Khoa học & Công nghệ

Hiểu đúng, giảm béo khác giảm cân

  • Tác giả :  Hà Trang
(khoahocdoisong.vn) - ​​​​​​​Nhiều người cố gắng tập luyện nhưng lại chăm chăm vào cân nặng thay vì nhìn lượng mỡ trên cơ thể đã thay đổi. Theo các chuyên gia, đó chính là yếu tố khác biệt của giảm béo và giảm cân.

Khái niệm giảm béo khác giảm cân

Trao đổi vấn đề này, ThS Trương Đức Thăng, Phó phụ trách khoa Y học Thể dục thể thao, Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh cho hay, hai khái niệm giảm cân và giảm béo là khác nhau nhưng lại có mối quan hệ mật thiết.

Sở dĩ, giảm cân là vừa giảm cân nặng nhưng đồng thời có thể cũng sẽ giảm béo, tức giảm lượng mỡ dư thừa. Trong khi giảm béo có thể chỉ giảm lượng mỡ nhưng cân nặng không thay đổi.

Người ta cảm thấy béo phì, sồ sề, núng nính chủ yếu là do lượng mữ dưới da tăng, còn gọi là mỡ thừa nhiều. Những người tập thể dục có phương pháp khoa học, phù hợp với cơ thể, lượng mỡ dưới da này sẽ bị đốt cháy, tiêu hao, lúc này gọi là giảm béo.

Cùng với quá trình tập luyện giảm mỡ thừa, phần cơ được củng cố, tăng lên tạo nên sự bền vững. So với mỡ, cơ nặng hơn nên dù giảm béo, cân nặng của người tập đó vẫn không thay đổi.

 “Việc giảm mỡ và tăng cơ khiến cân nặng không thay đổi có thể hiểu là năng lượng trong cơ thể đã chuyển từ dạng này sang dạng khác. Hay nói cách khác, đây là lượng mỡ đã được chuyển đổi để cơ phát triển. Thậm chí ở một số người, dù giảm được một lượng mỡ dưới da rất lớn giúp họ có được vòng eo nhỏ lại, nhưng cùng đó vòng một và hai to hơn nên cân nặng vẫn giữ vững hoặc tăng lên”, ThS Trương Đức Thăng nói.

Ăn kiêng là phương pháp phi khoa học

Để giảm béo, tăng cơ, người tập thể thao cần phải luyện tập để giải phóng năng lượng thừa trong cơ thể. Nhưng bên cạnh đó, cần nạp cho cơ thể một lượng đạm nhất định nhằm mục đích có cơ sở để tổng hợp và chuyển hóa phát triển thành cơ.

Do đó, những người tập giai đoạn này thường có chế độ ăn hợp lý, cân đối giữa các bữa mà vẫn đảm bảo lượng protein cũng như rau quả để bổ sung vitamin. Ví dụ, người tập có thể ăn thêm thịt nạc, thịt đỏ (cừu, bò...), cá, hải sản (như tôm, hàu,...), trứng (thiên về lòng trắng).

“Khi hiểu được nguyên lý giảm béo nhưng không giảm cân thì người tập sẽ thấy việc nhịn ăn giảm cân rất phi khoa học. Bởi ngoài yếu tố khiến cơ thể bị thiếu hụt chất dinh dưỡng, không đủ năng lượng để cung cấp cho cơ thể thì không có chất tạo thành cơ.

Trong nhiều trường hợp còn gây nên tình trạng vỡ cơ, tức cơ sẽ bị hư hỏng, đau, nhức... Nếu đang tập nặng lại phải ăn kiêng càng khiến cơ thể suy kiệt nhanh hơn. Đây không phải suy kiệt bình thường, nhất thời mà ảnh hưởng đến chức năng của toàn bộ cơ thể bao gồm cả lục phủ ngũ tạng gây nên tác hại về lâu dài”, ThS Trương Đức Thăng.

Một yếu tố khác giúp cơ thể giảm mỡ thừa, tăng cơ chính là quá trình tập luyện cần sự bền bỉ trong thời gian dài. Đối với một số người, nửa năm chưa được xem là dài nếu lượng mỡ nhiều. Đặc biệt, muốn phát triển cơ khu vực nào cần có bài tập chuyên sâu cho vùng cơ đó. Ví dụ cơ tay sẽ các bài tập tay, cơ bụng sẽ thiên về các bài tập gập và nâng đỡ bụng...

Tuy nhiên, vị chuyên gia về y học thể thao cho hay, không phải người nào cũng có thể tăng cơ đi kèm với giảm mỡ. Bởi quá trình tăng cơ cần có thêm các yếu tố như hormon nam cao. Hormon đó có tên là testosterol. Ở cả nam và nữ, hormon này đều có và dồi dào nhất ở giai đoạn dậy thì.

 Hà Trang

BẢN DESKTOP