Sống xanh

Hành trình kỳ diệu của PGS nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu

  • Tác giả : Mai Loan
PGS.TS Trần Mạnh Trí, Trưởng Bộ môn Hóa học hữu cơ - Khoa Hoá học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, ông từng định học hết cấp ba, không thi đại học. Những điều ông đạt được thực sự là hành trình kỳ diệu.

Đưa tay chỉ sang phía giảng đường đối diện Khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), cơ sở 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội, PGS.TS Trần Mạnh Trí tâm sự, một trong những niềm hạnh phúc nhất của ông là được học tập ở giảng đường này, rồi trở thành giảng viên, nối nghiệp thầy của mình đứng trên bục giảng. Từ lúc nghĩ không học đại học cho đến khi trở thành giảng viên, gặt hái được thành quả, với ông, đó là cả một hành trình.

PGS.TS Trần Mạnh Trí, Trưởng Bộ môn Hóa học hữu cơ - Khoa Hoá học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Mai Loan.
PGS.TS Trần Mạnh Trí, Trưởng Bộ môn Hóa học hữu cơ - Khoa Hoá học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Mai Loan.

Từng có ý định không thi đại học

PGS.TS Trần Mạnh Trí cho hay, ông sinh ra ở vùng quê nghèo xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Năm 2019, xã này có đường nhựa chạy qua, còn trước đó là đường đất. Đến năm 2000, Chiêu Yên mới có điện lưới. Cả thời đi học, nam sinh tên Trí gắn bó với đèn dầu.

Cuộc sống vất vả, khó khăn, học trò ở quê hầu như chỉ theo hết cấp 1, tới lớp 6, 7 là “rơi rụng” dần. Không đủ học sinh để mở lớp, trường cấp 2 gần nhà ông cũng bị “xóa sổ”.

Hết lớp 5, Trần Mạnh Trí “khăn gói quả mướp”, đạp xe đến nhà cô ruột cách nhà 20 km trọ học. May mắn, khi nam sinh lên lớp 7, trường cấp 2 quê mở lại, Nguyễn Mạnh Trí được về nhà học tiếp.

Khi cậu học sinh sắp học hết kỳ I lớp 9, bố mẹ anh gặp bạn cũ, biết năng lực học của Trí, đã tư vấn gia đình đưa con lên thị xã học. Sau hai ngày suy nghĩ, bố mẹ Trí đồng ý. Không ngờ, quyết định này ảnh hưởng lớn những lối rẽ tiếp theo của cuộc đời anh về sau của chàng trai quê Tuyên Quang.

Lên thị xã (bây giờ là thành phố Tuyên Quang) học, cậu học trò mới thấy kiến thức của mình bị hổng quá nhiều. Dù được học Hóa từ năm lớp 8, thời điểm đó, kiến thức lõm bõm, hầu như không biết. Được các thầy cô, bạn bè hỗ trợ, giảng giải lấy lại “gốc” về môn Hóa, nam sinh như được “khai mở”. Cũng từ đây, Trần Mạnh Trí nhận ra tình yêu với môn học này.

Lên cấp ba, Mạnh Trí thi vào lớp chuyên Hóa, Trường THPT chuyên Tuyên Quang, nhưng chỉ đậu hệ B. Hết lớp 11, với kết quả học tập tốt, nam sinh được Ban Giám hiệu chuyển lên hệ A. Tuy nhiên, Mạnh Trí vẫn chọn ở lại lớp cũ, do quý mến bạn bè.

Năm lớp 12, Trần Mạnh Trí giành giải Khuyến khích Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Dù vậy, chàng trai này không nghĩ đến thi đại học.

“Bố mẹ tôi đều là nông dân, kinh tế khó khăn. Tôi là con thứ ba trong gia đình 5 anh, chị, em. Anh tôi học hết lớp 9 rồi đi học nghề, chị gái học hết tiểu học. Lúc đó, tôi suy nghĩ giống bao người ở quê, chỉ cần biết đọc, viết, về làm nương rẫy. Tôi xác định học hết lớp 12. Thế rồi, khi thầy cô hỏi, sao Mạnh Trí không đăng ký thi đại học, tôi như sực tỉnh”, PGS.TS Trần Mạnh Trí nhớ lại.

