Dữ liệu y khoa

Hiệu quả điều trị bằng oxy cao áp cho điếc đột ngột

  • Tác giả : PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm
(khoahocdoisong.vn) - Điếc đột ngột là tình trạng mất hoặc giảm thính lực xảy ra nhanh chóng, phần lớn chỉ xuất hiện ở một tai, do tổn thương của tai trong. Điếc đột ngột được coi là một cấp cứu của chuyên khoa Tai – Mũi - Họng, chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị có thể làm giảm hiệu quả và cơ hội phục hồi thính lực của người bệnh.

85-90% không xác định được nguyên nhân

Chỉ khoảng 10 - 15% các trường hợp điếc đột ngột có thể xác định được nguyên nhân. Các nguyên nhân thường gặp nhất bao gồm các bệnh truyền nhiễm: Viêm màng não, viêm mê nhĩ, viêm ốc tai có thể do các tác nhân nấm, vi khuẩn, virus (sởi, quai bị, rubella, virus gây bệnh mụn rộp, virus thủy đậu…). Nguyên nhân do các bệnh lý mạch máu như tắc hoặc co thắt mạch máu tai trong, đặc biệt ở nhóm người bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, rối loạn mỡ máu…Các bệnh lý của tai trong như bệnh ứ nước mê nhĩ: chóng mặt, điếc một tai, ù tai, cảm giác tức nặng trong tai, mất thăng bằng, nhức đầu, buồn nôn…; Sử dụng các thuốc độc cho tai như kháng sinh nhóm aminoglycosides, quinine, aspirin, cisplatin, thuốc lợi tiểu quai; Các bệnh lý như u góc cầu - tiểu não, u ống tai trong, u di căn từ nơi khác đến xương thái dương hay màng não; Các bệnh lý tự miễn như u hạt Wegener (bệnh u hạt với viêm đa mạch máu ở não, các xoang, họng, phổi, thận), viêm đa khớp, hội chứng Cogan, bệnh lupus ban đỏ hệ thống; Các chấn thương đầu, tai do áp lực (lặn sâu, đi máy bay, leo vùng núi cao,…), chấn thương tai do âm thanh, rò ngoại dịch; Các bệnh lý chuyển hóa, rối loạn chuyển hóa sắt, suy thận…

Bệnh cảnh điển hình của điếc đột ngột là buổi sáng thức dậy, hoặc sau tắm, gội đầu nước lạnh, người bệnh có cảm giác nghe kém 1 bên tai. Các triệu chứng khác như đầy nặng tai, ù tai, chóng mặt. 

Đối với nhóm bệnh nhân có thể xác định được nguyên nhân gây bệnh, tùy từng trường hợp, có chỉ định phương thức điều trị phù hợp. Điều trị kháng sinh hoặc kháng virus trong các trường hợp nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus, phẫu thuật lấp lỗ rò nếu người bệnh có rò ngoại dịch…

Vì có 85-90% các trường hợp điếc đột ngột không xác định được nguyên nhân, do đó điều trị thuốc với mục đích bao vây tùy theo triệu chứng của từng bệnh nhân.

Trước đây, corticosteroids thường được sử dụng bằng đường toàn thân (dạng tiêm hoặc uống). Trong những năm gần đây, tiêm corticoids trực tiếp xuyên màng nhĩ vào tai giữa (qua đó thuốc có thể đi vào tai trong) được nhiều nghiên cứu ghi nhận tính hiệu quả. Để tiết kiệm chi phí điều trị, tiêm corticoids xuyên nhĩ được khuyến cáo chỉ nên thực hiện khi thính lực không phục hồi sau sử dụng corticosteroids đường toàn thân. 

Các nghiên cứu đều xác nhận việc điều trị sớm trong 1 -2 tuần đầu sau khi xuất hiện triệu chứng sẽ đem lại hiệu quả phục hồi cao, có thể cải thiện thính lực trong 60 - 80% các trường hợp. Còn nếu bắt đầu điều trị 4 tuần sau thời điểm khởi phát, cơ hội cải thiện sức nghe rất thấp. 

Điều trị bằng oxy cao áp

Kết quả điều trị điều trị điếc đột ngột bằng oxy cao áp phối hợp với corticoid tại khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng Bệnh viện Quân y 103 phối hợp cùng khoa Tai – Mũi – Họng rất khả quan.  Nếu bệnh nhân đến trong hai tuần đầu hoặc có thể 1 tháng đầu sau khởi phát điếc đột ngột, sử dụng corticoid phối hợp với oxy cao áp. Nếu bệnh nhân đến muộn hơn một tháng sau khởi phát điếc đột ngột sử dụng thuốc giãn mạch phối hợp với oxy cao áp.

+ Mỗi ngày 1 lần (có thể điều trị 2 lần sáng và chiều), mỗi lần 60 phút, một đợt điều trị 20 lần.

+ Thời gian tăng áp 7 phút, thời gian đẳng áp 46 phút, thời gian giảm áp 7 phút.

+ Áp suất oxy đẳng áp 1,2 - 1,6 atmosphere tùy tình trạng bệnh nhân.

    Kết quả, nhóm bệnh nhân được điều trị trong tuần đầu sau khởi phát điếc đột ngột, 96,7% phục hồi thính lực tốt, 3.3% hồi phục khá. Nhóm bệnh nhân được điều trị trong tuần 2- 4 sau khởi phát điếc đột ngột, 80,2% phục hồi thính lực tốt, 9,8% hồi phục khá. Nhóm bệnh nhân được điều trị sau 4 tuần, 67,8% phục hồi thính lực tốt, có 1,5% bệnh nhân không hồi phục. Đặc biệt có một bệnh nhân đến điều trị muộn sau 6 tháng đã phải dùng máy trợ thính, sau điều trị thính lực được cải thiện, bệnh nhân bỏ được máy trợ thính.

Đây là biện pháp điều trị an toàn nếu tuân thủ tốt chỉ định và chống chỉ định, đặc biệt là không gặp biến chứng nào trong quá trình điều trị.

PGS.TS Hà Hoàng Kiệm (BV Quân y 103)

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm

BẢN DESKTOP