Khoa học & Công nghệ

Hồ Đắc Di - Nhà trí thức lớn và ước mơ "cứu nhân độ thế" – Kỳ cuối: Suốt đời giữ nếp sống giản dị

  • Tác giả : Đặng Vương Hạnh
(khoahocdoisong.vn) - Cuộc sống tại chiến khu hoàn toàn không giống một cuốn tiểu thuyết lãng mạn, ở đó người ta luôn phải đối mặt với đủ gian khổ, nguy hiểm, bệnh tật, thiếu thốn.

Một nhân cách, một người thầy, một nhà khoa học

GS Hồ Đắc Di cùng GS Tôn Thất Tùng (sau này có thêm GS Đặng Văn Ngữ từ Nhật trở về giúp sức) vẫn quyết tâm duy trì Trường Đại học Y. Theo phương châm “tự lực cánh sinh” Bác Hồ đã dạy, thầy và trò cùng nhìn nhau dựng lên trường đại học mái tranh vách nứa có đủ giảng đường, phòng xét nghiệm... ở giữa chốn núi rừng heo hút. Thực dân Pháp nhiều lần đổ quân đến càn quét, đốt phá, thầy trò chạy vào rừng sâu sơ tán, đợi chúng rút lại quay về học tiếp. Một hôm, giặc ập đến, bủa vây khắp nơi và gọi loa: “Quân đội Pháp mời bác sĩ Hồ Đắc Di và bác sĩ Tôn Thất Tùng trở về làm việc với Chính phủ Pháp. Chúng tôi biết rõ bác sĩ Di và bác sĩ Tùng hiện đang ở đây. Quân đội Pháp sẽ hết sức trọng đãi”.

Trong lúc nguy khốn, Hồ Đắc Di nói với vợ một câu mà ông không bao giờ quên: “Chết thì chết chứ không để bọn Pháp “bắt lại” một lần nữa”. Trong suốt cuộc kháng chiến 9 năm, trường y đã nhiều lần di chuyển hết từ Chiêm Hóa về Phú Thọ, rồi sang Tuyên Quang, phải làm đi làm lại cả thảy 13 lần. Thầy trò vừa dạy vừa học vừa thay nhau đi phục vụ các chiến dịch. Ngôi trường này đã đào tạo ra số bác sĩ nhiều gấp bốn lần trước khi kháng chiến bắt đầu. Trong số những sinh viên được tôi luyện qua những ngày tháng gian khổ ấy, sau này nhiều người trở thành giáo sư, viện sĩ, viện trưởng, bộ trưởng trong ngành y tế nước nhà.

Quyết liệt không kém gì ngoài mặt trận, nhiệm vụ của những chiến sĩ áo trắng ở tuyến sau như Hồ Đắc Di là làm sao giảm càng nhiều tỷ lệ thương vong, tật bệnh của đồng bào và chiến sĩ ta càng tốt...

Những chiến dịch càng ác liệt, các trạm phẫu thuật càng phải hoạt động khẩn trương. Bản thân GS Hồ Đắc Di đã mổ rất nhiều, trong số các bệnh nhân của ông có cả tướng Vương Thừa Vũ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, vị tướng này đã tặng bác sĩ Di cây gậy của viên bại tướng De Castrie.

Kháng chiến thành công, GS Hồ Đắc Di được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ làm Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội và ông còn trải qua nhiều trọng trách khác, trở thành đại biểu quốc hội trong nhiều khóa, được trao tặng nhiều huân chương cao quý... Nhưng mọi người luôn biết đến ông như một nhân cách, một người thầy, một nhà khoa học. Với 21 công trình hiện tìm được trong số 37 công trình đã được công bố rộng rãi trên thế giới,  Hồ Đắc Di là nhà nghiên cứu y học tầm cỡ quốc tế của Việt Nam từ rất sớm. Không kể phương pháp mới trong phẫu thuật dạ dày (nối thông dạ dày – tá tràng) công bố trong luận án tốt nghiệp, GS Hồ Đắc Di là người đầu tiên ở nước ta nghiên cứu cách điều trị bằng phẫu thuật các biến chứng viêm phúc mạc do thương hàn, ông còn đề xướng việc phẫu thuật chữa loét dạ dày – tá tràng và một kỹ thuật mới mổ lấy thai nhi.

Ngoài ra, Hồ Đắc Di đi sâu tìm hiểu các bệnh đặc trưng ở xứ nhiệt đới nghèo nàn lạc hậu, kết quả nghiên cứu về chủng túi mật và về viêm tụy có phù cấp tính của ông... đã đặt nền móng cho những nghiên cứu của đồng nghiệp và học trò sau này. Một số công trình có giá trị của ông được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành uy tín của Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris (Académie de Chirurgie de Paris) hay Báo y học Pháp quốc hải ngoại (Gazette médicale de la France d’Outre-Mer)... và được tham khảo rộng rãi.

