Khoa học & Công nghệ

Hóa chất trong vụ cháy ở Long Biên tồn tại lâu ngoài không khí

  • Tác giả : Bảo Khánh
(khoahocdoisong.vn) - Xung quanh khu vực cháy kho hóa chất ở Long Biên, cơ quan chức năng phát hiện có nhiều hóa chất độc hại không nằm trong danh mục cho phép sản xuất của doanh nghiệp. Điều đáng nói các hóa chất vẫn tồn tại trong không khí nhiều ngày sau đám cháy.

Hóa chất toluen vượt 17 lần cho phép

Theo thông tin từ UBND quận Long Biên, các đơn vị chuyên môn của Bộ Tư lệnh Hóa học, Viện Công nghệ môi trường (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã lấy mẫu không khí tại khu vực xảy ra cháy và lấy mẫu nước mặt của sông Đuống tại Cảng Đức Giang để đánh giá mức độ ô nhiễm. Báo cáo của Viện Hóa học Môi trường quân sự và kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chỉ rõ, trong không khí tại giữa kho hóa chất còn tồn tại những hợp chất dễ cháy như toluen, n-butanol, axeton, benzen, n-butylaceta, n-hexan, cyclo hexan, metyl etyl keton, etyl benzen, xilen, etyl axetat. 

Trong đó thông số toluen tại điểm cuối kho hóa chất vượt hơn so với QCVN 06:2009/BTNMT 2,442 lần; tổng bụi lơ lửng tại 4 điểm đều vượt quy chuẩn QCVN 05:2013/BTNMT. Tại điểm cuối kho vượt 1,47 lần, tại trước cổng Công ty hóa học vượt 5,95 lần, tại cổng Công ty bao bì Đất Việt vượt 5,05 lần, tại đầu ngõ 95 vượt 6,23 lần.

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, với những hóa chất như vậy phát tán ra môi trường thì ngay lập tức cần phải cô lập đám cháy, cảnh báo đến người dân. Lý do là toluen và một số hợp chất khác có thể tồn tại rất lâu trong môi trường. Do vậy, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần sớm cô lập hoàn toàn khu vực xảy ra sự cố, xử lý tàn dư của đám cháy. Toluen (C7H8) hay còn gọi là metylbenzen, là một chất lỏng trong suốt được sử dụng làm dung môi rộng rãi trong công nghiệp. Chất này dễ cháy, có thể bay hơi và tạo thành hỗn hợp nổ. Toluen là chất độc hại với sức khỏe con người, khi hít, nuốt phải có thể gây đau đầu, ngủ gật, vô thức, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, gây suy nhược thần kinh, viêm dây thần kinh, rối loạn vận động, liệt cơ, mất tri giác, hỏng não và tử vong...

Bài học từ thảm họa Rạng Đông

Lý giải về việc nhiều ngày sau đám cháy, vẫn đo được nồng độ các hóa chất trên trong không khí, TS Đỗ Thanh Bái, Hội Hóa học Việt Nam cho biết, đây là các hợp chất dễ bay hơi, không phân hủy trong môi trường và khó bắt cháy. Vì vậy, quá trình xảy ra đám cháy, các hợp chất này bị bay hơi vào không khí và tồn tại trong đó. Toluen chủ yếu được dùng làm dung môi hòa tan nhiều loại vật liệu như sơn, mực in, chất hóa học, cao su, mực in, chất kết dính. Tiếp xúc Toluen trong thời gian dài có thể gây ung thư. Do đây đều là những chất độc nên rất cần thiết phải xử lý, không để xảy ra sự cố nghiêm trọng giống như vụ cháy Rạng Đông năm 2019.

Ngày 6/7, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp 10 đã bắt đầu thu gom, vận chuyển chất thải và dự kiến sẽ xử lý xong trước ngày 10/7. Lãnh đạo quận Long Biên cho hay, sau khi có kết quả phân tích, UBND quận sẽ tổng hợp, thông tin đến các hộ dân xung quanh; đồng thời tiến hành rà soát toàn bộ các kho hóa chất khác trên địa bàn để có biện pháp phòng ngừa cháy nổ, đảm bảo an toàn.

Vụ cháy xảy ra vào khoảng 7h30 ngày 30/6 tại xưởng của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cường Việt. Đám cháy lan sang khu vực xưởng bên cạnh của Công ty Cổ phần 3B và Công ty Cổ phần Phát triển công nghệ hóa học. Thời điểm xảy ra vụ cháy, trong khu xưởng xuất hiện nhiều tiếng nổ. Đến 10h30 cùng ngày, đám cháy cơ bản được dập tắt, không xảy ra thiệt hại về người. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhận định, có dấu hiệu sản xuất hóa chất khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép, đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo và giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất; kịp thời xử lý các vi phạm về an toàn, kinh doanh và sản xuất hóa chất tại công ty này..

Bảo Khánh

BẢN DESKTOP