Khám phá

Hồ Sĩ Dương – Thái Sơn Bắc Đẩu- Kỳ 2: Phật sống họ Hồ

Phật sống họ Hồ (Hồ sinh Phật) là danh hiệu vua Khang Hy nhà Thanh ban tặng cho Hồ Sĩ Dương trong chuyến đi sứ năm 1673.

Lễ khánh thành phục dựng đền thờ Hồ Sĩ Dương- Phật sống họ Hồ.

Phật sống họ Hồ

Đến năm Quý Mão (1663), đời vua Lê Huyền Tông, ông lại được tín nhiệm lên biên giới phía Bắc để giao thiệp với ngoại bang, được thăng làm Đại học sĩ Đông các, tước tử. Khi điện Chiêu Sự ở đàn Nam Giao được sửa chữa, vua lại sai ông soạn văn bia khắc vào đá lưu dấu tích.

Năm Ất Tỵ (1665), lúc Hồ Sĩ Dương là Hữu thị lang bộ Binh Nhuận duệ tử, được thăng tước bá vì có công nhiều lần lên cửa quan hầu mệnh, lo việc tiếp sứ thần Trung Hoa. Đóng góp của ông trong lĩnh vực ngoại giao kéo dài thêm khi năm Đinh Mùi (1667) vị Hữu thị lang bộ Binh họ Hồ lại được cử lên biên giới giao thiệp.

Trong lần đi sứ năm 1673, Trung Quốc có loạn Tam phiên. Ông đã hiến kế ly gián cho vua Khang Hy, nhờ đó lôi kéo được Thượng Chí Tín và Cảnh Thịnh Trung về hàng triều đình để tập trung lực lượng đánh thắng Ngô Tam Quế.

Ông được vua Khang Hy tặng danh hiệu “Hồ sinh Phật” (Phật sống họ Hồ).

Tháng 3 năm 1675, đoàn sứ thần về nước “Xét công đi sứ, lấy Nguyễn Mậu Tài làm Thượng thư bộ Hình, tước tử, lấy Hồ Sĩ Dương làm Thượng thư bộ Công, tước Quận công”.

Cũng nhờ có tài ngoại giao, từ năm 1662 đến năm 1669, nhiều lần ông được phái lên cửa quan đón tiếp sứ thần phương Bắc và đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tiếng tăm của Hồ Sĩ Dương, không chỉ người trong nước được tỏ, mà sứ nước Thanh sang ta, cũng biết danh.

Sau khi Chu Xán nhà Thanh vâng lệnh vua Khang Hy đi sứ Đại Việt năm Quý Hợi (1683), khi về có dâng lệnh vua Thanh tập Sứ Giao ngâm mà Kiến văn tiểu lục có ghi: “trong các bài thơ ấy có câu rằng: “Nhân vật nước này về lý học có Trinh Tuyền, Vũ Duệ, Nguyễn Đăng Cao và Hồ Sĩ Dương, về kinh tế có Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Trãi, Lương Thế Vinh, còn về phần văn học có khá nhiều”.

Hoàn Hậu, ba Hồ…

Năm 1681, Hồ Sĩ Dương mất, thọ 61 tuổi, được phong Thiếu bảo Duệ quận công. Suốt cuộc đời cống hiến không ngừng nghỉ, Hồ Sĩ Dương đã có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, văn hóa, ngoại giao…

Có thể mượn bốn chữ “Thái Sơn Bắc Đẩu” trên bức đại tự treo chính giữa điện thờ Hồ Sĩ Dương tại làng Quỳnh, tương truyền do vua Lê ban tặng, để đánh giá chung về ông.

Trong Đại Nam dư địa chí ước biên phần “Tỉnh Nghệ An” có câu: “Hoàn Hậu: Ba Hồ, Quận công tước lớn”, ý chỉ “Hồ Sĩ Dương, Hồ Phi Tích, Hồ Sĩ Đống, người xã Hoàn Hậu, đều là tiến sĩ, tước Quận công”.

Hồ Sĩ Dương còn là một học giả nổi tiếng. Ông là tác giả các tác phẩm: Trùng san Lam Sơn thực lục, Hoan Châu phong thổ ký, Hồ Thượng thư gia lễ, Hồ tộc phổ ký, Đại Việt Lê triều đế vương Trung hưng công nghiệp thực lục, Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyền, Thục An Dương Vương sự tích, Trưng Vương công thần phả lục, Thiên Nam ngữ lục, Trinh tiết phu tỉ muội bi ký, Khuông lộc hầu bi ký, Tam tòa đại vương miếu bi ký.

Không những vậy, ông còn tham gia biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư (quyển 11 đến quyển 15), hiệu đính bộ Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên và nhuận chính Nam giao điện bi ký. Đáng tiếc hầu hết tác phẩm của ông đã thất truyền.

(còn nữa)

  Nguyễn Bảo Nam

BẢN DESKTOP