Doanh nghiệp

HFIC: Công ty Tài chính Nhà nước nơi ông Phạm Phú Quốc từng lãnh đạo làm ăn ra sao?

  • Tác giả : Tuấn Thủy
(khoahocdoisong.vn) - Hiệu quả kinh doanh của riêng Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) đang đi xuống trong những năm gần đây. May mắn là, nguồn thu khổng lồ từ Công ty xổ số Kiến thiết TPHCM đã trở thành lực kéo chủ chốt duy trì lợi nhuận của HFIC - doanh nghiệp Nhà nước tầm cỡ lớn nhất TPHCM và khu vực phía Nam.

Kinh doanh “đi giật lùi”

Trên website, HFIC cho biết được thành lập ngày 02/02/2010 trên cơ sở tổ chức lại Quỹ Đầu tư Phát triển Đô thị TPHCM và là công ty 100% vốn nhà nước. Công ty kinh doanh trong các lĩnh vực tài trợ tín dụng, huy động vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài, quản lý vốn nhà nước và phát hành trái phiếu chính quyền địa phương tại TPHCM. Theo giới thiệu của HFIC, công ty được "Thí điểm thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với các tổng công ty, công ty nhà nước, các công ty TNHH một thành viên nhà nước, công ty TNHH hai thành viên trở lên, các công ty cổ phần được chuyển đổi từ các công ty nhà nước độc lập trực thuộc UBND TP".

Khi thành lập, HFIC có số vốn điều lệ 7.951 tỷ đồng. Tính đến 30/6/2020, tổng tài sản của HFIC đạt 12.379 tỷ đồng, với 88% trong đó là các khoản mục đầu tư, ước lên tới 10.926 tỷ đồng. Trong đó, HFIC dành phần lớn tài sản là 6.289 tỷ đồng để đầu tư góp vốn, gồm 2.619 tỷ đồng đầu tư vào các công ty con, 2.818 tỷ đồng vào công ty liên danh, liên kết, hơn 852 tỷ đồng vào các đơn vị khác. HFIC đã trích lập 141 tỷ đồng dự phòng tổn thất cho các khoản đầu tư này. Ngoài ra, còn có hoạt động đầu tư cho vay lên tới 4.809 tỷ đồng.

Doanh thu và Lợi nhuận trước thuế của HFIC qua các năm (đơn vị: tỷ đồng).

Doanh thu và Lợi nhuận trước thuế của HFIC qua các năm (đơn vị: tỷ đồng).

Tháng 9/2015, ông Phạm Phú Quốc (đại biểu Quốc hội hiện đang vướng vào vụ lình xình đã "lẳng lặng" có thêm hộ chiếu đảo Síp) được UBND TPHCM bổ nhiệm giữ chức vụ thành viên không chuyên trách HĐTV, kiêm Tổng Giám đốc HFIC, với thời hạn 5 năm.

Sau khi ông Quốc nhậm chức, kết quả kinh doanh của HFIC bất ngờ tăng trưởng mạnh. Năm 2016, doanh thu của HFIC bất ngờ tăng 85% đạt 1.569 tỷ đồng so với năm 2015. Lợi nhuận trước thuế tăng 113%, đạt 1.186 tỷ đồng. Kết quả này dường như đã ghi nhận năng lực của ông Quốc trong việc đáp ứng kỳ vọng đưa HFIC trở thành mô hình thí điểm có hiệu quả. Cũng trong năm này, ông Quốc trúng cử Đại biểu Quốc hội Việt Nam (lần đầu) khóa 14 nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Tuy nhiên, thành tích này chỉ đạt được trong 1 năm ngắn ngủi, đủ đưa ông Quốc vào Quốc hội. Sang năm 2017, hiệu quả kinh doanh của HFIC giảm rõ rệt. Doanh thu của HFIC trong năm 2017 giảm 61%, còn 976 tỷ đồng. Tương tự, lợi nhuận trước thuế của HFIC trong năm 2017 đạt 739 tỷ đồng, giảm 60% so với năm 2016.

Tại thời điểm 2017 - 2018, hàng loạt cán bộ đảng viên của HFIC vi phạm kỷ luật trong lãnh đạo doanh nghiệp, gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của công ty. Nhưng trước khi có kết luận của cơ quan thanh tra, vào tháng 9/2018, ông Quốc đã kịp chuyển sang làm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM. Do đó, việc kỷ luật về Đảng hầu như không có ảnh hưởng gì tới vị đại biểu Quốc hội này.

Từ năm 2018, doanh thu và lợi nhuận của HFIC sụt giảm mạnh. Doanh thu trong những năm 2018, 2019 giảm lần lượt 119% và 123% so với năm 2016, thậm chí thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2010 - 2015. Tương ứng, lợi nhuận trước thuế của HFIC cũng giảm mạnh theo, năm 2018 đạt 519 tỷ đồng, giảm 129% so với 2016. Lợi nhuận trong năm 2019 tiếp tục giảm 131%, đạt 514 tỷ đồng.

