Sao chổi kéo dài nhiều ngày là điều kỳ thú hiếm gặp
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam cho biết, từ nay đến cuối tháng 7, có một đối tượng thiên văn rất đáng chú ý mà bạn có thể quan sát trên bầu trời đêm. Đó là sao chổi C/2020 F3 (NEOWWISE). Mặc dù sao chổi không phải một vật thể hiếm có trong hệ Mặt trời nhưng một sao chổi đủ sáng để có thể quan sát được bằng mắt thường là điều ít gặp.
Sao chổi C/2020 F3 (NEOWWISE) được phát hiện vào tháng 3 bởi vệ tinh khảo sát bầu trời ở dải sóng hồng ngoại trong một chương trình có tên là NEOWWISE. Đây là một sao chổi chu kỳ dài, sau lần ghé thăm này, nếu không bị phá hủy vì lý do nào đó thì lần tiếp theo nó tới điểm cận nhật (điểm gần Mặt Trời trên quỹ đạo của nó) và người ở Trái Đất có thể quan sát được sẽ là khoảng 6.800 năm nữa.
Các sao chổi đều là những thiên thể có quỹ đạo rất dẹt. Chúng là những khối vật chất đóng băng khi ở vùng xa xôi của hệ Mặt trời. Chỉ khi tới gần Mặt Trời, chúng mới xuất hiện đuôi sáng do sự bay hơi của vật chất đóng băng và áp lực của gió Mặt trời. Sao chổi C/2020 F3 (NEOWWISE) đã sáng lên trong nhiều ngày gần đây và sẽ tiếp tục cho phép chúng ta quan sát cho tới ít nhất là cuối tháng 7 này.
Ở Việt Nam, các tỉnh phía Bắc có thể quan sát được sao chổi này ở vị trí cao hơn so với các tỉnh phía Nam. Thời điểm C/2020 F3 (NEOWWISE) tới gần Trái Đất nhất là vào ngày 23/7. Khi đó khoảng cách từ nó tới Trái Đất chỉ là 102 triệu km, có nghĩa chỉ hơn một nửa khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời. Ngay sau khi Mặt Trời lặn là có thể quan sát được. Có thể tìm thấy nó ở bầu trời Tây Bắc, trong khu vực chòm sao Gấu Lớn. Càng về cuối tháng, thiên thể này sẽ càng cao hơn khiến khoảng thời gian có thể quan sát dài hơn.
Bạn hoàn toàn có thể quan sát sao chổi này bằng mắt thường trong điều kiện thời tiết thuận lợi, không có mây và ít ô nhiễm. Tuy nhiên, nếu có kính thiên văn hay ống nhòm thì việc quan sát sẽ rõ nét hơn, nhất là ở các đô thị lớn, không khí bị ô nhiễm và ánh sáng nhân tạo nhiều.
Ngũ hành hội tụ trên trời đêm
Mặc dù Trái Đất cùng thuộc hệ Mặt trời với các hành tinh, nhưng không phải lúc nào chúng cũng xuất hiện trên bầu trời đêm của chúng ta do vị trí quỹ đạo khác nhau. Tuy vậy, trong tháng 7 này cả 5 hành tinh sáng nhất hệ Mặt trời là Sao Thủy, Sao Kim, Sao Hỏa, Sao Mộc và Sao Thổ sẽ cùng nhau tỏa sáng. Để quan sát Sao Thủy, nhìn về bầu trời hướng Đông Bắc vào 45 phút trước khi Mặt Trời mọc. Hành tinh này nằm thấp gần chân trời và có màu ánh đỏ nhạt. Trong khi đó, cũng cùng thời gian và tại hướng Đông, Sao Kim xuất hiện cao hơn và rực rỡ hơn bởi vì nó là hành tinh sáng nhất trên bầu trời.
Sao Mộc vừa đến vị trí nằm gần Trái Đất nhất vào tuần rồi, do đó, hành tinh này sẽ nằm từ đỉnh đầu và về dần phía Tây vào cả đêm. Trong khi đó, Sao Thổ cũng ở vị trí tương tự và không quá cách xa Sao Mộc. Cuối cùng, Sao Hỏa nằm cao ở chân trời hướng Tây Nam và phát ra ánh sáng đỏ sẫm đặc trưng. Tất cả các hành tinh đều có thể quan sát được bằng mắt thường, trừ Sao Thủy khá khó khăn và cần quan sát qua thiết bị hỗ trợ. Bên cạnh các hành tinh kể trên, Sao Hải Vương cũng xuất hiện trên bầu trời nhưng nó quá mờ nhạt và rất khó để nhìn thấy từ địa cầu.
Ngoài ra vào đêm 29/7, mưa sao băng Delta Aquariid sẽ diễn ra. Đây là một cơn mưa sao băng trung bình với tần suất khoảng 20 vệt sao băng mỗi giờ. Tiếp theo vào 13/8, Perseid là một trong ba cơn mưa sao băng lớn nhất năm sẽ diễn ra. Có thể nói, thời gian này rất lý tưởng cho việc quan sát thiên văn.
Với vĩ độ của Hà Nội, thời điểm lý tưởng nhất để người quan sát có thể nhìn thấy, là trước 20h00 vì sau đó sao chổi sẽ xuống rất thấp và khó quan sát. Ở khu vực nằm dịch về phía Nam, đặc biệt là các tỉnh thành miền Nam cũng vào giờ đó sao chổi có vị trí thấp hơn nữa nên thời điểm quan sát bị rút ngắn hơn (trước 19h30). Tuy nhiên, vào những ngày tiếp theo, mặc dù sao chổi đã ở xa hơn đôi chút nhưng vị trí của nó sẽ cho phép chúng ta có nhiều thời gian hơn để quan sát.