Y học và đời sống

Hàng loạt vụ trẻ bị ngộ độc sau khi sử dụng thuốc nhỏ mũi

  • Tác giả : Thu Giang (T/h)

Thời gian qua xảy ra không ít những trường hợp trẻ em bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi do sự chủ quan của cha mẹ khi tự ý dùng thuốc cho trẻ mà không theo chỉ dẫn của bác sĩ...

Mới đây, vụ việc bé gái H.P.M 6 tuổi nhập viện Bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ vì mệt, rối loạn nhịp tim sau khi dùng thuốc nhỏ mũi dành cho người lớn khiến dư luận xôn xao.

Qua khai thác bệnh sử ghi nhận, bé bệnh 2 ngày, sốt nhẹ, ho ít, chảy mũi, người nhà có đưa bé đến cơ sở khám chữa bệnh tư nhân được nội soi tai mũi họng và được chẩn đoán viêm mũi họng cấp, bé được kê toa uống 2 ngày kèm thuốc nhỏ mũi.

Sau nhỏ mũi bé buồn nôn, và than mệt nên người nhà đưa bé đến Khoa Cấp Cứu Nhi Đồng Cần Thơ.

Bé được hổ trợ thở Oxy, truyền dịch, được nhập viện vào Khoa Cấp cứu và được mắc điện cực theo dõi nhịp tim liên tục và nằm lưu lại theo dõi tại khoa cấp cứu 1 ngày. Sau đó nhịp tim bé phục hồi, bé tươi tỉnh hơn, chi ấm, mạch quay rõ, nhịp tim đều 90 – 100 lần/phút và bé được chuyển Khoa Tim mạch theo dõi thêm 1 ngày, sau đó được cho ra viện.

Qua khai thác bác sĩ được biết bé được nhỏ mũi Polymax. Theo các bác sĩ Polymax, Rhinex là những thuốc nhỏ mũi dành cho người trưởng thành có chứa thành phần chính là Naphazolin.

Bất cẩn, không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng cũng là nguyên nhân gây không ít những ca ngộ độc Naphazolin...

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Trường hợp ngộ độc thuốc nhỏ mũi tại Quảng Ninh

Ngày 30/8/2020, Khoa Cấp cứu Nhi, Bệnh viện (BV) Việt Nam - Thụy Điển, TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận hai bé tên Q.H và Q.B (sinh tháng 5/2020, ở phường Quang Trung, TP.Uông Bí) trong tình trạng lơ mơ, da tím tái, nhịp thở không đều, nhịp tim chậm 70 - 80 lần/phút.

Trước đó, gia đình tắm cho hai bé, thấy cả hai thở khò khè nên đã tự mua thuốc nhỏ mũi cho con. Khi hết khoảng 2 đến 3 lọ thuốc, thấy cả hai bé đều vã mồ hôi, da tái, tay chân lạnh... Các bé phải thở máy, truyền dịch, theo dõi sát dấu hiệu sinh tồn. Bác sĩ chẩn đoán hai bé ngộ độc cấp Naphazolin - loại thuốc mà trong hướng dẫn sử dụng chỉ ghi dùng cho trẻ 6 tuổi trở lên.

Trường hợp ngộ độc thuốc nhỏ mũi tại Thái Bình

Tháng 1/2020, bé L.M.A (9 tháng tuổi, ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) cấp cứu nhập viện trong tình trạng mệt lả, vã mồ hôi, chân tay lạnh (hạ thân nhiệt). Gia đình đã nhỏ cho bé hết nửa lọ Naphazolin 0,05%, khoảng 1 giờ sau thấy các biểu hiện trên, vội vàng đưa đi viện. Bác sĩ dùng thuốc lợi tiểu, truyền dịch, ủ ấm và theo dõi sát dấu hiệu sinh tồn. Sau 8 giờ nhập viện, bé mới hết các triệu chứng nguy hiểm.

Trường hợp ngộ độc thuốc nhỏ mũi tại Hải Phòng

Tháng 11/2019, tại khoa Nhi- bệnh viện Quốc tế Hải Phòng tiếp nhận bệnh nhân nhi 2,5 tuổi đang trong tình trạng li bì, da tái, chân tay lạnh, vã mồ hôi, nhịp tim chậm. Được biết bé bị ngạt mũi, khó thở, nhiều đờm nên gia đình đưa đến phòng khám tư. Vì dịch mũi đặc nên bé được hút mũi 3 lần và nhỏ thuốc nhiều lần. Sau nửa giờ, gia đình thấy bé vã mồ hôi, lờ đờ, tái nhợt nên đưa đi viện. Bác sĩ tiếp nhận cấp cứu cho biết, bé bị ngộ độc Naphazolin có trong thuốc nhỏ mũi do phòng khám tự pha chế.

Cùng thời điểm đó, Bệnh viện Nhi Hải Phòng tiếp nhận cấp cứu bé Đ.A.N (18 tháng tuổi, ở quận An Dương, TP.Hải Phòng), trong tình trạng đã lả, mồ hôi vã đầm đìa, hạ thân nhiệt nặng. Với trẻ bé, hạ thân nhiệt rất nguy hiểm, rất dễ đưa đến tử vong do đình trệ chuyển hóa cơ bản. Bác sĩ cho biết bé bị ngộ độc Naphazolin trong thuốc nhỏ mũi.

Trường hợp ngộ độc thuốc nhỏ mũi tại Bắc Giang

Tối ngày 05/11/2020, Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc - Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang đã tiếp nhận cấp cứu cho cháu B.G. N. (11 tháng tuổi, trú tại xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng lơ mơ, da tái, chân tay lạnh, vã mồ hôi, hạ thân nhiệt, nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp thở do ngộ độc thuốc nhỏ mũi Naphazolin.

Theo thông tin người nhà cho biết, bé G.N. bị ngạt mũi nên buổi chiều cùng ngày gia đình đã mua thuốc nhỏ mũi Naphazolin về nhỏ cho bé. Khoảng 2 giờ sau khi nhỏ mũi thì thấy bé có hiện tượng da tái toàn thân, chân tay lạnh, vã mồ hôi nên gia đình đã đưa trẻ nhập viện Sản Nhi Bắc Giang. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán xác định trẻ bị ngộ độc Naphazolin có trong loại thuốc mà gia đình đã nhỏ mũi cho bé.

Theo các bác sĩ, Polymax, Rhinex là những thuốc nhỏ mũi dành cho người trưởng thành có chứa thành phần chính là Naphazolin. Việc sử dụng các thuốc này không đúng chỉ định có thể gây ngộ độc, với các triệu chứng chính như hạ nhiệt, tim đập chậm, ra mồ hôi, buồn ngủ, co giật, hôn mê. Trường hợp ngộ độc nặng, đặc biệt ở các bé dưới 3 tuổi, có nguy cơ bị đe dọa tính mạng.

Bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ viêm đường hô hấp, như chảy mũi, nghẹt mũi, hay khịt mũi, khiến trẻ khó chịu, khò khè, khó bú, quấy khóc, cha mẹ nên đưa đến bác sĩ nhi khoa để được khám và xác định bệnh. Tuyệt đối không dùng thuốc nhỏ mũi có tính chất co mạch, kháng viêm tại chỗ vì nguy cơ ngộ độc cho trẻ. Nước muối sinh lý là dung dịch an toàn nhất dùng nhỏ mũi, nhỏ tai, nhỏ mắt cho trẻ và không có tác dụng phụ.

Thu Giang (T/h)

BẢN DESKTOP