Bình luận

Hãy là người “đi bão” có văn hóa

  • Tác giả : Tô Hội (thực hiện)
(khoahocdoisong.vn) - Cổ vũ bóng đá là tốt, nhưng nên là người có văn hóa khi tham gia vào các sự kiện lớn. Đừng biến tình yêu, sự hâm mộ thành nỗi đau cho mình và cho người khác.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, giảng viên trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội cho rằng, việc các cổ động viên “đi bão” để ăn mừng chiến thắng của đội tuyển Việt Nam không đáng lên án. Nhưng nên là người có văn hóa khi tham gia vào các sự kiện lớn. Đừng biến tình yêu, sự hâm mộ thành nỗi đau cho mình và cho người khác.

Vui quá mức thành lố bịch

Tối 6/12, khắp các tuyến phố, ngả đường đều kẹt cứng xe cộ do các cổ động viên xuống đường ăn mừng chiến thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam trong Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á. Đua xe, ẩu đả, tai nạn giao thông, xả rác… là những thứ dễ thấy trong dòng người “đi bão”. Chắc hẳn, việc ăn mừng chiến thắng không xấu, nhưng làm thế nào để việc ăn mừng ấy là hành vi chuẩn mực?

Những thông tin trên báo chí về những chuyện như thế này mỗi khi có trận bóng đá đăng tải khá nhiều. Dù chỉ là những trận vòng bảng, hay khi giành vé vào chung kết, sau trận đấu, lượng người và phương tiện dồn về trung tâm TP rất lớn, gây ùn ứ giao thông, nhiều người còn lợi dụng gây rối trật tự công cộng, biểu diễn chạy xe một bánh, buông tay, nằm trên xe, rú ga, nẹt pô, "đốt lốp"… làm náo loạn và nguy hiểm cho người đi đường. Đây là mặt tối, mặt tiêu cực của đám đông, nó xuất hiện cũng là điều dễ hiểu.

Ông có thể lý giải ở góc nhìn văn hóa?

Khi nói về các biểu hiện của văn hóa xã hội  nói chung, nó biểu hiện trên cả mặt tích cực và tiêu cực. Trong mỗi con người, mỗi phong tục tập quán… cũng vậy. Khi người ta có cơ hội tập trung đông người thì cả mặt tốt và mặt xấu đều có điều kiện nảy nở. Ăn mừng chiến thắng, thể hiện tình yêu bóng đá, tự hào dân tộc, yêu nước, nhưng cùng với đó thì cái xấu cũng bùng nổ theo. Đó là những thời điểm mạnh của cộng đồng, phải chấp nhận cả hai mặt này.

Tôi cũng đồng tình với ông, nhưng rõ ràng cách "xuống đường" như thế nào là thật đẹp, thật văn minh, làm sao biến đêm nay thành một đêm hội bóng đá của cả nước mới là điều đáng bàn?

Không chỉ ở Việt Nam mà tôi cho rằng ở đâu cũng vậy, đám đông nào cũng thế. Chỉ khi nào nhận thức của con người tăng lên, ý thức pháp luật được nâng cao, thực thi pháp luật nghiêm minh thì mới điều tiết được cái này. Còn hiện tại, chỉ hy vọng mỗi người tham gia cổ vũ, thể hiện tình yêu, sự hâm mộ, hãy là những người có văn hóa, có ý thức một chút. Có va chạm thì cũng bỏ qua cho nhau để chung niềm vui, đừng vì thế mà sinh sự, đánh nhau. Có như thế mới tạo ra được một cộng đồng văn hóa, văn minh.

Ý ông là có vui cũng chỉ nên vừa phải?

Đúng vậy, cái gì quá cũng không tốt. Vui quá mức sẽ trở thành lố bịch. Hãy vui có chừng mực và vui có văn hóa.

Nếu là tình yêu chân chính thì phải ứng xử tử tế

Ông nói đến những thời điểm mạnh của cộng đồng, cụ thể là những thời điểm nào ạ?

Đó là những dịp lễ hội, lễ Tết, chiến thắng… Khi đó, chúng ta thấy tai nạn giao thông nhiều hơn, ẩu đả nhiều hơn, cờ bạc nở rộ hơn… Đó là một biểu hiện của cái xấu khi có điều kiện ngoại cảnh tác động. Trong văn hóa thì người ta cố gắng làm như thế nào để điều tốt ngày càng phát huy, tiêu cực sẽ ngày càng giảm thiểu.

Việc cổ vũ bóng đá, theo ông làm thế nào để không nảy sinh tiêu cực?

