Giáo dục

Hàng trăm sinh viên bị Đại học Hòa Bình cho thôi học... Nhiều uẩn khúc cần được làm rõ!

  • Tác giả : Phong Vũ
Mập mờ trong liên kết tuyển sinh và đào tạo giữa Đại học Hòa Bình và các công ty bên ngoài đã dẫn đến việc hơn 100 sinh viên đang theo học hệ liên thông ngành dược bị hủy kết quả học tập, thậm chí... bị cho thôi học. Dù phía Nhà trường luôn khẳng định lớp sinh viên này là thuộc hệ đào tạo chính quy, nhưng vẫn còn quá nhiều uẩn khúc cần được làm sáng tỏ.

Cơ sở đào tạo ở một nơi… sinh viên học ở một nẻo?

Theo tìm hiểu của phóng viên Khoa học và Đời sống, Khoa Dược và Trường Đại học Hòa Bình đều đặt trụ sở tại số 8, lô CC2, phố Bùi Xuân Phái, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ngoài địa điểm trên, trường không có bất kỳ một cơ sở nào khác có chức năng đào tạo sinh viên chính quy ngành dược.

Làm việc với phóng viên, đại diện Đại học Hòa Bình khẳng định, tất cả sinh viên hệ chính quy đều học tập trung tại cơ sở đào tạo đã nêu trên, không đào tạo tại nơi khác.

Xác minh thông tin, phóng viên đã liên hệ với chính các sinh viên 518-DH003 của Khoa Dược, Đại học Hòa Bình thì nhận được câu trả lời hoàn toàn trái ngược.

Dù có trụ sở tại Hà Nội nhưng sinh viên Đại học Hòa Bình lại được đào tạo ở Quảng Ninh. (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Đại diện nhóm sinh viên, chị Bùi Thị Thanh Hà cho biết: “Trường đã sắp xếp cho sinh viên học tại nhiều khu vực khác nhau. Sinh viên ở Quảng Ninh trong năm đầu tiên thì học tại Quảng Ninh, từ năm thứ hai được bố trí học cùng các sinh viên khu vực Hà Nội, nhưng không phải trụ sở của trường”.

Các sinh viên được bố trí học và thi hết môn tại Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên quận Hoàng Mai (số 12 Đền Lừ, phường Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai, Hà Nội) và Trường Đào tạo cán bộ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (ngõ 157 phố Bằng B, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội).

Chị Hà đã cung cấp cho phóng viên nhiều hình ảnh, bằng chứng chứng minh việc chị và các sinh viên cùng lớp không được đào tạo tại trụ sở của trường, như lời của đại diện Đại học Hòa Bình khẳng định.

Tại khoản 1, điều 4, Quy chế đào tạo trình độ đại học, Bộ GD&ĐT đã quy định, đối với hệ chính quy: “Các hoạt động giảng dạy được thực hiện tại cơ sở đào tạo”.

Do vậy, nếu những sinh viên lớp 518-DH003 là sinh viên hệ chính quy như phía Trường Đại học Hòa Bình khẳng định, thì việc đào tạo như vậy có đúng với quy chế của Bộ? Hay họ chính là những sinh viên học hệ liên thông nhưng vì một lý do nào đấy mà bị phía nhà trường “phù phép” biến thành hệ chính quy, rồi bị… cho thôi học lúc nào cũng không hay.

Chỉ học thứ bảy, Chủ nhật… Học phí nộp vào tài khoản người lạ?

Tại điểm b, khoản 1, điều 4, Quy chế đào tạo của Bộ GD&ĐT quy định về thời gian tổ chức đào tạo cho sinh viên hệ chính quy như sau: “Thời gian tổ chức hoạt động giảng dạy trong khoảng từ 06 giờ đến 20 giờ các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 7”.

