Y học và đời sống

Hiệu quả của văcxin Covid-19 dạng xịt đường mũi

  • Tác giả : Thúy Nga (ghi)
(khoahocdoisong.vn) - Với Coronavirus vì xâm nhập vào đường hô hấp nên hiện tại nhiều nơi đang nghiên cứu văcxin dạng xịt/hít để tạo kháng thể ngay tại niêm mạc đường hô hấp.

Hỏi: Tôi nghe nói có văcxin Covid-19 qua đường mũi? Xin hỏi, cơ chế và tác dụng của nó khác gì với văcxin qua đường tiêm?

Nguyễn Văn Khánh (Hà Nội)

vac-xin-covid-19-dang-xit.jpg
Văcxin Covid-19 dạng xịt đang được nghiên cứu.

ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam: SARS-CoV-2 xâm nhập qua đường hô hấp và tiếp xúc với niêm mạc đường hô hấp. Do đó, khi dùng văcxin đường tiêm, kháng thể sinh ra trong máu. Để kháng thể bảo vệ trực tiếp đường hô hấp, đòi hỏi lượng kháng thể phải nhiều. Vì thế, nên sau khi tiêm người bệnh vẫn có thể bị nhiễm virus và lây cho người khác nhưng không bị nặng nên tỷ lệ tử vong thấp hơn.

Từ lâu các nhà miễn dịch học đã biết, nhiễm trùng đường mũi họng hay văcxin qua đường mũi đều tạo kháng thể IgA - cả trong máu lẫn trong dịch tiết hô hấp; trong khi văcxin tiêm thì chủ yếu là sinh kháng thể IgG trong huyết thanh. Kháng thể IgA quan trọng cho đường hô hấp trên bao gồm mũi vì kháng thể sẽ được vận chuyển qua lớp thượng bì niêm mạc và được phóng thích ra đường hô hấp trên gắn vào các chất tiết, cho phép trung hoà hiệu quả các virus SARS-CoV-2. Trong khi các kháng thể IgG từ trong máu thâm nhập vào phế nang để bảo vệ đường hô hấp dưới như phổi; tuy cũng đến mũi và hô hấp trên nhưng với nồng độ thấp hơn do được các chất nhầy mang theo lên trên.

Vì thế, trong công nghệ sản xuất văcxin có những văcxin tác động trước tiếp vào nơi mầm bệnh xâm nhập vào. Ví dụ như văcxin tả uống. Vi khuẩn tả xâm nhập vào đường tiêu hóa, trước đây người ta dùng văcxin đường tiêm nhưng hiệu quả không cao, khi chuyển sang dùng văcxin đường uống tạo lớp miễn dịch tại tế bào niêm mạc ruột, tạo kháng thể trực tiếp nên khi vi khuẩn tả xâm nhập thì bị tiêu diệt ngay. Tương tự như vậy với văcxin bại liệt giảm độc lực đường uống.

Với SARS-CoV-2, hiện tại một số cơ sở đang nghiên cứu văcxin dạng xịt/hít để tạo kháng thể ngay tại niêm mạc đường hô hấp. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văcxin nào được công bố sử dụng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành để đánh giá 8 loại văcxin xịt mũi nhằm khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Trong số này nổi bật là văcxin dạng xịt của Đại học Hạ Môn, Đại học Hồng Kông và Công ty Dược sinh học Wantai Beijing đều của Trung Quốc đã hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 2.

Thúy Nga (ghi)

BẢN DESKTOP