Khám phá

Hiện vật lạ tại Bảo tàng Hà Nội

Bảo tàng Hà Nội đang lưu giữ một số hiện vật như cầu ngà, điếu ngà, đỉnh ngà… từ chất liệu ngà voi được giới văn hóa đánh giá là rất độc đáo và lạ. Độc đáo bởi hiện vật thể hiện trình độ điêu khắc đỉnh cao của người làm ra nó và ở sự đa dạng về các đề tài được khắc lên hiện vật. Tuy nhiên, chủ nhân của bộ ngà voi độc nhất vô nhị này vẫn là điều bí ẩn.

Hình khắc lạ

Theo tài liệu Bảo tàng Hà Nội lưu giữ thì các hiện vật ngà voi đang trưng bày tại đây có những hình khắc rất lạ với các chủ đề khác nhau như: Tiêu tượng, phong cảnh, ngư tiều canh mục, tứ linh… Mặc dù những đề tài này đã được nhìn thấy nhiều trên các hiện vật khác như gốm, sứ, gỗ… nhưng trên chất liệu bằng ngà thì rất hiếm khi nhìn thấy.

Theo quan sát của Pv, trong số các hiện vật ngà voi trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội, “cầu ngà voi” có kích cỡ lớn nhất. Cầu ngà gồm 2 chiếc ngà đặt theo phương nằm ngang trên bệ bằng gỗ. Một chiếc ngà dài khoảng 70cm đặt ở vị trí cao nhất được khắc họa một đàn voi 14 con nối đuôi nhau đi. Chiếc ngà thứ hai đặt ở vị trí thấp hơn có độ dài khoảng 40cm và cũng được chạm trổ một đàn voi nối đuôi nhau. Khi nhìn hai mặt của “cầu ngà voi” người ta vẫn nhìn được cả đàn voi đang nối đuôi nhau đi.

Ngà voi được coi là vật quan dụng thể hiện sức mạnh, quyền uy và cao quý.

Bộ thứ hai gọi là “ngà voi” có kích cỡ tương đối lớn bao gồm hai chiếc ngà đặt song song theo phương thẳng đứng tạo thành hình vòng cung, hai ngà voi này gắn trên bệ gỗ màu đen. Trên hai chiếc ngà hình vòng cung này không chạm khắc mà để trơn.

Phía dưới hai bộ hiện vật lớn là “ngà voi” và “cầu ngà voi” là đế làm bằng gỗ, màu đen. Đế được chạm trổ các hoa văn về phong cảnh, tứ linh…

Ngoài hai hiện vật cỡ lớn này, còn có một số hiện vật khác kích thước nhỏ hơn, như: Điếu ngà, Đỉnh ngà, Tượng ngà. Trên thân Điếu ngà được khắc những linh vật như cá chép hóa rồng, phượng hàm thư, long mã, người cưỡi voi, người cưỡi ngựa, lầu tháp, cây, chim,  có người hầu vác lọng, cờ, dưới đáy có khắc dấu hiệu và chữ Hán. Đỉnh ngà có đế gỗ. Nắp trang trí nổi hình rồng, phượng và mây. Diềm đỉnh trang trí cánh sen. Thân chia ô tạo thành 2 khoang, chạm nổi rồng, phượng, mặt trời, mây. Đỉnh có 3 chân quỳ, chạm nổi mặt hổ phù. Đỉnh gồm hai tai chạm nổi hình ảnh cá hóa rồng.

TS Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Viện Khảo cổ học chưa tìm thấy hiện vật nào có chất liệu ngà voi có khắc các họa tiết tương tự như ở Bảo tàng Hà Nội. Tuy nhiên, GS. Trình Năng Chung cũng nhận định. Đây có thể là cống vật hoặc là tặng phẩm của vua chúa, quan chức ngày xưa.

