Sống xanh

Hiểu đúng về hóa chất làm chín

  • Tác giả : Hà Bình
(khoahocdoisong.vn) - Sầu riêng nhúng thuốc thúc chín là nỗi ám ảnh của không ít người thích ăn sầu riêng, nhưng lại rất khó nhận biết. Thực tế, không phải loại hóa chất làm chín nào cũng gây độc, mà cần phải hiểu cụ thể.

TS Nguyễn Mạnh Khải, khoa Công nghệ sau thu hoạch, Học viện Nông nghiệp cho rằng, trong việc nhúng sầu riêng vào hóa chất, phải hiểu đúng để người nông dân không bị oan. Thực tế trên thị trường có loại phân bón lá dùng để điều khiển cho trái cây già nhanh chín đã được Bộ NN&PTNT cấp phép lưu hành. Phần “cách dùng” của sản phẩm có ghi dùng để điều khiển cho trái cây già chín nhanh và có cả hướng dẫn nồng độ pha dung dịch để hỗ trợ chín nhanh cho các loại trái cây như xoài, bơ, mít, chuối, sầu riêng... Phần “công dụng” có ghi: Đặc biệt giúp trái sầu riêng già chín nhanh, không bị sượng”. Ở phần “Hướng dẫn an toàn” có ghi: Chỉ sử dụng cho trái cây già sắp thu hoạch... Loại thuốc này có bán rộng rãi ở các nhà thuốc bảo vệ thực vật trên toàn quốc.

Có hai cách để thu hoạch sầu riêng. Một là để trái tự chín rụng và hai là thu hoạch trái già. Với cách đầu tiên, để thu hoạch những trái đã chín hẳn, thời gian bảo quản chỉ 1-2 ngày là trái tách vỏ, phải ăn ngay. Vì thế người ta chọn cách thứ hai là thu hoạch trái chín già. Người làm vườn có kinh nghiệm thì dễ dàng chọn được quả đã chín giá như khi vỗ vào trái thì có âm thanh vang vọng, hoặc độ già của lá, các vân nổi trên quả có thể quan sát rõ. Để cho các trái chín đều thì người ta sử dụng chế phẩm thúc chín cho dễ bán.

Việc sử dụng thuốc đúng liều lượng không ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, bởi các cơ quan chức năng đã cấp phép lưu hành thì nghĩa là phải an toàn. Người tiêu dùng chỉ nên cảnh giác với những loại hóa chất làm chín trôi nổi độc hại trên thị trường. Đặc biệt là mít, sầu riêng là những loại trái cây hay bị ép chín bằng các loại hóa chất độc hại. Nếu là sầu riêng non được ép chín bằng thuốc, quả hay bị héo, gai bị bầm dập và màu sạm đi.

Hà Bình

BẢN DESKTOP