Chữa bệnh không dùng thuốc

Hàu – vị thuốc quý tăng cường sinh lý

Con hàu là vị thuốc dùng được cả thịt lẫn vỏ, có tác dụng tráng dương, bổ tinh, tư âm dưỡng huyết, dùng chủ trị rất nhiều chứng bệnh nan y. Đặc biệt, đây là vị thuốc dễ kiếm, không đắt, dễ chế biến, dễ áp dụng nhưng mang lại hiệu quả cao với các bài thuốc đơn giản.

Vị thuốc quý dễ tìm

BS Nguyễn Thị Tuyết Lan, Nguyên Trưởng khoa Khám bệnh, bệnh viên YHCT Trung ương cho biết, con hàu sống ở nước lợ của các cửa sông thông ra biển, bám vào các rạn đá ngầm, dải san hô hay mạn tàu thuyền. Hàu còn có tên gọi là: hà, hào, mẫu lệ nhục, tên khoa học: Ostrea spp., họ mẫu lệ (Ostriedae).

Cháo hàu-món ăn nhiều dinh dưỡng.

Hàu là vị thuốc Đông y chữa nhiều bệnh. Bộ phận dùng làm thuốc là thịt hàu và vỏ hàu (mẫu lệ). Thịt hàu giàu kẽm, ngon và ngọt, rất giàu chất dinh dưỡng, có chứa đạm, đường glucid, chất béo, kẽm, magiê, can xi,… Theo y học cổ truyền, thịt hàu có vị ngọt hơi mặn, tính mát, không độc, tác dụng tráng dương, bổ tinh, tư âm dưỡng huyết, ăn vào trị được chứng mất ngủ do nhiệt, người nóng khô khát, hoa mắt, chóng mặt, phụ nữ rối loạn tiền mãn kinh, phụ nữ sau sinh thiếu sữa, thiếu máu ăn hàu rất tốt, nam giới có chứng di mộng tinh, hoạt tinh, yếu sinh lý, liệt dương, hiếm muộn.

Thịt hàu thường được chế biến thành các món ăn bài thuốc bồi bổ sinh lý bởi lượng kẽm cao, chống viêm, tốt cho đời sống tình dục. Vỏ hàu trong y học cổ truyền có tên thuốc là mẫu lệ. Mẫu lệ có vị mặn, tính hơi lạnh, có công năng an thần, bình can, tiềm dương, bổ âm, nhuyễn kiên, hóa đờm, trừ tà nhiệt, mồ hôi trộm, đau dạ dày, sâu răng,…

Hàu là loài động vật nhuyễn thể thuộc nhóm giáp xác bám vào các rạn đá, móng cầu ăn sinh vật phù du và các sinh vật trong bùn, cát, nước biển… nên rất giàu can xi, kẽm, các hợp chất hữu cơ và khoáng chất. Từ thời xưa, các ngự y cũng đã sử dụng hàu như một đặc sản tăng cường thể lực cho các vị vua chúa, cung tần.

Bài thuốc dễ áp dụng

BS Nguyễn Thị Vân Anh, Nguyên Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương  cho biết, mẫu lệ (vỏ hàu) trộn với hoàng đơn, khô phàn tán thành bột mịn được dùng ngoài rắc vào vết thương không kín miệng để giúp vết thương chống nhiễm trùng, mau liền, nhanh lên da non.

Đông y dùng mẫu lệ liều 60g sắc uống trị chứng lao phổi có sốt về chiều, hay ra mồ hôi trộm hoặc mồ hôi tự nhiên toát ra. Đặc trị mồ hôi trộm bằng thang: mẫu lệ 30g, hoàng kỳ 8g, ma hoàng 8g. Mẫu lệ (nung thành vôi tán bột mịn); hoàng kỳ, ma hoàng sắc đặc lấy 300ml làm nước thuốc. Uống bột mẫu lệ và nước thuốc ngày 3 lần, uống trước khi ăn, uống từ 10 – 15 ngày.

Chữa tiểu dắt, tiểu són, đái dầm dùng bột mẫu lệ 40g, nhồi vào bong bóng lợn rồi nấu nhừ. Để nguội, bỏ bột mẫu lệ, thái nhỏ bong bóng, ăn trong ngày trong vòng 1 tuần. Do mẫu lệ chứa nhiều muối calci carbonat, có thể trung hòa các acid trong dịch vị dạ dày, giảm ợ hơi, ợ chua, chống viêm loét nên vị thuốc này được dùng chữa dạ dày. Đông y  trị đau do viêm loét dạ dày: Mẫu lệ 15g, hoài sơn 16g, uất kim 12g, trần bì 10g, dạ cẩm 12g, hậu phác 10g, bạch truật 14g, cam thảo 12g, bồ công anh 16g. Sắc uống ngày 1 thang, chia làm 3 lần.

BS Nguyễn Thị Tuyết Lan cũng chia sẻ, trong Đông y, thịt hàu được chế biến thành nhiều bài thuốc bồi bổ sức khỏe, rất dễ làm, dễ áp dụng. Cháo hàu gồm thịt hàu 50g, thịt trai 50g, gạo tẻ 100g, nấu nhừ, ăn 2 lần trong ngày chữa tăng huyết áp, nhức đầu chóng mặt, suy gan.

Canh hàu rau hẹ: thịt hàu 150g, rau hẹ 60 – 120g, thêm gia vị, nấu canh ăn dùng cho các trường hợp lao phổi suy nhược, ho khan ít đờm, mồ hôi trộm (đạo hãn), bệnh đái tháo đường.

Hàu luộc chín ăn với ớt tiêu gia vị thường ngày có tác dụng bổ âm thanh nhiệt, lợi tiểu, tán kết. Thịt hàu phi thơm với hành xếp lại vào vỏ, rắc hành lá lên mặt, cho vào nồi hấp khoảng 2 phút với lửa to, dùng rất tốt cho nam giới có chứng di mộng tinh, hoạt tinh, yếu sinh lý, liệt dương, hiếm muộn. Tuy nhiên, người cảm nhiễm bởi tà khí gây tổn thương tỳ vị không nên dùng.

Đức Vinh 

BẢN DESKTOP