Khám phá

Hoa quả to, lạ không nguy hại

Không ít người tiêu dùng vẫn cho rằng, giống trái cây to, màu sắc lạ là sản phẩm biến đổi gene, sợ ăn vào nguy hại nên thích mà không dám mua.

Giống xoài hồng nặng 1kg/quả anh Ánh mua tại Sóc Trăng.

Không phải cứ lạ là biến đổi gene

Đi công tác ở Sóc Trăng, anh Trần Danh Ánh (O2VTV, Đài Truyền hình Việt Nam) khiến bạn bè trầm trồ, thèm thuồng khi đăng lên Facebook trái xoài tím, xoài hồng lạ màu, to hơn bàn tay người, nặng 1kg. Đây là lần đầu tiên anh Ánh ăn trái xoài “khổng lồ” màu sắc lạ vì tận mắt nhìn thấy bà con Sóc Trăng trồng.

Anh Ánh cho biết, dù thị trường trái cây hiện nay khá phong phú nhưng gia đình anh cẩn trọng không dám mua hoa quả. Trái cây lạ nghĩa nên không biết nó có nguy hại gì hay không? Có phải giống biến đổi gene không? Không biết có phải nhập từ Trung Quốc về không?

Theo ghi nhận của phóng viên tại thị trường hoa quả Hà Nội và TPHCM cũng như các website bán trái cây online, gần đây, nhiều loại trái cây có màu sắc, trọng lượng, hình dáng lạ được rao bán khá nhiều. Kỹ sư Nguyễn Tiến Hợp, Trung tâm Phát triển giống cây trồng mới, trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội cho biết, tất cả các trái cây lạ mắt nói trên đều được trồng ở trong nước và được cung cấp giống bởi đông đảo các trung tâm giống cây trồng trong nước.

Loại xoài anh Ánh mua ở Sóc Trăng là giống xoài Úc, trọng lượng từ 600g – 1kg/quả, trồng chủ yếu vùng Khánh Hòa, Cần Thơ. Còn loại xoài tím ngắt là giống xoài Đài Loan (Trung Quốc) cũng được trồng khá nhiều ở miền Nam. Nhãn tím là một sản phẩm tự đột biến gene của Việt Nam do nông dân Bảy Huy, tỉnh Sóc Trăng phát hiện nhân giống.

Dòng bưởi đỏ tiến vua Luận Văn nức tiếng trong lịch sử là do người dân Thọ Xuân (Thanh Hóa) hồi sinh. Dưa hấu đen là giống cây nhập từ Nhật Bản. Thanh long vàng, sầu riêng ruột đỏ, ổi tím là giống từ Malaysia. Tất cả các hoa quả lạ mắt trên hiện đều được nhân giống và trồng tại Việt Nam chứ không phải là nhập khẩu từ Trung Quốc như nhiều người lo ngại.

Hằng năm, vào những dịp Lễ hội trái cây Nam Bộ, bà con lại trưng bày rất nhiều giống hoa quả to, lạ trồng tại Việt Nam gồm: Mít nghệ (50kg/quả); bí khổng lồ (50kg/quả); chanh Đồng Tháp (3kg/quả); sầu riêng ruột đỏ; nhãn tím, xoài tím… Như chúng ta đã thấy, thanh long ruột đỏ ngọt hơn ruột trắng; dưa hấu vàng vẫn ngon; xoài hồng, xoài tím vừa to, vừa nhiều thịt; nhãn tím vừa đẹp vừa bắt mắt… Chưa có một trường hợp nào ăn những trái cây to lạ này độc hại nguy hiểm tính mạng.

Ông Đoàn Trần Nhân (Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT)

Quả to, lạ là do chọn lọc giống

Trao đổi về việc người tiêu dùng e ngại những hoa quả to, màu sắc lạ là cây trồng biến đổi gene, GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam cho hay, thực chất cây biến đổi gene là cây trồng công nghệ sinh học, chọn lọc gene tốt, không có gì đáng sợ.

Nhãn tím của ông Bảy Huy là một ví dụ. Đột nhiên cây nhãn biến đổi, có 1 cành cho giống nhãn tím và kịp thời được ông Huy nhân giống. Dù nhãn đổi màu tím nhưng vẫn thơm ngon, an toàn với người sử dụng. Bằng mắt thường, người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là hoa quả biến đổi gene.

Người ta chỉ có thể căn cứ vào tem có chữ GMO hay mã vạch truy xuất nguồn gốc. Nhưng những loại hoa quả kể trên đều là cây trồng sinh học bình thường từ giống của những hoa quả lạ trên thế giới mang về trồng tại Việt Nam nên không thể dán mác GMO.

Kỹ sư Nguyễn Tiến Hợp cũng khẳng định, những loại hoa quả to lạ trên thị trường kể trên không phải là thực phẩm biến đổi gene, mà do các nhà khoa học chọn lọc giống mà có.

Ở Việt Nam, nhất là đồng bằng sông Cửu Long là vựa trái cây lớn, phong phú, người tiêu dùng nên lựa chọn hoa quả theo mùa, khi mua căn cứ vào tem mác hoặc kiểm tra kỹ bao bì đóng gói để biết xuất xứ sản phẩm.

Đức Vinh

Từ Khoá

BẢN DESKTOP