Gia đình mới

Hành trình ươm mầm sống cho trẻ sinh non suy hô hấp, tuần hoàn

  • Tác giả : Thúy Nga
Ngay tại tuyến huyện, các bác sĩ cũng đã vượt qua thách thức để cứu sống bệnh nhi sinh non suy hô hấp, suy tuần hoàn....

Chăm sóc và điều trị trẻ sinh non vẫn luôn là một thách thức trong lĩnh vực hồi sức sơ sinh vì tỉ lệ biến chứng và tử vong cao. Hiện nay với sự phát triển của y học, nhiều trẻ sinh non với tuần thai thấp đã được cứu sống ngày càng nhiều.

Vừa qua, các bác sĩ Khoa Nhi, Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) đã chăm sóc và điều trị thành công cho bé sinh non tháng 34 tuần tuổi thai, suy hô hấp với cân nặng 2100gram.

Sản phụ N.T. H, 34 tuổi, (Quảng Yên, Quảng Ninh), chuyển dạ khi thai nhi chỉ mới 34 tuần tuổi thai, do có dấu hiệu suy thai cấp. Lúc mới sinh, bé gái nặng 2100gram, vừa ra đời trẻ khóc rất yếu, phản xạ sơ sinh yếu, tím mặt, môi, mạch 108 lần/phút, nhịp thở 56 lần/phút, SPO2 88% khí trời, SPO2 98% có oxy.

Ngay lập tức các bác sĩ đã tiến hành hồi sức cấp cứu kiểm soát hô hấp, tuần hoàn. Sau khi bé P ổn định hơn các bác sĩ đã chuyển bé về khoa Nhi – phòng Cấp cứu sơ sinh, cách ly mẹ và gia đình để bé được điều trị và chăm sóc riêng biệt ngày đêm hoàn toàn bởi các Y bác sĩ chuyên khoa Nhi.

Chính vì vậy, tất cả mọi công việc điều trị, chăm sóc như truyền dịch, truyền thức ăn, tắm rửa, thay tã… đều do một tay các bác sĩ, điều dưỡng thực hiện. Không kể ngày hay đêm, các y bác sĩ phải theo dõi liên tục, sát sao diễn biến sức khỏe của trẻ để kịp thời xử lý những tình huống bất thường có thể xảy ra.

Bé P được ủ ấm bằng lồng ấp, thở oxy qua mask, đặt Catheter tĩnh mạch rốn, đặt ống sonde dạ dày, truyền dịch và dùng kháng sinh điều trị dự phòng bệnh viêm phổi. Bé được nuôi dưỡng qua đường truyền tĩnh mạch kết hợp nuôi ăn qua đường ruột tối thiểu giúp bé quen dần với phản xạ tiêu hóa. Xét nghiệm kiểm tra máu, siêu âm tim, rất may mắn kết quả siêu âm tim của bé P bình thường.

Quá trình nuôi dưỡng một trẻ sinh non nhẹ cân thực sự gian nan, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cần mẫn, khéo léo đến từng chi tiết. Ngày đầu bé P ăn không tiêu hóa được và có dấu hiệu viêm ruột nên phải tiêm kháng sinh điều trị bệnh kết hợp nuôi dưỡng bé hoàn toàn theo đường tĩnh mạch.

Ngày thứ 2 sau khi kiểm tra dịch dạ dày của bé trong, không còn tình trạng nhiễm khuẩn, các Y bác sĩ mới tiếp tục cho bé ăn sữa qua ống sonde dạ dày kết hợp dịch truyền theo đường tĩnh mạch. Bắt đầu từ 1 ml sữa, tăng dần từng chút một lên 2 ml, 3 ml rồi tới 15, 20 ml sữa, bé tiêu hóa tốt, không bị nôn trớ. Từ đó, bé P được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng đường tiêu hóa với lượng sữa 20 ml trong vòng 3 giờ đảm bảo dinh dưỡng cho bé.

