Trong nước

Ho nhiều từng cơn, khó thở... vào viện phát hiện viêm phổi do ký sinh trùng

  • Tác giả : Tiểu Phương
Viêm phổi do ký sinh trùng thường tiến triển chậm, người bệnh thích nghi với các triệu chứng của bệnh nên chủ quan không đi khám bệnh hoặc tự mua thuốc điều trị, khi bệnh nặng mới đến cơ sở y tế khám bệnh.

Sở Y tế Phú Thọ thông tin, vừa qua, Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ tiếp nhận người bệnh P.T.T. vào viện với tình trạng ho nhiều từng cơn, có đờm, khó thở nhẹ kèm sốt cao.

Ho nhiều từng cơn, khó thở... vào viện phát hiện viêm phổi do ký sinh trùng - Ảnh minh hoạ

Ho nhiều từng cơn, khó thở... vào viện phát hiện viêm phổi do ký sinh trùng - Ảnh minh hoạ

Sau khi nhập viện, người bệnh được làm các xét nghiệm, cận lâm sàng cần thiết, các bác sĩ phát hiện người bệnh có nhiễm ký sinh trùng, gây nên tình trạng viêm phổi.

BSCKI. Bùi Thị Xuân Ngà, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ cho biết: “Viêm phổi do ký sinh trùng thường dễ nhầm với các viêm phổi khác nên chẩn đoán khó khăn, điều trị kéo dài, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, kinh tế cho người bệnh và gia đình.

Trong 6 tháng năm 2024, Khoa tiếp nhận 3 trường hợp vào viện được chẩn đoán viêm phổi do ký sinh trùng, chủ yếu là do sán dây cho và giun đũa chó. Qua khai thác tiền sử gia đình người bệnh có nuôi chó, mèo, thường xuyên vuốt ve, ôm ấp con vật.”

Bác sĩ khuyến cáo để phòng bệnh viêm phổi do ký sinh trùng, người dân nuôi chó, mèo cần hạn chế tiếp xúc, nhất là ôm ấp, vuốt ve. Định kỳ tẩy giun sán cho người tiếp xúc và vật nuôi, xử lý chất thải của vật nuôi đúng quy trình.

Khi có các biểu hiện ho khạc, khó thở, sốt thất thường, mệt mỏi phải đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Dấu hiệu nhiễm ký sinh trùng ở người

Theo các chuyên gia về sức khoẻ, nhiễm ký sinh trùng có thể âm thầm, hoặc có dấu hiệu cảnh báo nhưng dễ trùng lặp với rất nhiều bệnh lý thường gặp. Ngoài ra, bệnh nhiễm ký sinh trùng do đa dạng chủng loại nên cũng có những biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên, người nhiễm ký sinh trùng có thể có những biểu hiện dưới đây:

Sốt kéo dài: Nhiễm ký sinh trùng thường có dấu hiệu sốt kéo dài, có thể sốt cao kèm cơ thể rét run hoặc có thể sốt trong thời gian ngắn rồi cắt cơn. Đôi khi sốt kèm đau bụng, tiêu chảy, chán ăn.

Rối loạn tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa hoặc có các biểu hiện tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng là dấu hiệu thường gặp ở người nhiễm ký sinh trùng đường tiêu hóa, nhưng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh đường ruột khác. Chất thải ký sinh trùng có thể gây táo bón, đầy hơi, buồn nôn cho người nhiễm bệnh.

Biểu hiện ngứa hoặc nổi mề đay: Bệnh ký sinh trùng ở người sẽ gây ra một số vấn đề trên da như phát ban đỏ, chàm, dị ứng. Ngoài ra, các chất thải từ ký sinh trùng tích tụ trong da, lâu ngày dẫn đến sưng tấy, tổn thương da, viêm nhiễm.

Sụt cân, suy dinh dưỡng: Nhiễm ký sinh trùng gây ảnh hưởng đến hoạt động đường ruột. Cơ thể người bệnh dễ gặp triệu chứng như táo bón, chán ăn, đau bụng, tiêu chảy, ngoài ra, một số loài ký sinh trùng hút máu, dinh dưỡng từ vật chủ sẽ khiến vật chủ sụt cân, thậm chí suy dinh dưỡng.

Ngứa vùng hậu môn: Ngứa hậu môn là đặc trưng của người nhiễm giun, đặc biệt là giun kim. Người nhiễm thường bị ngứa quanh hậu môn vào ban đêm, khi giun cái đẻ trứng.

Thiếu máu: Phần lớn ký sinh trùng sau khi ký sinh vào cơ thể người sẽ hút máu, của vật chủ để duy trì sự sống, phát triển và sinh sôi. Do đó, người nhiễm ký sinh trùng không được phát hiện có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu.

Thay đổi tính cách: Nếu nhiễm ký sinh trùng, tâm lý của người bệnh sẽ thay đổi trở nên lo lắng, bất an, thậm chí ảnh hưởng thần kinh qua các biểu hiện kém tập trung, suy giảm trí nhớ.

Tiểu Phương

BẢN DESKTOP