KINH TẾ

Hóa đơn điện tử CT: Tạo đòn bẩy cho kinh tế số

  • Tác giả : Vân Bùi
Bộ Công Thương vừa triển khai hệ thống giải pháp hóa đơn điện tử CT (hoadonct.gov.vn). Đây là một bước tiến được nhận định sẽ góp phần thúc đẩy việc ứng dụng hóa đơn điện tử trong thương mại điện tử và dịch vụ công trực tuyến.
hoa-don-ct.jpg

Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch

Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) vừa chính thức vận hành hệ thống Hồ sơ giải pháp Hóa đơn điện tử (Hóa đơn CT - hoadonct.gov.vn). Theo ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, việc triển khai hệ thống Hóa đơn CT sẽ góp phần thúc đẩy việc ứng dụng hóa đơn điện tử trong thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với Trục phát triển Hợp đồng điện tử Việt Nam mà Bộ Công Thương vừa công bố vào tháng 6, Hệ thống Hóa đơn CT sẽ giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực Công Thương có thêm giải pháp và động lực để chuyển đổi số hiệu quả theo chủ trương của Chính phủ.

Hiện nay, có hơn 90 tổ chức trong đó có Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số được Tổng Cục thuế công khai thông tin tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định tại Khoản 1, Điều 10, Thông tư 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 về hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế, Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ.

Hóa đơn CT của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương được xây dựng trên nền tảng kiến trúc ứng dụng công nghệ 4.0 theo hướng triển khai hệ thống dữ liệu lớn (Big Data), phù hợp với yêu cầu về xử lý số lượng lớn giao dịch về hóa đơn, khối chức năng xử lý nghiệp vụ được thiết kế triển khai linh hoạt, có độ mở cao, theo mô hình vừa xây dựng phát triển phần mềm, vừa triển khai và vận hành mà không ảnh hưởng tới hoạt động của ứng dụng.

Với sự chuẩn bị đầy đủ về nhân sự và hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, hóa đơn CT của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đảm bảo đáp ứng được việc kết nối dữ liệu một cách đồng bộ, thống nhất, minh bạch, hiệu quả, có tính ổn định cao với cơ quan thuế theo quy định của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC.

hoa-don-ct-2.jpg

Thúc đẩy thương mại điện tử và dịch vụ công trực tuyến

Trong kế hoạch năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, về phát triển kinh tế số và xã hội số, Ủy ban đã đặt mục tiêu đưa tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100% và tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 50% vào cuối năm nay.

Theo Tổng Cục Thuế thông tin, tính đến ngày 30/6/2022, trên cả nước đã có 851.372 tổ chức, doanh nghiệp, chi nhánh (đạt 100% tổng số tổ chức, doanh nghiệp, chi nhánh đang sử dụng hóa đơn có nhu cầu đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử) và 65.576 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký và chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC với số lượng hóa đơn điện tử đã được phát hành là 536.627.159.

Trong đó, số lượng tổ chức, doanh nghiệp, chi nhánh đang sử dụng hóa đơn có nhu cầu đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử đã đăng ký thành công trên hệ thống HĐĐT là: 377.484 đạt 100%. Hộ cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký và chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC giai đoạn 2 tại 57 tỉnh, thành phố là: 42.701 hộ,       cá nhân kinh doanh.

Mới đây, vào giữa tháng 6, Bộ Công Thương đã chính thức ra mắt Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam (www.CeCA.gov.vn). Thông qua Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam này, các bên tham gia hợp đồng đã có được sự xác thực thông tin bởi cơ quan Nhà nước cho tài liệu đã ký kết. Cộng với việc chính thức vận hành hệ thống Hồ sơ giải pháp Hóa đơn điện tử (Hóa đơn CT - hoadonct.gov.vn), các doanh nghiệp có đầy đủ các căn cứ pháp lý và công cụ để nhanh chóng chuyển đổi số.

Cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý để cấp đăng ký cho các doanh nghiệp, các tổ chức chứng thực điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã giao Trung tâm Tin học và công nghệ số nghiên cứu, phối hợp cùng các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông, hạ tầng số để xây dựng các giải pháp hỗ trợ bên thứ ba như ngân hàng, kiểm toán, cơ quan giải quyết tranh chấp, cơ quan thuế, các đơn vị liên quan khác có thể kiểm tra, xác thực được giá trị như bản gốc của hợp đồng điện tử.

Cũng theo ông Lê Đức Anh, triển khai hóa đơn điện tử là nhiệm vụ một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, chuyển đổi số đối với cơ quan tài chính và góp phần thực hiện chiến lược Chính phủ điện tử. Việc triển khai hóa đơn điện tử sẽ góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức thực hiện của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động của doanh nghiệp. Hóa đơn điện tử CT cũng đồng thời góp phần chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, xã hội.

Khoản 1, Điều 10, Thông tư 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 về hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế, Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ:

Điều 10: Tiêu chí đối với tổ chức cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn và các dịch vụ khác có liên quan.

Tiêu chí đối với tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và không có mã cho người bán và người mua.

a) Về chủ thể:

Là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin được thành lập theo pháp luật Việt Nam;

Thông tin về dịch vụ hóa đơn điện tử được công khai trên trang thông tin điện tử của tổ chức;

b) Về nhân sự: Có tối thiểu 5 nhân sự trình độ đại học chuyên ngành về công nghệ thông tin;

c) Về kỹ thuật: Có hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm đáp ứng yêu cầu:

- Cung cấp giải pháp khởi tạo, xử lý, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và hóa đơn điện tử không có mã cho người bán và người mua theo quy định của pháp luật về hóa đơn điện tử và pháp luật khác có liên quan;

- Có giải pháp nhận, truyền dữ liệu hóa đơn điện tử với người sử dụng dịch vụ; giải pháp truyền, nhận dữ liệu hóa đơn điện tử với cơ quan thuế thông qua tổ chức nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử. Thông tin quá trình nhận, truyền dữ liệu phải được ghi nhật ký để phục vụ công tác đối soát;

- Có giải pháp sao lưu, khôi phục, bảo mật dữ liệu hóa đơn điện tử;

Vân Bùi

BẢN DESKTOP