Y học và đời sống

Hoa mắt, sút cân, đổ mồ hôi trộm về đêm... không ngờ mắc ung thư máu

  • Tác giả : Giang Thu (Tổng hợp)
Thường xuyên thấy hoa mắt chóng mặt, gầy sút cân, ra mồ hôi trộm về đêm, người đàn ông đi khám không ngờ mắc loại ung thư máu hiếm gặp, nam mắc nhiều hơn nữ.

Theo thông tin từ Trung tâm Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện 198 (Bộ Công an), bệnh nhân N.V.C, (Nam Định) vào viện khám trong tình trạng thường xuyên thấy hoa mắt chóng mặt, gầy sút cân, ra mồ hôi trộm về đêm.

Tại bệnh viện, bệnh nhân được các bác sĩ làm các xét nghiệm cơ bản và xét nghiệm chuyên sâu như chọc tủy, sinh thiết tủy xương.

Kết quả, nồng độ IgM tăng cao, bác sĩ chẩn đoán ông mắc bệnh Waldenstrom, một dạng ung thư máu hiếm gặp. Bệnh nhân được điều trị hóa chất theo phác đồ.

Hoa mắt, sút cân, đổ mồ hôi trộm về đêm,... không ngờ mắc ung thư máu. Ảnh minh hoạ

Hoa mắt, sút cân, đổ mồ hôi trộm về đêm,... không ngờ mắc ung thư máu. Ảnh minh hoạ

Theo ThS BS Lê Thị Thùy Dương, Trung tâm Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện 198, cho biết, Waldenstrom dù hiếm gặp nhưng tỷ lệ sống sót cao, đáp ứng với điều trị tốt hơn so với các bệnh ung thư máu khác.

Hiện nay nguyên nhân chính xác của bệnh Waldenstrom vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã xác định một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như: Người lớn tuổi, đặc biệt trên 65 tuổi có nguy cơ cao hơn; nam giới mắc bệnh nhiều hơn nữ giới; có người thân mắc ung thư hạch hoặc Waldenstrom có thể tăng nguy cơ; những người từng mắc bệnh gammopathy đơn dòng không xác định (MGUS) cũng dễ tiến triển thành Waldenstrom.

"Dù không phải là bệnh di truyền trực tiếp từ cha mẹ, nhưng các đột biến gene xảy ra trong suốt cuộc đời được cho là nguyên nhân khởi phát", BS Dương cho hay.

Không phải mọi trường hợp mắc Waldenstrom đều cần can thiệp ngay. Với những bệnh nhân chưa có triệu chứng, bác sĩ có thể áp dụng chiến lược "theo dõi và chờ đợi”.

Khi bệnh tiến triển, các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm hóa trị, miễn dịch hay trao đổi huyết tương nhằm loại bỏ IgM dư thừa để giảm độ đặc của máu. Ghép tế bào gốc là phương pháp cuối cùng, nhằm áp dụng trong một số trường hợp nặng hoặc tái phát.

Theo BS Dương, dù đây là một căn bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng nhiều bệnh nhân Waldenstrom vẫn có thể sống khỏe mạnh trong nhiều năm nhờ điều trị kịp thời và lối sống tích cực. Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục nhẹ nhàng và thăm khám định kỳ là những điều quan trọng để kiểm soát.

Bệnh Waldenstrom tuy hiếm nhưng không thể xem nhẹ. Việc nâng cao nhận thức về căn bệnh này không chỉ giúp phát hiện sớm mà còn mang lại hy vọng cho những người đang chiến đấu với nó.

Giang Thu (Tổng hợp)

BẢN DESKTOP