Dữ liệu y khoa

Hoa đào làm thuốc, làm đẹp

  • Tác giả : LY Tống Thị Bích Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Ngoài ý nghĩa tạo cho xuân thêm hương thêm sắc, hoa đào được dùng như một vị thuốc, một thứ dược mỹ phẩm để làm đẹp cho phụ nữ.

Hoa đào làm đẹp

Rượu hoa đào xóa nếp nhăn: Lấy 150g hoa đào khô (thu hái hoa đào mới nở rồi phơi khô trong bóng râm) đem ngâm với 1500ml rượu trắng, bịt kín miệng, sau 15 ngày có thể dùng được, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần từ 10 - 20ml, đồng thời lấy một chút rượu thoa đều lên da mặt. Công dụng: hoạt huyết, nhuận da; dùng cho trường hợp da dẻ nhiều nếp nhăn và kém tươi sáng.

 Trà hoa đào trị nhám và tàn nhang: Lấy 10g hoa đào và 15g hoa sen đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: Hoạt huyết tán phong, trừ thấp nhuận da; dùng cho trường hợp da măt có nhiều vết rám và tàn nhang.

Bột thuốc hoa đào giảm béo, nhuận da: 1- Hoa đào 30g, bạch dương bì 30g, đông qua nhân (nhân hạt bí đao) 40g, tất cả sấy khô, tán mịn, uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 3g với rượu nhạt. Công dụng: Làm nhuận và sáng da, phòng chống vết nhăn trên da mặt. 2- Hoa đào 300g hái vào ngày 3/3 âm lịch, phơi khô trong bóng râm rồi tán thành bột mịn, đựng trong bình kín, uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 3g. Công dụng: Giảm béo, làm cho da mặt hồng hào, tươi tắn.

Thuốc thoa mặt hoa đào giúp da mịn màng, tươi sáng: Đây là phương thuốc làm đẹp bí truyền của cung đình đời Đường (Trung Quốc). Hái hoa đào tươi vào ngày 3/3 âm lịch đem phơi khô trong bóng râm rồi tán thành bột mịn. Sau đó, vào ngày mùng 7/7 lấy lượng máu gà ác vừa phải hoà đều với bột hoa đào thành thuốc thoa một lớp mỏng lên da mặt. Công dụng: Làm cho da dẻ mịn màng tươi sáng.

Da bị dị ứng, mọc mụn: Lấy hoa đào và muối ăn lượng ngang nhau trộn đều, thêm giấm rồi đắp lên mụn. Nếu mọc mụn trên mặt, rỉ ra nước vàng hoặc mủ, hoặc mắt mọc mụn: lấy bột hoa đào hoặc hoa đào nấu trà uống. 

Trị trứng cá, mụn nhọt trên da mặt: (1) Dùng hoa đào và nhân hạt bí đao với liều lượng bằng nhau, phơi khô, tán bột, hoà với mật mà bôi; (2) Lấy hoa đào và đan sa với liều lượng bằng nhau, tán bột, uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 3- 4g vào lúc đói trong 10-20 ngày.

Chai chân: 1 lạng hoa đào, 1 thìa nhỏ muối ăn, 1 thìa nhỏ giấm. Hoa đào bỏ nhụy chỉ giữ lại cánh hoa, giã đều muối, lọc nước đi, rồi cho giấm vào đảo đều, cho vào miếng giấy hoặc gạc dàn thành miếng cao, đắp lên chỗ bị chai chân, khi khô đắp cái mới thay thế. Công dụng: Tan chai chân, nốt đậu mọc ở sau lưng.

Làm trắng da: Bài thuốc Ngọc nhan tán có thể giúp phụ nữ có làn da trắng trẻo, nhu nhuận, mịn màng: 200g hoa đào, 250g nhân hạt bí đao và l00g bạch dương bì. Các vị đều sấy hoặc phơi khô, tán bột, trộn thêm một chút đường trắng rồi đựng trong lọ kín để dùng dần. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê sau bữa ăn.

Bài thuốc từ hoa đào

Hoa đào đã được phơi khô pha với rượu ẩm để uống, giúp thông tiện, tiêu đờm, tăng cường khả năng của thận, bàng quang, chuyên trị tê phù. Người xưa thường dùng hoa đào (tươi hoặc khô ngâm ướt) và bột mì làm mằn thắn (giống bánh trôi hoa quế) luộc chín thì ăn trong nửa ngày, chuyên trị tắc ruột, phân khô, bụng trướng đau. Tuy nhiên, tính thổ của hoa đào lợi cho đại tràng rất nhanh, chỉ nên dùng cho người bị táo bón, sưng phù mà cơ thể vẫn khỏe mạnh; còn người bị suy nhược thì không nên dùng nhiều, dùng lâu. Nếu không sẽ bị tổn thương nguyên khí.

