Ngân hàng

Hậu “khủng hoảng”, bán bảo hiểm qua ngân hàng gặp khó?

  • Tác giả : Minh Châu (t/h)
6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 112.741 tỉ đồng - giảm 4,6%, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 77.831 tỉ đồng - giảm 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Suy giảm doanh thu đáng kể so với năm ngoái
Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), số lượng hợp đồng khai thác mới 6 tháng đầu năm 2023 giảm 31,3 % so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.028.402 hợp đồng. Trong đó sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, gồm bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị, giảm 34,4%; sản phẩm bảo hiểm tử kỳ giảm 17,6%; sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp giảm 48,9%; các sản phẩm bảo hiểm còn lại giảm 44,9%. Kết quả, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ khai thác mới toàn thị trường trong nửa đầu năm nay đạt khoảng 15.508 tỉ đồng, giảm 38,2%.
Bên cạnh doanh thu khai thác mới suy giảm, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ còn ghi nhận con số trả tiền bảo hiểm tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm với 25.850 tỉ đồng, tăng 37,1%.
Báo cáo tài chính quý II/2023 cho thấy, trong 8 ngân hàng thuyết minh chi tiết doanh thu từ hoạt động bảo hiểm, có đến 7 ngân hàng ghi nhận doanh thu giảm.
Về giá trị tuyệt đối, đứng đầu danh sách giảm doanh thu bảo hiểm là MB (giảm gần 900 tỷ đồng doanh thu). Xét về tương đối, các ngân hàng có mức giảm doanh thu bảo hiểm nhiều là KienLongBank (giảm hơn 93%), SeABank (giảm 81,4%), Techcombank (giảm 53%), TPBank (giảm 54,6%), VIB (giảm 46,3%)…
Mặc dù tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ bảo hiểm của 8 nhà băng trên giảm gần 33% so với cùng kỳ năm ngoái, song vẫn đạt khoảng 6.443 tỷ đồng. Riêng tại MB, mảng bảo hiểm vẫn mang về gần 4.200 tỷ đồng doanh thu trong nửa đầu năm nay. Những con số này chưa tính đến khoản phí trả trước kếch xù lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng từ các hợp đồng phân phối độc quyền mà các ngân hàng đã ký kết với đối tác trong mấy năm qua.
Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, nhận định sự tăng trưởng nóng của những sản phẩm phức tạp như bảo hiểm liên kết chung, bảo hiểm liên kết đầu tư là một phần nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng bảo hiểm hiện nay.
Cũng trong năm 2022, IAV đã ghi nhận hơn 3.100 đại lý vi phạm chủ yếu liên quan đến các vấn đề như: làm song song hai doanh nghiệp bảo hiểm, sai phạm về kê khai tài chính, tuyên truyền quảng cáo sai sản phẩm và dịch vụ. Trong 3 năm trở lại đây, con số vi phạm đã tăng lên hơn 9.000 trường hợp.
Trong kết luận thanh tra 4 công ty bảo hiểm nhân thọ (BH Prudential, MB Ageas Life, Sun Life và BIDV Metlife) được Bộ Tài chính công bố, tỷ lệ hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng bị hủy chỉ sau một năm rất cao, có nơi lên tới 73%. Điều này đồng nghĩa với hàng nghìn tỷ đồng đóng bảo hiểm của khách hàng trong năm đầu tiên bị "mất trắng".
Hau “khung hoang”, ban bao hiem qua ngan hang  gap kho?

Thời điểm thích hợp để “tái cơ cấu”?
Khủng hoảng chỉ khiến tổng doanh thu phí bảo hiểm nửa đầu năm nay giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước, vẫn đạt khoảng 116.984 tỷ đồng. Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ không được công bố (do hầu hết đều là các doanh nghiệp nước ngoài, chưa niêm yết), nhưng báo cáo tài chính quý II/2023 của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho thấy vẫn tăng trưởng tốt.
Theo lãnh đạo các ngân hàng, dù thị trường bảo hiểm đang hứng chịu nhiều lùm xùm do chất lượng tư vấn bán bảo hiểm ở nhiều ngân hàng có vấn đề, song các ngân hàng có quy trình bán bảo hiểm nghiêm túc, nhân viên được đào tạo bài bản, tư vấn kỹ cho khách hàng… sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định ở mảng này.
Ngoài ra, sự suy giảm của ngành bảo hiểm trong nửa đầu năm nay không hoàn toàn đến từ cuộc khủng hoảng niềm tin mà còn đang "ngấm đòn" từ suy thoái kinh tế, người tiêu dùng phải đối mặt với sức ép về chi phí sinh hoạt tăng lên… Đây cũng là nguyên nhân có thể kéo dài đà suy giảm của ngành bảo hiểm trong nửa cuối năm 2023, thậm chí có thể ảnh hưởng qua những năm sau.
Việc điều chỉnh, chấn chỉnh và sàng lọc thị trường bảo hiểm thời gian qua, theo các chuyên gia, là cần thiết, bởi thị trường đã tăng quá nhanh, giống như đứa trẻ “chưa biết bò đã lo tập chạy”. Điểm tích cực là các giải pháp chấn chỉnh của cơ quan quản lý đang giúp thị trường phát triển lành mạnh hơn.
Theo các chuyên gia, ngành bảo hiểm đã trải qua chu kỳ tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ trong 10 năm qua, với tốc độ tăng trưởng lên tới 20-30%/năm. Do đó, việc suy giảm, điều chỉnh trong thời gian gần đây là điều khó tránh khỏi, bởi không có thị trường nào duy trì đà tăng liên tục. Đây được cho là cơ hội để các doanh nghiệp tập trung tái cấu trúc, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong thời gian tới.
Bên cạnh nỗ lực tái cấu trúc hoạt động của các mắt xích trong ngành, hoạt động kinh doanh bảo hiểm kỳ vọng sẽ cải thiện theo hướng minh bạch hơn khi những bất cập, bức xúc trên thị trường thời gian qua sẽ được quy định rõ trong Luật Kinh doanh Bảo hiểm 2022 có hiệu lực đầu năm nay. Hiện ngành bảo hiểm đang chờ các văn bản dưới luật để có căn cứ pháp lý thực hiện.
Minh Châu (t/h)

BẢN DESKTOP