Dữ liệu y khoa

Hóa chất vĩnh viễn trong kính áp tròng: Biến chứng do đeo kính sai cách

  • Tác giả : Thúy Nga
Gần đây, một số trang mạng đưa thông tin về việc phát hiện nồng độ cao bất thường của PFAS trong kính tiếp xúc (kính áp tròng) và băn khoăn về việc liệu có tác hại gì với mắt hay toàn thân hay không.

Đến thời điểm này, các bác sĩ nhãn khoa không thấy có khuyến cáo gì từ những hội nghề nghiệp chuyên ngành (Hội nhãn khoa Hoa kỳ) hay cơ quan quản lý dược phẩm Hoa kỳ (FDA) về vấn đề trên.

Công nghệ sản xuất kính tiếp xúc vốn đã có từ vài chục năm nay và ngày càng có nhiều tiến bộ. Từ kính tiếp xúc cứng đã chuyển thành kính tiếp xúc mềm, tiện lợi hơn nhiều. Vật liệu làm kính tiếp xúc cũng thay đổi theo từ vật liệu cứng PMMA sang chất liệu mềm plastic, hiện nay phổ biến là silicone hydrogel.

Kính tiếp xúc mềm hiện nay ngậm nước tốt, cho phép luân chuyển nước và oxy dễ dàng. Như vậy, giác mạc có thể “thở tốt” và đảm bảo tính trong suốt. Các nhà sản xuất kính tiếp xúc y tế không nhắc gì đến việc có dùng PFAS hay không?

Trên góc độ lâm sàng, bệnh nhân mang kính tiếp xúc có thể có biến chứng, nhưng không có nghiên cứu hay khuyến cáo nào nêu tên PFAS.

Những biến chứng chính của việc mang kính áp tròng:

- Chấn thương xây xước lòng đen do động tác tháo lắp kính thô bạo, sai kỹ thuật.

- Kính bị rách nát, chui vào cùng đồ kết mạc gây kích thích, đau đớn do lười tháo kính và vệ sinh kính theo quy định, dùng kính quá hạn.

- Nhiễm trùng, nhiễm nấm, nhiễm amip do nhiễm bẩn kính, tay và nước dùng có vấn đề.

- Một số dạng phù, loạn dưỡng giác mạc do kính lỏng hay chặt quá muốn tránh những rắc rối, phiền toái nêu trên bạn nên tuân thủ nguyên tắc chọn kính tiếp xúc và dùng kính tiếp xúc.

- Ngoài mục đích trang trí dự sự kiện, “năm thì mười họa” bạn có thể tự thao tác dùng kính cho vài giờ hay một ngày. Còn lại, bạn nên mang kính tiếp xúc sau khi có ý kiến của bác sĩ mắt hay cử nhân khúc xạ, sau khi đã khám mắt và đo đạc thông số phù hợp loại kính tiếp xúc mình sẽ mang.

- Vệ sinh tay cẩn thận, tháo lắp đúng kỹ thuật, ngâm rửa - tẩy trùng- tẩy mỡ bằng các dung dịch chuyên dụng, tuân thủ thời hạn sử dụng của từng loại kính: Một tháng, một tuần hay một ngày.

- Nếu khó khăn trong việc tháo lắp kính, bạn hãy đến gặp bác sĩ mắt, đừng tự cố giải quyết một mình.

- Nếu có dấu hiệu bất thường nào như đỏ mắt, đau nhức, sợ sáng, nhìn mờ bất thường…, hãy khám chuyên khoa mắt ngay.

BS Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương)

Thúy Nga

BẢN DESKTOP