Nhưng theo anh Lưu Đắc Linh, sinh viên lớp 518-DH003t: “Chúng tôi đều học vào thứ bảy và Chủ nhật theo thời khóa biểu của Trường. Các ngày trong tuần do chúng tôi bận công việc cá nhân nên không thể theo học. Chúng tôi đều xác định học liên thông ngay từ đầu nên mới đăng ký và theo học tại trường, chứ không hề biết mình là sinh viên chính quy”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc đào tạo sinh viên vào ngày thứ bảy, Chủ nhật chỉ được áp dụng đối với sinh viên hệ vừa học vừa làm theo Quy chế đào tạo mà Bộ GD&ĐT đã ban hành.

Việc Đại học Hòa Bình khẳng định các sinh viên lớp 518-DH003 là sinh viên đại học chính quy, trong khi sinh viên đã theo học suốt 3 năm mà không hề hay biết là điều khó hiểu và vô lý!

Nếu các sinh viên này là sinh viên chính quy thật, thì rất cần sự giải thích hợp lý từ phía Đại học Hòa Bình, là tại sao họ lại được đào tạo giống y như hệ vừa học vừa làm, cả về địa điểm lẫn thời gian như vậy?

Qua tìm hiểu, phóng viên nhận thấy có rất nhiều điều bất thường, không minh bạch và nhất quán trong việc thu học phí đối với sinh viên của Đại học Hòa Bình.

Cụ thể, sinh viên không được nộp trực tiếp học phí về tài khoản của Đại học Hòa Bình, mà được chỉ định chuyển vào các số tài khoản cá nhân tại các ngân hàng khác nhau của bà Hoàng Thị Ngọc và Hoàng Thị Dịu (nhân viên của Trung tâm Y - Dược Hoàng Mai). Hoặc bà Nguyễn Thị Tuyết (lớp trưởng lớp 518-DH003).

Một số sinh viên đã nộp học phí cho người của Công ty TNHH Edupharm Quốc tế (đơn vị liên kết tuyển sinh với Trường Đại học Hòa Bình). Điều đáng nói là toàn bộ những người này hoàn toàn không giữ chức vụ gì liên quan đến hoạt động tài chính – kế toán tại Đại học Hòa Bình.

Chị Hà đã cung cấp cho phóng viên nhiều tài liệu liên quan đến việc chuyển tiền học phí của các sinh viên trong lớp và cho biết: “Chúng tôi chỉ biết nộp tiền học phí theo thông báo của Trung tâm Y – Dược Hoàng Mai vào các số tài khoản cá nhân đã được chỉ định sẵn, chứ tiền học phí có được chuyển về Đại học Hòa Bình hay không hoặc chuyển bao nhiêu thì chúng tôi không hề biết”.

Tính tới thời điểm hiện tại, theo ước tính của chị Hà tổng số tiền học phí mà 108 sinh viên của lớp 518-DH003 đã nộp là hơn 5 tỷ đồng.

“Đến bây giờ khi chúng tôi bị hủy kết quả học tập và cho thôi học giữa chừng, chúng tôi cũng không biết rõ số tiền hơn 5 tỷ đồng kia đã được chuyển đi đâu, liệu nó có về tài khoản của Đại học Hòa Bình hay không? Hay chúng tôi đã bị lừa, vì tiền học phí không được nộp về phía nhà trường nên họ mới cho thôi học chúng tôi…?”, chị Hà buồn bã nói.

Khoa học và Đời sống sẽ tiếp tục bám sát và cung cấp thông tin cụ thể cho độc giả tại số tới.

Ngoài việc thu học phí không được minh bạch, nhóm sinh viên lớp 518-DH003 tố cáo, họ còn phải nộp rất nhiều khoản phí không rõ ràng cho Trung tâm Y – Dược Hoàng Mai và cá nhân bà Nguyễn Thị Tuyết (lớp trưởng), mà không có hóa đơn, chứng từ gì. Vậy đường đi của số tiền học phí của sinh viên như thế nào? Những khoản thu vô lý kia là gì?

Phong Vũ

BẢN DESKTOP