Tất nhiên, lý do giảm doanh thu và lợi nhuận bao giờ cũng có, và được giải thích cụ thể trong báo cáo tài chính của HFIC. Nhưng cũng không loại trừ nguyên nhân có thể từ việc doanh thu và lợi nhuận của công ty đã bị "vẽ" trong năm 2016 ở mức độ quá lớn, dẫn tới việc những năm sau phải điều chỉnh giảm để khớp với thực tế hoạt động của công ty.

Năm 2020, HFIC đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế 543 tỷ đồng. Nhưng hết nửa đầu năm 2020, HFIC ghi nhận lợi nhuận trước thuế là 86 tỷ đồng, mới chỉ bằng 16% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận thuần của công ty giảm 67% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 82 tỷ đồng. Trong khi nợ xấu gia tăng buộc HFIC phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, khiến lợi nhuận trước thuế giảm sâu hơn.

Dự kiến, tình hình kinh doanh của HFIC trong cả năm 2020 sẽ còn thấp hơn những năm trước. Hiện, HFIC đã trình UBND TPHCM phương án tái cơ cấu công ty giai đoạn 2018 – 2020, hiện đang chờ phê duyệt để có những hướng đi cụ thể, phục hồi lại kết quả kinh doanh.

Công ty tài chính chỉ lãi nhờ... xổ số

Hiện HFIC có 14 công ty liên danh liên kết. Tuy nhiên, lợi nhuận từ đầu tư vào các công ty này cực thấp, chỉ đạt 88 tỷ đồng, giảm 45% trong năm 2019. Trong khi đó, HFIC đang phải “ôm” số lượng lớn hàng tồn kho kém, mất phẩm chất do Công ty CP Dệt May Gia Định và Công ty Chiếu sáng công cộng TPHCM bàn giao lại, và phải trích lập 19 tỷ đồng cho khoản dự phòng giảm giá các loại hàng tồn kho này.

Trong 3 công ty con, có 2 công ty do HFIC nắm 100% vốn điều lệ gồm Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết TPHCM (XSKT), Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh nhà TPHCM (HTMC). Tại Công ty CP Chiếu sáng công cộng TPHCM (CSH), HFIC nắm 51% vốn điều lệ. 2/3 công ty này hoạt động với kết quả rất kém. Tại HTMC, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân trong giai đoạn 2017 - 2019 là âm 10%. Năm 2019, HTMC báo lỗ 86 tỷ đồng, trong khi năm 2018 đã lỗ 46 tỷ đồng.

Doanh thu của HTMC chủ yếu đến từ hoạt động cho thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước (71% tổng doanh thu), còn lại là từ kinh doanh (21%). Theo Báo cáo tài chính riêng của HTMC những năm qua, có rất nhiều ý kiến ngoại trừ của công ty kiểm toán, nghi ngờ tính đúng đắn của các số liệu mà HTMC cung cấp.

Tại CSH, công ty này bàn giao cho HFIC tới 33 tỷ đồng hàng tồn kho năm 2019. Sang tháng 6/2020, con số này tăng lên thành 58 tỷ đồng, trong đó có 3,5 tỷ đồng là hàng kém chất lượng, không thể quay vòng. Lợi nhuận trước thuế của CSH trong năm 2019 đạt 40 tỷ đồng, chỉ chiếm 2% tổng lợi nhuận hợp nhất của HFIC và các công ty con.

Ba công ty con, thì một công ty luôn báo lỗ, một công ty không đem lại nhiều lợi nhuận. Trong nhiều năm, động lực chính giúp tạo lập "thành tích tăng trưởng" cho HFIC là Công ty XSKT. Trong năm 2019, Công ty XSKT ghi nhận doanh thu đạt 8.795 tỷ đồng, tăng 14%, lãi trước thuế là 1.407 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2018. .

Hết tháng 6/2020, XSKT báo lãi giảm 28% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng cũng đạt 542 tỷ đồng. Nguyên nhân giảm do tình hình dịch Covid-19, công ty phải tạm ngưng hoạt động xổ số trong tháng 4 theo chỉ đạo của Thủ tướng. Và sự cạnh tranh của nhiều loại hình trò chơi mới, cũng như thiên tai, XSKT hiện đã hạ chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm xuống còn 1.201 tỷ đồng, bằng 85% năm 2019.

Sở hữu tài sản ở quy mô rất lớn, nhưng kết quả hoạt động phụ thuộc chủ yếu vào... xổ số cho thấy thực tế HFIC đã không phát triển được nguồn vốn nhà nước của TPHCM, nếu như không nói doanh nghiệp này đang làm lãng phí nguồn lực ấy.

Ấy thế mà TPHCM vẫn "chịu" được, thậm chí còn giới thiệu được cho Quốc hội một đại biểu, để giờ đại biểu ấy có hộ chiếu nước khác.

Tuấn Thủy

BẢN DESKTOP