buổi sáng sớm, xe qua lại ít nhưng vẫn bụi mù.

Không chỉ có bụi, nhiều phần đất từ trên mặt đê tràn xuống lòng đường phía dưới, bít kín cả hệ thống cống thải khiến cho nước không thể lưu thông. Theo phản ánh của người dân, vào những ngày trời mưa to, nước đất từ trên mặt đê tràn xuống lênh láng vô cùng bẩn thỉu và nhếch nhác.

Vào giữa trưa, khi nắng nóng lên tới đỉnh điểm cũng là lúc người dân xã Đông La phải hạn chế ra đường không chỉ vì nắng nóng mà vì bụi. Do đơn vị thi công không thực hiệm bơm tưới nước chống bụi nên mỗi khi xe đi qua, hoặc một cơn gió thổi là bụi đất mù mịt.

Người dân phải tự bơm tưới nước chống bụi.

Người dân phải tự bơm tưới nước chống bụi.

Quá bức xúc, nhiều người dân sống ven đường đã phải tự sắm máy bơm để bơm tưới nước trước cửa nhà mong hạn chế bụi. Tuy nhiên, mặt đê cao, gió thổi nhiều nên cứ khi mặt đường khô nước là bụi lại xuất hiện.

Một người dân xin giấu tên, phản ánh: Công trình nào thì cũng có bụi. Tuy nhiên, dự án này người ta không quan tâm đến môi trường nên cuộc sống của chúng tôi rất khổ sở. Một số hộ bán hàng gần mặt đường phải đóng cửa do bụi, nhiều người bị đau mắt và các bệnh hô hấp cũng do bụi từ dự án đem lại.

Đất đá từ trên đê tràn lấp cả đường dân sinh.

Đất đá từ trên đê tràn lấp cả đường dân sinh.

Đẩy nhanh tiến độ lên quận

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 7010/QĐ-UBND, cho phép thi công cải tạo, nâng cấp đê tả Đáy. Theo đó, vị trí xây dựng từ K2+700 đến K19+490 đê tả Đáy, thuộc địa bàn huyện Hoài Đức.

Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đê tả Đáy kết hợp giao thông trên địa bàn huyện Hoài Đức là một trong những dự án trọng điểm của thành phố giao huyện Hoài Đức làm chủ đầu tư để triển khai thực hiện trong giai đoạn 2017- 2020 nhằm hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới và phấn đấu đưa Hoài Đức trở thành quận năm 2020.

Dự án có chiều dài 16,79km, điểm đầu tuyến ở vị trí K2+700 tại nút giao với tuyến đường N6 thuộc địa phận xã Song Phượng (huyện Đan Phượng); điểm cuối tuyến tại vị trí K19+490 đầu nối với dự án Trạm bơm Yên Nghĩa. Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đồng bằng. Tốc độ thiết kế từ 40 đến 60km/h. Chiều rộng nền đường 9,0m; chiều rộng mặt đường 7,0m; kết cấu mặt đường bê tông nhựa.

Dân khổ nhưng không biết kêu ai.

Dân khổ nhưng không biết kêu ai.

Mái đê được đắp bằng đất đồng chất, một vị trí mái đê qua công trình văn hóa tín ngưỡng (đền, chùa) được lát mái bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn; thân đê thực hiện khoan phụt vữa gia cố; chân đê những vị trí tiếp giáp đường hành lang được xây dựng tường chắc chắn.

Đồng thời, xây dựng hệ thống điện chiếu sáng trên mặt đê, dốc đê; cải tạo các điếm canh đê đã xuống cấp...

Dự án đẩy nhanh tiến độ để Hoài Đức lên quận.

Dự án đẩy nhanh tiến độ để Hoài Đức lên quận.

Dân khổ, trách nhiệm thuộc về ai?

Theo tìm hiểu, dự án có tổng mức đầu tư là 418,8 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây lắp là 326,5 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng là 14,2 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án là 4,7 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư là 16,4 tỷ đồng; chi phí khác là 15,8 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 41,1 tỷ đồng. Về nguồn vốn thực hiện dự án, ngân sách TP. Hà Nội hỗ trợ 60%, ngân sách huyện sẽ đầu tư phần còn lại.

Dự kiến thời gian thi công xây dựng công trình là 720 ngày kể từ ngày khởi công 22/12/2018. Các nhà thầu tham gia thực hiện dự án gồm có: Đơn vị tư vấn giám sát: Liên danh Công ty TNHH tư vấn và xây dựng Minh Vũ – Công ty CP tư vấn xây dựng và chuyển giao công nghệ – Công ty CP tư vấn xây dựng giao thông Hà Nội. Nhà thầu thi công là: Liên danh Công ty CP Nhân Bình – Công ty TNHH Anh Huy – Công ty CP công trình giao thông 18 – Công ty CP xây dựng đô thị Hòa Phú.

Đường đê phía trên chưa thực hiện xong, nhưng đường dân sinh phía dưới đã "ăn đủ" bùn đất.

Đường đê phía trên chưa thực hiện xong, nhưng đường dân sinh phía dưới đã "ăn đủ" bùn đất.

UBND huyện Hoài Đức có trách nhiệm tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy phạm kỹ thuật hiện hành; tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông phù hợp; cắm biển báo, đèn tín hiệu đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông trên đê; tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong quá trình thi công công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn công trình đê điều, không làm ảnh hưởng đến các công trình liên quan trong khu vực; tổ chức việc quản lý, duy tu bảo dưỡng công trình đảm bảo an toàn đê điều và công trình trong quá trình khai thác, sử dụng.

Như vậy, UBND huyện Hoài Đức được giao làm chủ đầu tư dự án, cùng với đó là trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế thì người dân đang khổ sở vì khói bụi từ chính dự án của huyện Hoài Đức.

“Thực ra việc khói bụi ở nơi thi công dự án là không tránh khỏi. Chúng tôi cũng đã nhắc nhở đơn vị thi công phải thường xuyên bơm tưới nước chống bụi, tránh hết sức những việc gây phiền hà cho người dân”, ông Trịnh Đắc Chuyên, Phó chủ tịch UBND xã Đông La.
Trần Hòa

BẢN DESKTOP