Đem hết tâm lực cống hiến cho đất nước, dân tộc

Ông Hồ Đắc Hoài, nguyên ủy viên Hội đồng quản trị dầu khí Việt Nam, cháu ruột của GS Hồ Đắc Di quả quyết với tôi: “Cụ là một người cực kỳ hạnh phúc vì ngoài khoa học ra, cụ chẳng chịu vướng bận một điều gì cả”. Ông kể giáo sư ưa dí dỏm một cách hết sức sâu sắc và cũng hay nói thẳng khiến người ta dễ tự ái nhưng sau đó lại quên liền. Bố ông Hoài là cụ Hồ Đắc Điềm thấy em ăn uống đạm bạc, sợ sức khỏe không đảm bảo, nấu được món ngon thường đem lên cho. GS Hồ Đắc Di buông luôn một câu: “Moa cần tư tưởng khoa học chứ không cần thức ăn”. Ông Điềm giận lắm, không thèm sang nhà nữa. Được vài hôm đã thấy GS Hồ Đắc Di xồng xộc chạy xuống hỏi: “Sao lâu không thấy anh lên nhà tôi chơi gì cả?”.

Trong kháng chiến, GS Hồ Đắc Di có thói quen hút thuốc lào. Sau này về Hà Nội rồi, đi họp Quốc hội, ông vẫn tranh thủ chạy ra quán nước “bắn” một điếu. Tiếng là Tây học nhưng Hồ Đắc Di không khoái rượu Tây, món ông ưa thích nhất vẫn là rượu “cuốc lủi” Việt Nam. Khi mới uống, ông bảo con cháu: “Tao làm sao mà say được”, nhưng khi đã ngà ngà, ông lại nói: “Uống mà không say thì uống làm gì”. GS Hồ Đắc Di không bao giờ can thiệp hoặc xin xỏ cho con cái được ưu tiên hơn người khác, chính vì thế mà họ trưởng thành nên người. Người con trai của ông là đại tá binh chủng thông tin Hồ Đắc Thuyên đã mất cách đây nhiều năm. Con gái ông, bà Hồ Thể Lan, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí, Bộ Ngoại giao, là vợ nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.

Trong cuộc sống cá nhân, có cảm tưởng Hồ Đắc Di là kẻ “xuất thế”: Suốt đời giữ nếp sống giản dị xứ Huế, không ham danh vọng, thậm chí không biết đến tiền... như ông đã kết luận: “Mục đích cuối cùng của một cuộc sống đẹp đẽ nào cũng đòi hỏi một sự quên mình hoàn toàn”. Tuy nhiên, trong công việc, trong khoa học, ông lại cho thấy mình là người “nhập thế”, luôn muốn “làm thầy cho ra thầy, trò cho ra trò”.

Tư duy của Hồ Đắc Di không bao giờ chịu già cỗi, ông không khi nào cho phép mình lạc hậu với những tiến bộ trong khoa học cũng như nghệ thuật hiện đại thế giới. Sẽ là một thiếu sót lớn nếu bỏ qua, không đề cập tới một phần di sản quan trọng của giáo sư Hồ Đắc Di là những bài viết, bài giảng, diễn từ, tiểu luận của ông. Đây là những tác phẩm thực sự, hầu hết được viết bằng một thứ tiếng Pháp hết sức nhuần nhị, tinh tế. Chúng luôn gây cho người đọc sử sửng sốt, bởi tính triết luận sâu xa, bởi sự thăng hoa của trí tuệ, bởi khối tri thức uyên thâm tham chiếu từ cả hai nền văn hóa Đông và Tây, tập hợp những suy nghĩ về nhân sinh thế thái, về triển vọng nghề nghiệp, về vinh lụy, chức phận và đạo đức của người thầy thuốc qua cái nhìn của một người học nhiều, sống nhiều, trải nghiệm nhiều.

Ngay cả khi “nhà tư tưởng trong y học” ấy ra đi ở tuổi 84, nguyện vọng cuối cùng của ông cũng là được hiến xác mình cho y học. Ông thuộc hàng ngũ những trí thức tên tuổi nhiệt thành theo cách mạng ngay từ buổi đầu, đem hết tâm lực cống hiến cho đất nước, dân tộc, chẳng chút hoài nghi, tính toán. Bài báo này không chỉ nói về một trí thức lớn, một nhà khoa học, một nhân cách mà như khúc tưởng niệm về một sự hiện hữu đầy ý nghĩa trong cuộc đời bao la.

(Viết theo tư liệu của ông Hàm Châu, ông Hồ Đắc Hoài và bà Hồ Thể Tần)

Đặng Vương Hạnh

BẢN DESKTOP