Bình luận

Hiểu sâu nhân quả để có chính kiến

Bà Đỗ Thị Hiệp, Đạo tràng Phật Hạnh Hà Nội chia sẻ, xã hội càng phát triển, thì con người lại càng cần có chính kiến để biết cái gì là đúng là sai, tránh sự cả tin vội vàng vô tình dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Và để có chính kiến, phải hiểu về luật nhân quả.

Bà Đỗ Thi Hiệp: Muốn trở nên sung sướng, thì phải nghĩ, phải nói và làm những điều tốt lành.

Cả tin vì không có chính kiến

Nghe một thông tin trên mạng, ta đã vội lên án hoặc tẩy chay người ta. Mới chỉ nghi ngờ người khác có ý định xấu, nhiều người đã đánh, thậm chí đốt xe ô tô của họ. Có vẻ như con người ngày nay giận dữ và cả tin quá?

Thật ra cả tin không hẳn là xấu. Có hai loại người rất dễ cả tin. Thứ nhất là người hiền lành không bao giờ nghĩ xấu cho ai, họ cho rằng ai cũng chân thật và tốt bụng như mình.

Thứ hai là người không phải là không thông minh nhưng họ thường tin ngay vào những bằng chứng được đưa ra một cách dễ dãi mà không cần suy xét kỹ lưỡng.

Những người cả tin thường là những người không có chính kiến. Người có chính kiến là thấy, nghe hay biết cái gì một cách ngay thẳng, công minh chính trực, rõ ràng cụ thể, không chủ quan, cố gắng hiểu đến cùng sự việc để không làm khổ mình, khổ người.

Ví dụ ta nhìn thấy một đứa trẻ cướp một cái bánh mì. Nếu chỉ nhìn nhận mỗi hành động đó thì ta có thể lên án nó. Nhưng nếu thấy nó rách rưới, sợ hãi, run rẩy, nhìn vào mắt nó không thấy sự gian xảo, tìm hiểu thì được biết nó đã phải nhịn đói mấy ngày hôm nay và ở nhà mẹ nó ốm, em nó đói. Liệu ta có lên án nó nữa không?

Con người ta sinh ra đã mang sẵn trong mình cái nghiệp rồi. Mỗi lời nói, việc làm, ngay đến cả ta nghĩ cái gì cũng đã tạo thành nghiệp rồi. Vì thế muốn trở nên sung sướng, thì phải nghĩ, phải nói và làm những điều tốt lành.

Nhưng trong thời đại thông tin, tin tức dồn dập mà việc gì cũng phải suy xét kỹ càng như thế, liệu có mất thời gian quá không?

Khi ta chưa có chính kiến thì không phải chỉ mất thời gian mà ta có thể rơi ngay vào sự cả tin vội vã. Nhưng khi có chính kiến, ta biết nhìn mọi sự việc hiện tượng trong cái toàn cục chứ không phiến diện thì bất cứ chuyện gì xảy ra ta cũng sẽ có những đánh giá chính xác, đúng đắn.

Vì cách suy nghĩ đó đã thành tiềm thức thì chẳng cần nghĩ ta cũng biết cách hành động thế nào cho đúng đắn.

Đúng hay sai nhiều khi là do quan niệm của mỗi người. Tôi bao giờ chả cho rằng việc làm của mình là đúng, người khác lại nghĩ họ mới là đúng?

Mỗi con người đều chấp cứng vào cái tôi của mình, tức là bản ngã của mỗi người: thân xác này của tôi, gia đình của tôi, danh dự của tôi, quyền lực của tôi…

Nếu cái tôi quá lớn thì người ta luôn cho mình là nhất, là đúng, sẽ rất khó nhận ra lỗi của mình.

Từ chấp ngã sinh ra tham, sân, si, kiêu mạn… chính là nguyên nhân gây ra mọi sự khổ đau cho chính mình và những người xung quanh. Vì vậy, phải buông bỏ dần chấp ngã (cái tôi) để cuộc sống thanh thản và tốt đẹp hơn.

Sống tốt cho bản thân thôi chưa đủ

Ý thức về cái tôi là tốt chứ ạ? Chúng ta luôn cố gắng phấn đấu để hoàn thiện, để khẳng định mình đấy thôi?

Khẳng định cái tôi là tốt. Phấn đấu học giỏi, hoàn thiện mình là tốt. Nhưng vấn đề là mục đích của anh là gì?

Học giỏi để hơn người khác, để có một chỗ làm lương cao, để có chức có quyền, có những đặc quyền đặc lợi, để vơ vét làm giàu… hay là để có hiểu biết, để làm những điều có ích cho nhân loại.

Giàu có cũng tốt thôi, nhưng để làm gì? Để xây những biệt thự lộng lẫy trong khi xung quanh người ta sống nghèo khổ, sống chỉ là hưởng thụ cho bản thân… hay là để anh có điều kiện giúp đỡ những người khác, đóng góp cho cộng đồng…Sống tốt cho bản thân thôi chưa đủ, mà phải biết vì cộng đồng.

Thực ra ranh giới cũng rất mong manh. Người ta có thể nhân danh những điều tốt đẹp chỉ nhằm mang lại lợi ích cho mình?

