Khám phá

Hiểu đúng về mật ong nhiễm thuốc trừ sâu

Chuyên gia cho rằng, thông tin 75% mẫu mật ong trên thế giới (trong đó có Việt Nam) bị nhiễm thuốc trừ sâu, nhất là những mẫu chứa các chất hóa học độc hại thì cần xem xét một cách nghiêm túc để tránh gây hiểu nhầm.

Mật ong Việt Nam khó nhiễm thuốc trừ sâu neonicotinoid 

Trên Tạp chí khoa học Science mới đây đã đăng tải thông tin cho rằng, sau khi phân tích 198 mẫu mật ong đặc trưng ở nhiều khu vực trên thế giới với 5 loại thuốc trừ sâu neonicotinoid phổ biến thì thấy, tỷ lệ nhiễm độc cao nhất là ở Bắc Mỹ với 86% các mẫu chứa một hoặc hai loại trừ sâu neonicotinoid, tiếp đó là châu Á với 80% và châu Âu 79%, thấp nhất là ở Nam Mỹ nhưng cũng chiếm đến 57%. Ngoài ra, gần một nửa mẫu thử chứa nhiều hơn một loại thuốc trừ sâu.

Việc mật ong bị phát hiện chứa nhiều thuốc trừ sâu một lần nữa dóng hồi chuông cảnh báo về việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trên phạm vi toàn cầu.

“Bất ngờ nhất với chúng tôi là tình trạng ô nhiễm xảy ra ở cả những vùng xa xôi, kể cả những hòn đảo giữa đại dương. Nếu xét về nồng độ tối thiểu của thuốc trừ sâu bắt đầu gây ra tác động tiêu cực lên ong, thì khoảng 48% các mẫu đã vượt quá mức này”, GS Edward Mitchell ở Đại học Neuchâtel, Thụy Sỹ nói.

Hiểu đúng về mật ong nhiễm thuốc trừ sâu ảnh 1

Bản đồ mật ong nhiễm thuốc trừ sâu, trong đó có nước ta.

Trao đổi về vấn đề này, TS Phùng Hữu Chính, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Phát triển ong, Công ty Cổ phần Ong T.Ư cho hay, thông tin trong bài viết nêu trên có thể khiến người dân hoang mang, nhưng cần làm rõ hơn để hiểu đúng về vấn đề.

Cụ thể, TS Phùng Hữu Chính phân tích, thứ nhất, thuốc trừ sâu neonicotinoid hiện chưa được sử dụng rộng rãi ở nước ta, thậm chí có thể khẳng định là rất ít. Vì đây là thuốc thuộc thế hệ mới, là các hợp chất tương tự loại nicotin được chiết xuất từ cây thuốc lá. Thứ hai, hàm lượng thuốc trừ sâu có trong mật ong rất thấp, chỉ ở mức nanogram/gram, mà mẫu mật ong Việt Nam có hàm lượng nhỏ hơn 1 phần tỷ. Với hàm lượng này có thể nhạy cảm với ong nhưng chưa vượt qua giới hạn dư lượng chất tồn dư tối đa cho con người theo luật của EU (10 phần tỷ). Hơn nữa, tác động của thuốc neonicotinoid chưa được nghiên cứu có ảnh hưởng với người hay không.

“Ở các nước, vùng sâu vùng xa mật ong cũng bị nhiễm là do họ phun bằng máy bay hoặc xử lý hạt giống bằng thuốc neonicotinoid. Ở nước ta, cây nguồn mật chủ yếu là rừng cây như keo tai tượng, cao su, tràm… gần như không có thuốc sâu.

Trên bản đồ mà bài báo cung cấp có nước ta nhưng với màu vàng nhạt để chỉ có hàm lượng 0,1 – 1 nanogram/gram (dưới 1 phần tỷ), có thể thấy là rất thấp. Còn một số cây trồng như nhãn, vải, cam… đôi khi người trồng cũng phun thuốc sâu vào lúc hoa nở nhưng những con hút mật có chứa thuốc sâu sẽ bị chết trên đường về tổ nên mật ong cũng không bị nhiễm”, TS Phùng Hữu Chính nhấn mạnh.

Cẩn trọng hơn với mật ong bẩn do chế biến

TS Phùng Hữu Chính cũng cho rằng, trước thông tin nêu trong bài báo này thì các cơ quan chức năng cũng nên nghiên cứu để có những chế tài quản lý mật ong nhiễm thuốc trừ sâu.

Đối với người tiêu dùng, để an toàn thì nên mua ở công ty có thương hiệu uy tín hoặc người nuôi ong, có quá trình nuôi, thu hoạch, bảo quản và đóng gói, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi bằng cảm quan khó có thể nhận biết mật ong nhiễm thuốc trừ sâu.

Hiểu đúng về mật ong nhiễm thuốc trừ sâu ảnh 2

Cần cẩn trọng với mật ong bẩn do quá trình chế biến.

Vị chuyên gia này cũng cho biết thêm, không chỉ mật ong bẩn do thuốc mà trong quá trình thu hoạch, chế biến cũng khiến mật ong có thể nhiễm độc. Ví dụ, dụng cụ quay mật không sạch, cầu ong đặt xuống đất, tay người sản xuất bẩn nhưng vẫn vắt mật, đựng trong chai lọ không cho phép sử dụng cho thực phẩm hoặc tái chế nhưng chưa được làm vệ sinh sạch sẽ… Những cách này thường hay xảy ra với mật ong làm thủ công, tự phát.

“Mật ong ở nước ta thuộc loại an toàn về hóa chất cũng như các thành phần dinh dưỡng có trong đó. Vì thế, cả chục năm nay nước ta luôn là nước đứng vị trí thứ 6 về xuất khẩu mật ong trên thế giới, đứng thứ 2 châu Á (sau Trung Quốc). Trong đó, xuất khẩu chủ yếu vào các nước tiên tiến như Mỹ, EU, Nhật Bản… với các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh rất nghiêm ngặt” – TS Phùng Hữu Chính.

Thu Hiền

Hiểu đúng về mật ong nhiễm thuốc trừ sâu ảnh 3

BẢN DESKTOP