Cổ vũ bóng đá nhiệt tình biểu hiện của sự quan tâm, tình yêu thể thao to lớn nói chung mà đặc biệt là tình yêu bóng đá nói riêng. Tôi cho đó là một phần thưởng tinh thần, sự động viên to lớn mà không phải quốc gia nào cũng có được. Tuy nhiên, nếu người dân đổ xuống đường "đi bão", vui mừng quá mức, thiếu kiểm soát thì sẽ dẫn đến nhiều tiêu cực khác. Đó là tình trạng cản trở giao thông, ách tắc giao thông, gây mất an ninh trật tự xã hội. Thậm chí vui mừng quá mức sẽ trở thành lố bịch, thô bạo, dễ dẫn đến tai nạn giao thông, đánh đấm nhau, lợi dụng tổ chức đua xe trái phép… Như tôi nói, vui cũng nên vừa phải, và đừng hùa theo đám đông làm những điều trái luật.

Liệu đó có phải là biểu hiện của tình yêu?

Tình yêu có những cách biểu hiện rất phong phú song phải là cái đúng, là sự tử tế. Chúng ta có thể mang áo cờ đỏ sao vàng, khoác lên mình lá cờ tổ quốc thiêng liêng, hô vang những khẩu hiệu cổ động, ăn mừng. Nhưng xin đừng lố lăng, ăn mặc hở bạo giỡn đùa cùng quốc kỳ, đừng khoe thân phản cảm chốn đông người. Vấn đề an toàn giao thông cũng cần chú ý hơn, ra đường ăn mừng không có nghĩa là vô tư vi phạm luật giao thông, coi thường tính mạng người khác và bản thân mình.

Ý thức pháp luật quyết định hành vi

Đến khi nào thì chúng ta mới khắc phục được tình trạng tiêu cực như đua xe, đánh nhau, xả rác… mỗi khi có đám đông tụ tập?

Đó là ý thức pháp luật nói chung của người dân. Cần phải giáo dục ý thức pháp luật cho mỗi người, nhưng đây lại là quá trình lâu dài, không một sớm một chiều mà có được. Khi ý thức pháp luật đã thành thói quen, thành phản xạ hàng ngày thì chắc chắn sẽ hạn chế được những tiêu cực này. Giống như một đứa trẻ được giáo dục ý thức pháp luật sớm, chúng không bao giờ xả rác bừa bãi mà khi cần bỏ rác, chúng sẽ tìm khắp nơi xem có thùng rác không. Nếu không có, chúng bỏ rác vào túi áo/quần thay vì vứt ngay xuống đất. Đó là văn hóa, văn minh.

Đó là những hành vi rất nhỏ nhưng cũng thể hiện văn hóa, ý thức pháp luật của mỗi người?

Đúng thế. Khi có ý thức, người hút thuốc lá sẽ chỉ hút khi được cho phép và làm sao không ảnh hưởng đến người khác. Không có chuyện phóng xe bạt mạt mà vẫn phì phèo nhả khói thuốc vào mặt người đi đường. Người hâm mộ bóng đá, vẫn có thể “đi bão” nếu thích, nhưng đừng uống rượu bia, đừng lạm dụng cơ hội đó để gây sự, đánh nhau, đua xe… Những hành động ấy vừa thiệt thân mình, vừa hại người khác, gây ra những bất ổn xã hội.

Chắc có lẽ họ sợ nếu không làm những việc đó thì không còn là “đi bão” nữa?

Cứ bình tâm nhìn vào cuộc sống, nhìn vào nền văn minh để thấy con người khi tôn trọng nhau thì cuộc sống sẽ hạnh phúc, tôn trọng pháp luật thì xã hội sẽ ổn định. Cớ gì chúng ta lại làm ngược lại những điều ấy để rồi không may bị tai nạn giao thông thì cả gia đình khổ, rồi bị bắt vì phạm luật, hoặc đơn giản là gây ra cho người khác bị thương, thì liệu chúng ta có hạnh phúc hay không? Trước khi tham gia vào đám đông, khi thấy có khả năng mình sẽ bị phấn khích theo đám đông, hãy tỉnh táo để là người hâm mộ có văn hóa, hành động văn minh.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

“Với nhiều người, cái vỏ là xuống đường ăn mừng chiến thắng, nhưng bên trong đó là cách để người ta khẳng định cái tôi. Khi xuống đường, họ có thể vượt qua lằn ranh của bản thân và xã hội, làm nhiều việc mà trong đời thường họ không làm như: chủ động xả rác ra đường, đi xe máy chở 3-4 người mà không đội mũ bảo hiểm, thậm chí đua xe thành các tốp lớn rất nguy hiểm...Thể thao có sức mạnh kỳ diệu để kết nối mọi người với nhau, thể hiện niềm tự hào dân tộc, mà bóng đá là môn tiêu biểu nhất. Xuống đường ăn mừng là điều không xấu, cũng không ai phản đối khi đội tuyển chúng ta thành công, bởi người dân có quyền bày tỏ cảm xúc, niềm vui, nỗi buồn của mình, miễn là không ảnh hưởng đến người khác”.

Tô Hội (thực hiện)

BẢN DESKTOP