Khám phá

Hồ Sĩ Dương – Thái Sơn Bắc Đẩu – kỳ 3: Những đóng góp cho quê hương

Những đóng góp cho quê hương của Hồ Sĩ Dương, ngoài việc giúp nước về mặt chính trị, ông còn quan tâm đến thuần phong mỹ tục của xã hội nước ta.

Lễ dâng hương tại đền thờ Hồ Sĩ Dương.

Cuốn sách phổ biến khắp trong nước

Ông bước đầu soạn thảo sách Hồ Thượng thư gia lễ cho sát với tình hình kinh tế và tập tục Việt Nam, cải cách những sự mô phỏng Tàu quá nhiều, đề cao đạo hiếu, lấy đạo hiếu và gia đình làm gốc cho xã hội.

Đến đời cháu ông là TS Hồ Sĩ Tân thì cuốn sách đó thực sự hoàn chỉnh và được phổ biến khắp trong nước (tức cuốn Thọ Mai gia lễ).

Hồ Sĩ Dương là một sử gia có quan điểm đúng đắn. Đề tựa sách Lê triều đế vương Trung hưng công nghiệp thực lục ông viết: “ Sách Thực lục này vốn không phải suy đoán mà nói, đặt lời văn hoa thêm bớt, mà chỉ căn cứ vào sự thực chép thẳng ra. Nếu việc có tính cách tiếm lấn thì chê một chữ đau hơn búa rìu, việc có tính cách tôn phù chính thống thì khen một lời vinh hơn hoa cổn…”.

Hồ Sĩ Dương có nhiều đóng góp tích cực cho quê hương. Tộc phả gia tộc Hồ Sĩ Dương và văn bia tại miếu thờ cho biết, ông đã cúng cho làng ruộng binh điền 24 mẫu ở xứ Đập Gẫy, Đập Giữa, Phần Xôi; cúng ruộng học điền 40 mẫu ở xứ Bờ Re, Đập Bút.

Người làng khi lên lão 60, 70, 80 tuổi…, hàng năm đến 25 tháng 12 âm lịch đều được ông cấp cho một đấu thóc, 3 quan tiền. Con cháu nội ngoại khi thành hôn, con trai được cấp 3 đấu thóc, 3 quan tiền; con gái được cấp 7 đấu thóc, 7 quan tiền; con trai lấy vợ lần thứ 2 được cấp nửa suất…

Ông còn lo việc đắp đập, xây cống, cải tạo đồng ruộng, sửa chữa chùa Quỳnh Thiện (gần chợ Nồi cũ) cho làng.

Bà vợ cả của ông là Trương Thị Thành đã lấy thợ ở làng Phú Nghĩa (nay là Quỳnh Nghĩa) quê bà lên lập xưởng mộc ở đập Vũ Sĩ, đóng giường và quan tài bán cho dân làng, những người quá túng thiếu thì được cấp.

Ngoài ra, ông còn đem của cải, ruộng đất triều đình ban tặng chiêu tập dân phiêu tán tạo lập nên 5 thôn mới trong huyện là: Như Bá (Quỳnh Bá), Tiên Đội (Quỳnh Hoa), Mỹ Hòa (Quỳnh Mỹ), Thọ Vực (Quỳnh Thọ), Bảo Yên (vùng Hoàng Mai).

Các thôn này đều thờ ông là Thành hoàng. Trừ thôn Bảo Yên ở xa, 4 thôn kia cứ 12 năm lại tổ chức lễ rước kiệu đến cúng tế ông ở từ miếu chính tại làng Quỳnh.

Hai người đàn bà có công nuôi dưỡng

Tương truyền gia cảnh Hồ Sĩ Dương rất nghèo, cha mất nên mẹ ông phải làm thuê, bán nước ở chợ, tần tảo nuôi con. Lúc đã vào tuổi thanh niên, có cô Trương Thị Thành, con gái Trình quận công Trương Đức Thọ ở Phú Nghĩa qua làng, ông đùa xin trầu, cô Thành không giận mà tặng cả hộp. Ông đem lòng yêu mến, bảo mẹ xuống Phú Nghĩa hỏi cưới…

Quan quận bất bình cho là phạm lễ giáo vì không môn đăng hộ đối, đuổi con gái về Quỳnh Đôi và ra hạn khi nào ông Dương làm nên sự nghiệp thì trải chiếu hoa từ Quỳnh Đôi xuống Phú Nghĩa mới nhận làm con rể.

Ông quyết chí học tập, sau thành đạt, thực hiện được lời của cha vợ – trải chiếu hoa từ làng Quỳnh xuống làng Hậu đón cha vợ. Người đời sau có câu ca dao về ông: “Ngày ngày gánh nước đảm đang – Mai sau Đông các nghênh ngang làng Nồi”

Nói đến sự nghiệp của ông, dân làng thường nhắc đến mẹ ông và vợ ông, hai người đàn bà có công nuôi dưỡng.

Có một câu chuyện rất thú vị về mẹ ông. Lúc ông đậu tiến sĩ, bà đang cấy ngoài ruộng xa, có người chạy ra báo tin mừng với bà và mời bà về. Bà vẫn tiếp tục cấy cho hết buổi và nói với người báo tin: “Con đậu tiến sĩ nhưng mẹ không làm, không cày cấy thì lấy cơm đâu mà ăn!”

Còn bà Trương Thị Thành vợ ông đã xuất tiền nuôi ông ăn học, chăm chỉ lao động, kính trọng mẹ chồng, ăn ở tốt với bà con. Lúc ông trở thành quan to, bà khuyên đem ruộng cúng cho làng, đem tiền gạo cứu tế cho dân nghèo, bà còn đem nghề Mộc ở Phú Nghĩa lên Quỳnh Đôi.

  Nguyễn Bảo Nam

BẢN DESKTOP