Thời đại công nghệ 4.0, người tiêu dùng dần trở nên ưa chuộng việc mua bán trên các trang thương mại điện tử như: Lazada, Shopee, Sendo, Tiki… Dù trở nên phổ biến vài năm trở lại đây, nhưng hình thức thương mại này đã khẳng định được lợi ích to lớn về tính tiện lợi, nhanh chóng và hiệu quả kinh doanh mang lại.
Hàng “fake”, hàng nhái tràn ngập
Bên cạnh những ưu điểm đó cũng xuất hiện không ít những nhược điểm. Nhiều khách hàng chia sẻ không ít chuyện “dở khóc, dở cười”, mà bản thân gặp phải khi mua hàng trên các trang thương mại điện tử.
Hàng nhái, hàng giả trên nền tảng thương mại điện tử. (Ảnh: Internet) |
Là một phụ nữ năng động, sành điệu và yêu thích thời trang, chị Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Công ty CP truyền thông Ánh Sáng (TP HCM) cho biết, chị không ngần ngại bỏ ra những số tiền lớn để tậu về cho mình những lọ nước hoa, mỹ phẩm đắt tiền tại các trung tâm thương mại lớn.
Tuy nhiên, thời gian vừa rồi do dịch COVID-19 hoành hành nên thay vì mua sắm tại các shop hàng hiệu hay trung tâm thương mại lớn, chị Tâm đã đặt mua trên trang thương mại điện tử một bộ mỹ phẩm của Chanel nhưng khi nhận với trực giác của người dùng hàng hiệu lâu năm chị Tâm nhận biết ngay đó là hàng giả mạo nhãn hiệu.
Ngay sau đó, chị Thanh Tâm điện thoại liên hệ lại với trang thương mại điện tử để khiếu nại nhưng đơn vị này giải thích giao dịch nằm ngoài hệ thống của trang nên không được hưởng chính sách trả hàng, hoàn tiền.
Ngay cả bà Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng TP HCM cũng từng chia sẻ, hầu hết sản phẩm hàng tiêu dùng hay đồ thời trang dù đăng tải hình ảnh trên các trang thương mại điện tử là sản phẩm chính hãng nhưng khi giao tới tay người tiêu dùng, chúng không có tem, nhãn mác theo đúng quy chuẩn.
“Tôi từng đặt mua yến sào trên Shopee, sản phẩm được giới thiệu là hàng chính hãng, nhưng khi nhận không phải là tổ yến thật mà được làm giả từ chất liệu khác và nguồn gốc không đúng như giới thiệu”, bà Thu chia sẻ.
Giày thể thao Adidas giả rao bán công khai trên trang thương mại điện tử. (Ảnh: Internet) |
Sự thật là ngày càng chọn mua hàng giả, hàng fake trên các trang thương mại điện tử dễ hơn chọn mua hàng thật. Gõ vào Google với từ khóa giày thể thao Adidas hay Nike; những sản phẩm hiển thị đầu tiên là hàng giả, fake với mức giá chỉ 200.000 - 300.000 đồng. Đối với những shop cam đoan hàng thật 100% thì giá cũng chỉ tương đương nửa giá chính thức và cũng không có gì chắc chắn là hàng thật mà không phải là fake 1, super fake.
Những mặt hàng thời trang khác như đồng hồ, mắt kính, quần áo cũng tương tự. Thậm chí, mặt hàng điện thoại di động cũng không ngoại lệ, điển hình như mẫu Nokia 8800 fake. Đáng chú ý, những mặt hàng fake này lại bán khá chạy nên số lượng shop rao bán hàng fake xuất hiện dày đặc trên các trang thương mại điện tử. Vô hình chung, nhiều người muốn mua hàng hiệu fake giá rẻ thì cứ lên các trang thương mại điện tử để gom hàng.
Ngày càng tinh vi, khó kiểm soát
Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), mỗi năm có khoảng 1.500 đơn khiếu nại của người tiêu dùng liên quan tới các giao dịch mua bán trên các nền tảng trực tuyến như hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và mua bán không có hóa đơn chứng từ. Thực trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng đang khiến người tiêu dùng ngày càng mất niềm tin vào các nền tảng bán hàng trực tuyến như: Facebook, Zalo, TikTok… và cả các sàn thương mại điện tử như: Lazada, Shopee, Sendo, Tiki…
Theo các chuyên gia, hiện mỗi sàn giao dịch thương mại điện tử có trên 5.000 thương hiệu và hàng nghìn đối tác kinh doanh đa dạng các mặt hàng. Về nguyên tắc hoạt động, các sàn giao dịch thương mại điện tử chủ yếu cho thuê “gian hàng” online. Do đó, sản phẩm không về kho chứa của bất kỳ sàn giao dịch nào nên không phát hiện được hàng hoá vi phạm.
Chưa kể, việc kiểm soát, định danh tài khoản người bán, đăng tải chào bán, chào mua chưa thật sự chặt chẽ, chưa thường xuyên, liên tục của các sàn giao dịch thương mại điện tử cũng được cho là một trong những “kẽ hở” để các đối tượng lợi dụng đưa hàng hóa vi phạm lên bày bán công khai trên các sàn này.
Hàng loạt các mặt hàng thời trang kinh doanh tại “TRANG NEMO STYLE” như túi, ví Gucci, Fendi, giầy dép Chanel, quần áo Louis Vuitton … đều có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam. (Ảnh: QLTT TP HCM) |
Bên cạnh đó, do nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng còn hạn chế, như biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng hoặc chưa đủ kỹ năng và thông tin để nhận biết.
Đáng quan ngại, có hiện tượng một số người nổi tiếng tiếp tay cho các đối tượng quảng bá những sản phẩm kém chất lượng trên các mạng xã hội làm cho công tác thực thi pháp luật, kiểm tra càng khó khăn hơn…