Đó là tùy theo sự giác ngộ của từng người về luật nhân quả. Khi đã hiểu sâu về nhân quả, nghiệp báo và luân hồi thì người ta không dám nhân danh những điều tốt đẹp nhằm mang lại lợi ích cho bản thân mình nữa. Vì Phật đã dạy:

Nghiệp một lần gây tạo/Thành quả báo về sau/Chẳng biết lâu hay mau/ Nhưng không hề nhẫm lẫn.

Mọi việc trong cuộc đời này tồn tại hay xảy ra đều có liên quan tới nhau, đều theo luật nhân quả. Gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Gieo mầm thiện thì sẽ gặt điều thiện, gieo mầm ác chắc chắn sẽ gặp điều không hay. Nếu đã hiểu luật nhân quả rồi con người ta sẽ không dám làm những điều bậy nữa đâu.

Làm thế nào để có sự thấu hiểu đó, thưa bà?

Điều này sẽ dễ hiểu cho những người đã tin và hiểu sâu về nhân quả, nghiệp báo và luân hồi. Còn những người không tin thì họ sẽ rất nghi ngờ và có khi còn bác bỏ, cho rằng chết là hết, không có nghiệp báo mà cũng chẳng có luân hồi.

Luật nhân quả là quy luật tự nhiên bao trùm cả vũ trụ chứ không nằm trong phạm vi loài người hay một xã hội nào. Người ta chỉ khám phá ra chứ không ai đặt ra được. Đức Phật cũng vậy, ngài chỉ dùng trí tuệ sáng suốt để chỉ cho mọi người thấy rằng Luật nhân quả, nghiệp báo, luân hồi đang điều hành trong vũ trụ như thế nào mà thôi.

Phúc giống như một cốc nước

Nếu thế thì giải thích thế nào về những người tham ô tham nhũng, buôn gian bán lận mà có nhà cửa sang trọng, còn ai làm ăn chân thật thì chẳng giàu được?

Người giàu có sung sướng là họ đang được gặt quả phúc mà họ đã gieo trồng từ kiếp trước. Còn chúng ta nghèo vì ta đang phải gặt cái ác nghiệp mà ta đã gieo từ lúc nào đó.

Nhưng phúc cũng giống như một cốc nước vậy, nếu anh cứ uống mãi mà không chịu rót thêm vào thì sẽ có lúc nó cạn. Anh giàu có mà không lo làm điều nhân đức, chỉ lo hưởng thụ thì rồi sẽ gặp nghiệp chướng.

Còn nếu hiện tại chẳng có gì mà ta chịu khó làm những việc tốt, giúp đỡ những người khó khăn, thì điều tốt lành chắc chắn sẽ đến với ta.

Có người lại cho rằng, tôi phải học cái anh nhà giàu kia, phải buôn lậu, phải tham nhũng, thì tôi mới thoát nghèo, mới sung sướng được?

Đó là ta mới chỉ nhìn thấy hiện tượng, cái bề ngoài mà chưa thấy bản chất của sự viêc. Cũng chẳng khác gì đám người xông vào đánh người vì nghi ngờ họ bắt cóc trẻ con.

Nhìn cái anh nhà giàu do làm ăn bất chính kia, đừng vội ngưỡng mộ mà học theo. Hãy biết sợ rằng, chẳng cần đợi sang kiếp nào đâu, có khi ngay trong kiếp này những việc làm tội lỗi của anh ta sẽ phải trả giá.

Nhưng nếu tôi giàu thì tôi sẽ có điều kiện giúp đỡ người khác nhiều hơn. Còn nếu nghèo, không giúp được ai thì cứ khổ mãi sao?

Anh giàu, anh có thể làm từ thiện cả tỷ bạc, nhưng nếu đó là những đồng tiền bất chính thì cũng không thể bằng tôi chỉ có 10.000đ, nhưng tôi chia sẻ cho người ăn mày đang đói này 5000đ để mua cái bánh mì.

Vấn đề là anh thực tâm muốn giúp đỡ người ta, thực tâm thương xót người ta thì công đức đó của anh là rất lớn.

Thế còn với những người làm điều xấu với mình cũng không được xấu lại với họ hay sao?

Nếu đã hiểu ra thì ta sẽ không bao giờ phán xử người khác, mà phải biết phán xét mình. Chẳng hạn như con tôi có nói hỗn với tôi một câu. Trước hết tôi không thể đổ lỗi hoàn toàn cho con để mà đánh mắng nó.

Tôi phải tự nhận ra trong việc này có phần lỗi do tôi đã không dạy dỗ con cẩn thận, cách cư xử của mình với con chưa chuẩn xác ở đâu đó cần xem xét lại. Nhìn nhận mọi việc như thế ta sẽ không bức xúc nữa.

Tránh không phải bực mình, nhưng liệu có giải quyết được vấn đề?

Vấn đề là vấn đề nào? Vấn đề con tôi hư hay tôi chưa biết dạy? Nếu là do tôi thì tôi sẽ phải thay đổi, phải quan tâm đến con nhiều hơn, trong cách cư xử với mọi người, bản thân mình phải sống tốt hơn nữa để làm gương cho con…

Giải quyết được vấn đề tức là tôi phải sửa mình. Tu là gì? Là luôn phải sửa mình. Hàng ngày hàng giờ phải sửa mình, để tránh làm điều xấu, nghĩ điều xấu, nói điều xấu.

Xin cảm ơn bà!

Nhật Minh thực hiện

Từ Khoá

BẢN DESKTOP