Đồng tình với nhận định trên, một số chuyên gia văn hóa cho rằng: Chất liệu ngà voi thuộc vào loại “đẳng cấp” chỉ có vua chúa mới dùng. Hiện vật tượng trưng cho sự cao quý, sang trọng và quyền lực. Vì vậy, có thể hiện vật này là cống phẩm của vua, quan thời xưa.

Một điểm rất đặc biệt trên bộ các hiện vật ngà voi chính là những họa tiết nhỏ li ti nhưng được chạm trổ vô cùng tinh xảo. Nói đặc biệt ở chỗ, ngà voi là chất liệu rất giòn, dễ vỡ, muốn khắc những họa tiết nhỏ phải cần đến kỹ thuật điêu khắc đỉnh cao của cư dân làm ra nó.

Theo tư liệu lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội. Để khắc được những họa tiết nhỏ như thế này, các nghệ nhân thường ngâm ngà vào giấm qua một đêm. Sau đó, dùng kỹ thuật như phù điêu, chạm thủng, chạm lộng, chạm nổi, khắc chìm…để chế tác ra các tác phẩm khác nhau. Với chất liệu ngà thì chỉ cần một sơ xuất nhỏ cũng có thể làm hỏng cả cặp ngà. Khi làm cần đến tài trí cũng như sự cẩn trọng tỉ mỉ của nghệ nhân bởi với chất liệu này chỉ cần một sơ xuất nhỏ cũng có thể làm hỏng cả cặp ngà. Thời gian để có tạo ra một tác phẩm điêu khắc trên ngà hoàn chỉnh được tính bằng tháng, bằng năm.

Bí ẩn chủ nhân bộ ngà voi

Trong tài liệu hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội không thấy nhắc đến “chủ nhân” của bộ ngà voi là ai. Tuy nhiên, niên đại của những hiện vật này được xác định thuộc giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Cũng theo tài liệu này, bộ ngà voi là vật dùng để trang trí trong các cung điện của vua, chúa, các bậc quý tộc ngày xưa. Nó thể hiện cho uy quyền và sự cao sang.

Ngoài ra, chất liệu ngà voi còn được dùng để làm vật dụng hàng ngày của vua quan như, bát ngà, đũa ngà… vì những vật dụng này có tác dụng phát hiện các loại độc tố. Nếu trong thức ăn, nước uống có độc thì lập tức ngà voi sẽ đổi màu, báo hiệu nguy hiểm đến người sử dụng.

Theo GS. TS Trình Năm Chung thì có 2 đối tượng cần xác định ở đây. Thứ nhất là các nghệ nhân làm ra nó và thứ hai là người sử dụng nó. Người sử dụng có thể xác định, khoanh vùng là các bậc vua quan ngày xưa, nhưng nghệ nhân làm ra các hiện vật ngà voi này thì cần phải có hồ sơ của hiện vật. Nếu không có hồ sơ ghi chép cụ thể thì phải phân tích dựa trên chất liệu, đề tài, hoa văn sau đó so sánh với những vùng văn hóa khác mới có có thể tìm ra câu trả lời một cách xác đáng.

Dưới góc nhìn văn hóa, Nhà nghiên cứu Văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định. Những vật dụng liên quan đến ngà voi thường là vật quan dụng. Nó thể hiện sức mạnh, quyền uy.

Những món đồ này không phổ thông, vì vậy rất ít khi những nghệ nhân dân gian làm món đồ này. Thông thường, cung đình có đội thợ thủ công riêng, chuyên làm ra những đồ độc đáo dành cho vua, quan… Vì vậy, nhiều khả năng thợ thủ công kinh thành chính là chủ nhân làm ra vật dụng liên quan đến ngà voi đang lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội.

“Thông qua việc trưng bày các hiện vật làm từ ngà voi, Bảo tàng Hà Nội muốn gửi tới công chúng thông điệp hãy chung tay bảo vệ thiên nhiên, động vật nhất là những loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có các đàn voi rừng tại Việt Nam”, trích thông cáo về hiện vật  ngà voi của Bảo tàng Hà Nội.

Dương Vân Bình

BẢN DESKTOP