Nhà nghèo, Mạnh Trí đăng ký thi vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội với dự tính không phải đóng học phí, nhưng không đậu. Trúng tuyển Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), ông có duyên với ngôi trường đào tạo khoa học cơ bản hàng đầu cả nước cho đến bây giờ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (bên phải) và Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt (bên trái) trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024 và tặng hoa chúc mừng PGS.TS Trần Mạnh Trí. Ảnh: NVCC.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (bên phải) và Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt (bên trái) trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024 và tặng hoa chúc mừng PGS.TS Trần Mạnh Trí. Ảnh: NVCC.

Hạnh phúc khi được cộng đồng khoa học ghi nhận

Chia sẻ về cụm 3 công trình được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024, PGS.TS Trần Mạnh Trí cho hay, những công trình này đã được công bố trên các tạp chí khoa học thuộc top 5% hàng đầu thế giới trong ngành kỹ thuật môi trường, độc học và sức khỏe.

Nội dung chính của cụm 3 công trình nghiên cứu là phát triển phương pháp phân tích chính xác những hợp chất hữu cơ gây rối loạn nội tiết mới nổi, nhóm phthalate và siloxane trong môi trường không khí và nước, dựa trên các thiết bị phân tích chính xác và hiện đại.

Phthalate và siloxane được biết đến là phụ gia sử dụng rất phổ biến với hàm lượng lớn (lên tới vài phần trăm khối lượng). Nó được dùng phổ biến trong vật liệu bằng nhựa, vật dụng gia đình, sản phẩm chăm sóc cá nhân, mỹ phẩm, dược phẩm, thẩm mỹ…

Khi chúng ta sử dụng, các hóa chất này có thể thổi ra môi trường không khí và nước. Chẳng hạn, trong không khí, ngay tại nhà ở, hóa chất có thể phát tán, chúng ta hít thở thì có thể hấp thụ nó. Tương tự, với đường nước uống, nếu không thể loại bỏ được, người dùng có thể hấp thu những hóa chất này.

Trong khi đó, qua thí nghiệm trên động vật, bằng chứng cho thấy phthalate và siloxane có độc tính, có thể làm thay đổi hệ nội tiết, hormone sinh sản (estrogen), hormone sinh trưởng và hệ vận động của động vật.

Theo PGS.TS Trần Mạnh Trí, những thành quả có được hôm nay, ngoài sự may mắn, ông còn thể hiện quyết tâm cao, nỗ lực không ngừng.
Theo PGS.TS Trần Mạnh Trí, những thành quả có được hôm nay, ngoài sự may mắn, ông còn thể hiện quyết tâm cao, nỗ lực không ngừng.

Cộng đồng khoa học đặc biệt quan tâm về hai nhóm hợp chất này. Tuy nhiên, đến nay, những hiểu biết về độc tính và khả năng phát tán của chúng vào môi trường vẫn còn rất hạn chế tại hầu hết quốc gia trên thế giới.

“Những nghiên cứu góp phần giải quyết vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu là ô nhiễm môi trường do sự phát tán của các hóa chất tổng hợp”, PGS.TS Trần Mạnh Trí nói.

Tại Hà Nội, những người nghiên cứu đã đo đạc, quan trắc mức độ phân bố của những chất này trong không khí, nguồn nước. Nhóm tác giả cũng đề xuất công thức và ước lượng mức độ rủi ro phơi nhiễm của hóa chất qua con đường hít thở, đường uống cho nhóm lứa tuổi khác nhau.

Các kết quả nghiên cứu không chỉ mới tại Việt Nam, mà còn có ý nghĩa khoa học sâu sắc, đóng góp cơ sở dữ liệu nền quan trọng, giúp phát triển nghiên cứu chuyên sâu trên thế giới.

Một trong những giá trị thực tiễn nổi bật của công trình, giúp định hướng để chế tạo vật liệu tiên tiến, thiết bị hiện đại, có thể tự động hóa với mục tiêu làm sạch môi trường không khí (đặc biệt là không khí trong nhà) và nguồn nước.