Chữa thủy thũng: Hoa đào lượng vừa đủ, nghiền bột mỗi lần lấy 6g cho vào nước cháo loãng, uống lúc đói. Ngày 3 lần hoặc nấu cháo hoa đào ăn.

Sỏi thận: Hoa đào, hổ phách lượng bằng nhau. Nghiền hoa đào trộn đều với hổ phách mỗi lần 6g cho vào 1 tô lớn nước, nấu trong nửa giờ, lọc lấy nước uống. Ngày 2 lần.

Liệt dương: Hoa đào, hoa hồng, hoa tường vi, hoa mai, hoa hẹ, trầm hương mỗi thứ 30g, nhân hạt đào 240g, rượu gạo, rượu cồn mỗi thứ 1.250ml. Hòa trộn với nhau 7 vị trên cho vào túi lụa treo vào trong 1 hũ sành sứ bịt kín miệng hũ. Ngâm 1 tháng, mỗi lần uống 20ml ngày uống 2 lần vào 2 bữa ăn chính.

Bế kinh: Hoa đào 25g ngâm vào 250ml rượu trong 1 tuần. Mỗi lần uống 10ml hòa với nước ấm hoặc hoa đào 10g cho vào cơm rượu 50g trộn đều, chưng cách thủy cho nhừ hoa để bớt nóng, ăn cả cơm và hoa. Ngày 1 lần, liền 1 tuần.

Chữa chứng cước khí, đau vùng tim: Dùng hoa đào khô tán bột, uống với nước ấm hoặc rượu với liều từ 3-5g trong một ngày.

Chữa chứng rụng tóc, hói đầu: Lấy bột hoa đào trộn đều với mỡ lợn hoặc dầu vừng rổi bôi lên vùng tổn thương sau khi đã rửa sạch bằng nước hoà với tro của rơm rạ.

Chữa bệnh sốt rét: mỗi ngày dùng 3g hoa đào tán bột, uống với rượu ấm.

Chữa bệnh kiết lỵ dai dẳng: Dùng 10-15 bông hoa đào sắc uống, mỗi ngày 3 lần.

  Món ăn từ hoa đào

Bánh hoa đào: Trộn 30g hoa đào tươi với bột mỳ, đường, làm bánh nướng ăn.

Củ cái xào rắc hoa đào: 20 bông hoa đào, 150g củ cải, 70g hành tây, 50g tương cà chua, dầu thực vật và gia vị vừa đủ. hoa đào nhặt lấy cánh rửa sạch. Củ cải và hành tây rửa sạch thái mỏng, đổ dầu vào chảo, phi hành cho thơm rồi cho tôm, củ cải, hành tây vào xào to lửa, khi chín cho tương cà chua và gia vị vừa đủ, đổ ra đĩa, rắc cánh hoa đào lên trên, ăn nóng. Công dụng: Bổ thận, nhuận da và dưỡng nhan sắc.

 Canh gà hoa đào: 0,2 lạng hoa đào, 0,1 lạng cau, 1 cái đùi gà, 1 thìa nhỏ muối. Đùi gà rửa sạch, cắt miếng. Hoa đào và miếng cau dội sạch nhanh, cho đùi gà và 5 bát nước vào nấu canh, đun to lửa, sôi lên thì chuyển sang đun nhỏ lửa, đun khoảng 25 phút, thêm muối rồi lọc bỏ cặn thuốc, uống canh gà. Công dụng: Trị chứng khó đi tiểu tiện, đại tiện của phụ nữ sau khi sinh. Chống chỉ định: Phụ nữ mang thai không được uống. Uống lâu dài cũng bị hao tổn nguyên khí.

Hoa đào xào tôm nõn: Hoa đào 20 bông, tôm nõn 30g, củ cải 150g, hành tây 75g, tương cà chua 50g, dầu thực vật và gia vị vừa đủ. Hoa đào lấy cánh rửa sạch, củ cải và hành tây rửa sạch thái mỏng, đổ dầu vào chảo, phi hành cho thơm rồi cho tôm, củ cải và hành tây vào xào to lửa, khi chín cho tương cà chua và gia vị vừa đủ, đổ ra đĩa, rắc cánh hoa đào lên trên, ăn nóng. Công dụng: Tư âm bổ thận, nhuận da và dưỡng nhan sắc.

Lưu ý: Phụ nữ mang thai không được dùng hoa đào vì có tác dụng làm hưng phấn tử cung.

Lương y Tống Thị Bích Thủy (Hội Đông y Hà Nội)

LY Tống Thị Bích Thủy

BẢN DESKTOP