Y học và đời sống

Hoa hướng dương trị viêm đường tiết niệu

Hoa hướng dương có vị hơi ngọt, tính ấm, không độc, có tác dụng tùy theo bộ phận dùng: cụm hoa hạ huyết áp, giảm đau; rễ và lõi thân lợi tiểu, chống ho; lá tiêu viêm, giảm đau; hạt làm se, bổ cho dịch thể…

Hoa hướng dương (cây quỳ, hoa mặt trời), thuộc họ cúc, ra hoa tháng 5-7; mùa quả: tháng 8-10. Theo dược học cổ truyền, hoa hướng dương vị ngọt, tính ấm, không độc, có công dụng trừ phong, minh mục (làm sáng mắt) thường được dùng để chữa các chứng bệnh như đầu choáng mắt hoa, phù mặt, nặng mặt, đau răng… Hạt hướng dương có tác dụng chữa huyết lỵ, mụn nhọt, tẩy giun kim.

Lá hướng dương thường dùng trị cao huyết áp. Rễ hướng dương có tác dụng chữa đau ngực sườn, đại tiểu tiện không thông thoáng, tổn thương do trật tả…Đài hoa hướng dương chủ trị đau đầu, hoa mắt, đau răng, đau dạ dày, thống kinh, vết thương viêm loét… Lõi cành cây hướng dương có tác dụng chữa đái ra máu, sỏi đường tiết niệu, đái dưỡng chấp, tiểu tiện không thông… Vỏ hạt hướng dương chữa ù tai.

Về mặt dược lý, thí nghiệm trên tai thỏ, dịch chiết nước từ cụm hoa hướng dương gồm đế hoa, đài hoa và cánh hoa có tác dụng làm giãn mạch, nếu tiêm vào tĩnh mạch thì có thể gây hưng phấn hô hấp, hạ huyết áp và làm tăng co bóp tiểu tràng rõ rệt. Thí nghiệm trên mèo nếu tiêm dưới da sẽ làm hạ huyết áp trong thời gian ngắn. Dịch chiết hoa hướng dương cũng có tác dụng hạ sốt.

Viêm thận: hoa hướng dương 30g, rơm lúa mạch 30g (có thể thay bằng rơm lúa nếp) sắc uống.

Viêm đường tiết niệu và sỏi đường tiết niệu: lõi cành hóa hướng dương 15g sắc uống. Hoặc đài hoa hướng dương 1 cái sắc uống. Hay rễ hoa hướng dương tươi 30g sắc uống.

Phù thũng, tiểu tiện không thông: Rễ hướng dương 15g, vỏ bí đao 30g sắc uống hằng ngày.

Đái dưỡng chấp: Lõi cành hoa hướng dương 60cm, rễ rau cần nước 60g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

BS Nguyễn Văn Quang (Hội Nam y Việt Nam)

BẢN DESKTOP