Là tác giả chính của cụm ba công trình, PGS.TS Trần Mạnh Trí có ý tưởng về đề tài từ năm 2017. Phải đến năm 2019 - 2021, ông cùng nhóm nghiên cứu mới thu thập mẫu tại khu vực Hà Nội và lân cận một cách bài bản, công phu.

“Không chỉ tôi, nhiều nhà khoa học đều có ước muốn đoạt giải thưởng Tạ Quang Bửu, bởi sự danh giá và liêm chính trong xét duyệt. Khi kết quả được công bố, tôi vỡ òa, cảm thấy lâng lâng hạnh phúc. Giải thưởng Tạ Quang Bửu là sự ghi nhận của cộng đồng khoa học cho những cố gắng, nỗ lực của cá nhân và nhóm nghiên cứu. Điều đó động viên, khích lệ chúng tôi rất nhiều”, PGS.TS Trần Mạnh Trí nói.

“Tôi luôn đặt ý chí, nghị lực ở trạng thái cao nhất để vượt qua thử thách, không ngại khó khăn, thất bại. Bởi, có thất bại mới có thành công. Thí nghiệm làm sai thì rút ra bài học bổ ích”, PGS.TS Trần Mạnh Trí

Sự quyết tâm và tấm lòng những người thầy

PGS.TS Trần Mạnh Trí thông tin, những thành quả có được hôm nay, ngoài sự may mắn, ông còn quyết tâm, nỗ lực không ngừng.

“Chìa khóa cho những thành quả hôm nay, tôi cho rằng, là sự quyết tâm. Tôi luôn đặt ý chí, nghị lực ở trạng thái cao nhất để vượt qua thử thách, không ngại khó khăn, thất bại. Bởi, có thất bại mới có thành công. Thí nghiệm làm sai thì rút ra bài học bổ ích”, PGS.TS Trần Mạnh Trí nói.

Khi được hỏi động lực nào đằng sau sự quyết tâm đó, PGS Trí tâm sự, đó chính là khát vọng muốn thoát ly. Khi đã xác định đi theo con đường khoa học, PGS Trí từng bước chinh phục các nấc thang, từ tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, rồi phó giáo sư. Không chỉ cho bản thân mình, ông còn muốn truyền động lực, làm gương, để hai em phía sau cố gắng.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, theo PGS.TS Trần Mạnh Trí, là những tấm lòng thầy cô giáo đã luôn yêu thương, cưu mang, giúp đỡ ông, đặc biệt những thầy cô ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Trong đó, người luôn sát cánh bên ông là GS.TSKH.NGND Nguyễn Đức Huệ. Thầy là người dìu dắt, truyền cho ông sự say mê, nghiêm túc trong khoa học và tấm lòng yêu thương vô hạn với học trò.

“Tôi học các thầy ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội niềm say mê với khoa học và sự tâm huyết, hết lòng vì học trò, không để những cám dỗ vật chất chen vào. Tôi yêu trò như con, cháu của mình. Đây cũng chính là điều tôi nhận được từ những người thầy của mình, giờ trao đi cho các trò”, PGS.TS Trần Mạnh Trí nói.

PGS.TS Trần Mạnh Trí cho hay, đến giờ, ông có hơn 40 bài báo quốc tế. Trong đó, các bài báo thuộc Q1 chiếm 70-80%.

Một trong những niềm vui của ông và đồng nghiệp là thành lập nhóm nghiên cứu mạnh có tên “Quan trắc độc chất hữu cơ môi trường”, Trưởng nhóm là PGS.TS Từ Bình Minh. Hướng chính của nhóm là các công bố quốc tế, ứng dụng, giải pháp hữu ích.

“Tôi không dám đưa ra lời khuyên với các bạn trẻ, nhưng từ trải nghiệm của mình, tôi nghĩ, để theo đuổi được con đường khoa học, cần có sự kiên trì, bền bỉ, luôn luôn cố gắng, không bỏ cuộc, hạn chế thấp nhất thất bại”, PGS.TS Trần Mạnh Trí nói.

Mai Loan

BẢN DESKTOP