Y học và đời sống

Hiểm họa khi tiêm chất làm đầy

Vụ việc chị L. đến cơ sở thẩm mỹ viện Hà Anh ở đường Đặng Nguyên Cẩn, phường 13, quận 6, TPHCM để tiêm chất làm đầy mũi đã gây chấn động.

Không phải ai cũng tiêm được

Để tìm hiểu về chất làm đầy mà các cơ sở thẩm mỹ dùng cho khách hàng để bơm vào mí mắt, má, cằm, mũi, tay… chúng tôi đã liên hệ với BS Thy Ra, Trưởng chuyên môn thẩm mỹ không phẫu thuật, Thẩm mỹ viện Đông Á thì được cho biết, chất làm đầy được sử dụng rất nhiều, có thể là collagen, mỡ tự thân, Filler (axit hyaluronic) giúp xóa nhăn, làm đầy, trẻ hóa làn da. Đây là xu hướng thẩm mỹ không phẫu thuật, rất phát triển trên thế giới và đang bùng nổ ở Việt Nam.

Với mỗi khách hàng, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng chất làm đầy là mỡ tự thân, collagen hay axit hyaluronic. Trong số các chất làm đầy thì tiêm Filler đang được sử dụng nhiều hơn cả.

BS Thy Ra đang tư vấn cho khách.

Thực chất, đây là hợp chất có cấu tạo từ axit hyaluronic, tương tự một chất tự nhiên tồn tại trong cơ thể người, được dùng để tiêm vào da với một lượng rất nhỏ bằng loại kim chuyên biệt. Chất gel sẽ ngay lập tức tạo thành một khối mô dày dưới nếp nhăn (vùng trán, đuôi mắt, khóe miệng) hoặc vùng cần nâng độn làm thẳng sống mũi, tạo hình cằm, tạo đường cong mà không cần đụng chạm dao kéo.

Người bác sĩ muốn tiêm chất làm đầy này trước hết phải học ngành y, được phẫu tích xác tươi để biết chỗ nào có mạch máu, chỗ nào tiêm được, chỗ nào không. Việc tiêm chất làm đầy cũng phải được đào tạo từ hãng cung cấp bởi nếu có sự cố, bác sĩ có thể cấp cứu cho người bệnh trong nửa giờ đầu (giờ vàng cấp cứu cho người bệnh).

Trường hợp chị L. bị mù mắt có thể do khi tiêm đụng vào mạch máu, chất làm đầy gây tắc động mạch, máu không đến nuôi dưỡng được mắt gây tổn thương võng mạc. Đây là biến chứng rất nặng trong thẩm mỹ, thời gian cấp cứu phải tính từng phút.

Lưu ý khi tiêm chất làm đầy

Thẩm mỹ không phẫu thuật là chuyên ngành sâu, ngoài việc người bác sĩ phải có tay nghề thì chất làm đầy cũng phải là hàng được kiểm soát. Với những hãng có uy tín, họ chỉ bán Filler cho các cơ sở thẩm mỹ có giấy phép, người bác sĩ phải được chính hãng đào tạo.

Giá thành 1 mũi tiêm Filler thường khoảng 9 triệu đồng trong khi hàng trôi nổi, không có nguồn gốc được bán với giá 2 – 3 triệu đồng. Với hàng trôi nổi, sau khi tiêm xong thuốc có thể bị vón, cơ thể biến dạng, nơi tiêm nặng nề, căng tức, khi đã biến chứng đau nhức, nôn mửa, tím do tắc mạch… cần phải đến cơ sở y tế lớn như Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM); Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Mắt T.Ư (Hà Nội)…để được tiêm thuốc giải và cấp cứu kịp thời.

Nhận biết các sản phẩm làm đầy được phép sử dụng

Theo BS Thy Ra, sản phẩm chất làm đầy được phép sử dụng là sản phẩm được dán tem, được Bộ Y tế kiểm định, có chứng nhận của cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).

Các sản phẩm làm đầy được cấp phép hiện nay có tên như  juvederm, teosyal, restylane. Đây là sản phẩm sẽ tan đi theo thời gian từ 9 – 12 tháng hoặc 12 – 18 tháng. Tùy nơi tiêm, Filler cũng chỉ được tiêm lượng nhất định. Ví dụ, đối với hõm mắt, một bên được tiêm không quá 0,5ml, nếu cần lượng lớn hơn có thể chuyển sang cấy mỡ. Filler nếu sử dụng đúng có thể sử dụng để làm đầy ngực.

Ở nước ngoài, phụ nữ thích sử dụng Filler làm đầy ngực vì chất làm đầy khiến ngực tự nhiên, mềm mại, linh hoạt, không đơ cứng khi nằm nghiêng. ở nước ta do công nghệ này giá thành còn cao, chất làm đầy chỉ giữ được tối đa 18 tháng nên phụ nữ vẫn ưu tiên đặt túi ngực với thời hạn trên dưới 10 năm.

Khánh Thủy

BẢN DESKTOP