Y học và đời sống

Hệ lụy của việc tự tiêm thuốc ở nhà

  • Tác giả : Giang Thu
Tuyệt đối không tự tiêm thuốc dù là thuốc bổ nếu chưa có chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, khi tiêm vào tĩnh mạch phải đến các cơ sở y tế có đủ điều kiện bởi khi tiêm vào tĩnh mạch dễ gây phản ứng dẫn tới tử vong.

Vừa qua, khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực và Chống độc - Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn (Phú Thọ), đã tiếp nhận bệnh nhân nữ 54 tuổi, (Mỹ Thuận) trong tình trạng kích động, sưng nề căng cứng vùng bắp tay phải lan lên cổ ngực và lan xuống bàn tay, mất vận động và cảm giác các ngón tay cùng bên.

Trước đó, người bệnh đã được người nhà có chuyên môn y tế tiêm thuốc Neutrivit 5000mg x 1 lọ vào vùng bắp tay. Sau tiêm 15 phút, người bệnh đau nhức, căng tức vùng cánh tay phải, tức ngực, khó thở, choáng váng đầu óc, buồn nôn, nôn nhiều lần ra thức ăn lẫn dịch dạ dày.

Tổn thương bên tiêm thuốc của người bệnh. Ảnh: BVCC

Tổn thương bên tiêm thuốc của người bệnh. Ảnh: BVCC

Tại bệnh viện, các xét nghiệm có nhiều chỉ số bất thường, trong đó có tình trạng tiêu cơ vân cấp với chỉ số xét nghiệm men CK 30.000 (chỉ số bình thường 168) - tăng gấp nhiều lần bình thường.

Qua 8 ngày điều trị, bằng các biện pháp hồi sức tích cực như đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, truyền dịch, lợi tiểu... hiện tại men CK đã giảm về 1.425, toàn bộ tay phải đã đỡ sưng nề, bớt đau nhức. Người bệnh vẫn cần tiếp tục điều trị thêm cho đến khi các chỉ số xét nghiệm về giới hạn bình thường.

Từ trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo người dân tự ý mua và sử dụng thuốc không theo chỉ định là rất nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đến sức khỏe.

Ngoài ra, tự tiêm thuốc có thể không đảm bảo vô trùng, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thông qua các mũi tiêm gây áp xe, nhiễm trùng máu. Thậm chí, người bị dị ứng thuốc có thể sốc phản vệ, nguy cơ tử vong.

Giang Thu

BẢN DESKTOP