Ngày thứ 2 bé bắt đầu có dấu hiệu vàng da và được các điều dưỡng viên tiến hành chiếu đèn liên tục. Lượng dịch truyền và thuốc được tính toán tỉ mỉ theo từng gram cân nặng đảm bảo hiệu quả điều trị và dinh dưỡng tối ưu. Để giảm thiểu tối đa các tác động bất lợi về ánh sáng, tiếng ồn và các stress đến sự phát triển của hệ thần kinh, bé luôn được chăm sóc rất tỉ mỉ, cẩn thận và nhẹ nhàng.

Sau 08 ngày đấu tranh dũng cảm với bệnh tật, kết hợp các phương pháp điều trị hồi sức sơ sinh tích cực, lớn lên từng ngày dưới bàn tay chăm sóc của các y, bác sĩ Nhi khoa như một người mẹ hiền chăm sóc cho con nhỏ ngày đêm, bé P đã có thể tự thở, phản xạ tốt dần lên, khóc to, vàng da gần như đã hết, được rút ống sonde dạ dạy, ăn bằng thìa và tập bú mẹ.

Bé P được ấp da kề da theo phương pháp Kangaroo, lần đầu tiên bé được cảm nhận hơi ấm của mẹ sau bao ngày xa cách. Hiện nay, bé P vẫn được chăm sóc và theo dõi rất đặc biệt với tình yêu thương đong đầy của các nhân viên y tế trong khoa Nhi, hy vọng rằng “ một mầm xanh đang lớn dần lên”.

Công tác chăm sóc, điều trị trẻ sinh non, nhẹ cân vô cùng vất vả - Ảnh BVCC

Công tác chăm sóc, điều trị trẻ sinh non, nhẹ cân vô cùng vất vả - Ảnh BVCC

Gặp chị N.T. H, mẹ cháu P tại Phòng ghép Mẹ và Bé, chị xúc động bày tỏ: “Gia đình tôi vô cùng biết ơn các y bác sĩ đã không quản ngày đêm chăm sóc, điều trị cho con gái bé bỏng của chúng tôi. Nhìn con mới sinh ra đã phải xa mẹ, tôi cũng đau lòng lắm.

May nhờ có các y bác sĩ kịp thời cấp cứu, chăm sóc, cuối cùng sau những ngày dài chờ đợi thì tôi cũng được ôm con trong lòng. Gia đình tôi không biết nói gì ngoài lời cảm ơn các bác sĩ đã tận tình chăm sóc con gái tôi để cháu khỏe mạnh, lớn lên từng ngày như hiện tại. Gia đình tôi cũng xin chúc các bác sĩ luôn dồi dào sức khỏe để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn”.

Công tác chăm sóc, điều trị trẻ sinh non, nhẹ cân vô cùng vất vả. Không chỉ cần sự hỗ trợ từ nhiều phương tiện, máy móc, dụng cụ, trang thiết bị kỹ thuật mà còn cần sự chăm sóc tỉ mỉ của các điều dưỡng, bác sĩ, bằng tình yêu trẻ nhỏ, tâm huyết với nghề và sự chia sẻ, thấu hiểu với tâm trạng của những người làm cha, làm mẹ khi có con sinh non, nhẹ cân.

Do đó, song song với việc nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, y đức, các y, bác sĩ tại Khoa Nhi - Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên luôn cố gắng, nỗ lực hết mình trong công việc để đồng hành cùng những bệnh nhân nhi vượt qua nguy hiểm, góp phần giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh, giảm tỷ lệ chuyển viện.

Để rồi mỗi khi được đưa các bé trở về vòng tay của bố mẹ khỏe mạnh đó không chỉ là niềm vui, niềm hạnh phúc của các gia đình mà còn là động lực để các bác sĩ, điều dưỡng tiếp tục cố gắng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân”

Thúy Nga

BẢN DESKTOP