Dữ liệu y khoa

Hiểu đúng về vô tinh bế tắc

  • Tác giả : An Quý
(khoahocdoisong.vn) - Các trường hợp vô tinh bế tắc, cho đến nay, trên thế giới không có một phác đồ nào hướng dẫn về điều trị nội khoa. Nguyên tắc điều trị phẫu thuật trên nhóm vô tinh bế tắc giúp cho bệnh nhân có tinh trùng trở lại giúp có con tự nhiên hoặc hỗ trợ sinh sản bằng cách trích tinh trùng từ tinh hoàn hoặc mào tinh để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.

Nhiều nguyên nhân gây vô tinh bế tắc

ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân TPHCM kể, một bệnh nhân nam (26 tuổi, ngụ tại Thủ Đức - TPHCM) có trình độ, thu nhập của hai vợ chồng ở mức trung bình khá đến khám và được chẩn đoán vô tinh bế tắc. Các bác sĩ Khoa Nam học - Bệnh viện Bình Dân TPHCM đã tư vấn cho bệnh nhân nên phẫu thuật. Tuy nhiên, đến ngày hẹn, hai vợ chồng không vào bệnh viện.

Một thời gian sau, người chồng trở lại và xin được làm xét nghiệm kiểm tra có tinh trùng hay không. Bệnh nhân cho biết, đã đi khám và uống thuốc Bắc vì nghe nói có thể có tinh trùng trở lại trong vòng 3 - 6 tháng mà không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, sau 6 tháng vẫn không có tinh trùng nên đã quay lại xin điều trị. 1 tháng sau phẫu thuật điều trị, kết quả kiểm tra tinh dịch đồ cho thấy bệnh nhân bắt đầu có tinh trùng trở lại.

Theo ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng, trong vô sinh với nguyên nhân bế tắc có thể do tinh hoàn vẫn sản xuất tinh trùng bình thường nhưng tắc đường dẫn tinh do viêm nhiễm, hoặc do bất thường bẩm sinh của đường dẫn tinh (bất sản ống dẫn tinh một hoặc hai bên, nang ống phóng tinh), thiểu sản mào tinh…; các nguyên nhân này cần can thiệp ngoại khoa để giải phóng chỗ bế tắc của đường dẫn tinh (nếu có) và lưu trữ tinh trùng.

Các trường hợp vô sinh với nguyên nhân bế tắc thường cần can thiệp ngoại khoa để giải phóng chỗ bế tắc của đường dẫn tinh (nếu có) và lưu trữ tinh trùng.

Các trường hợp vô sinh với nguyên nhân bế tắc thường cần can thiệp ngoại khoa để giải phóng chỗ bế tắc của đường dẫn tinh (nếu có) và lưu trữ tinh trùng.

PGS.TS.BS Phạm Văn Bùi, Chủ tịch Hội Thận học - Lọc máu TPHCM, từng thực hiện một khảo sát trên 169 bệnh nhân vô sinh nam nghi do bế tắc điều trị hiếm muộn (Bệnh viện Từ Dũ TPHCM) cho thấy, 10 bệnh nhân mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (5,9%), nguyên nhân này có thể gây viêm nhiễm, xơ dính và bế tắc đường sinh dục nam; 3 bệnh nhân đã từng được phẫu thuật hoặc bị chấn thương vùng bẹn - bìu. Phẫu thuật/chấn thương vùng bẹn - bìu, có thể gây xơ hoá, chít hẹp ống dẫn tinh tại vị trí tổn thương và teo tinh hoàn do thiếu máu (tổn thương động mạch tinh hoàn).

Từ khảo sát trên, các chuyên gia còn nhận thấy 20,7% mào tinh căng, sờ thấy một khối căng phồng có thể do tắc nghẽn ở đoạn xa hoặc tắc ống dẫn tinh. 7,7% không sờ thấy ống dẫn tinh, đây là nguyên nhân vô sinh có thể do bất thường bẩm sinh đường sinh dục.

Vô tinh bế tắc điều trị như thế nào?

Cách đây vài năm, người ta có khuynh hướng sẽ tiến hành mổ, sau đó chờ sự thông thương trở lại của tinh trùng trong ống dẫn tinh. Tuy nhiên, theo ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng, người bệnh sẽ lâm vào tình trạng chờ đợi và lo lắng, đôi khi là cả áp lực.

Trong 3 năm vừa qua, Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân TPHCM đã áp dụng quy trình kỹ thuật mới: Khôi phục đường dẫn tinh cho bệnh nhân kết hợp lưu trữ tinh trùng. Tức là tiến hành hút tinh trùng trong mào tinh của bệnh nhân ra để lưu trữ, giải tỏa ngay một phần áp lực cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Để sau 6 tháng, 9 tháng hay 1 năm, bệnh nhân vẫn chưa thể có con được, chúng ta có thể sử dụng tinh trùng được trữ lạnh của chính người bệnh để làm thụ tinh trong ống nghiệm.

Vì tinh trùng ở mào tinh chưa được hoàn chỉnh bằng tinh trùng trưởng thành sau khi xuất tinh, do vậy tinh trùng từ mào tinh sau khi được phân lập, cần có quy trình xử lý trữ lạnh ngay, với chi phí khoảng 2 triệu đồng/năm.

Không chỉ có điều trị vô tinh cho bệnh nhân nam, theo ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng, các nguy cơ và cơ hội thụ thai của người vợ cũng cần phải được khảo sát để đưa ra những phương án điều trị phù hợp.

Ở người phụ nữ, yếu tố nguy cơ hàng đầu cần xem xét là tuổi, sau đó là các bệnh lý đi kèm, nhu cầu có con của bệnh nhân. Ví dụ, người chồng bị vô tinh bế tắc mà người vợ bị hội chứng buồng trứng đa nang. Cả hai vợ chồng đều bị trục trặc trong vấn đề có con thì phải cân nhắc đến phương án thụ tinh trong ống nghiệm. Vì vậy, điều trị tốt nhất là vừa khôi phục đường dẫn tinh vừa lưu trữ tinh trùng từ mào tinh của người chồng.

An Quý

BẢN DESKTOP