Trong nước

Hải Phòng: Không tuyển được thuyền viên, hàng trăm tàu cá nằm bờ

  • Tác giả : Thiên Di
Hàng trăm tàu đánh bắt cá phải nằm bờ nhiều tháng nay, không được phép ra khơi do không tuyển được các thuyền viên có đủ chứng chỉ chức danh theo quy định.
Về cảng cá Mắt Rồng (xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) những ngày này, có thể thấy hàng trăm tàu cá xếp cạnh nhau chật kín bến. Nguyên nhân là do các chủ tàu không thể tuyển được thuyền viên có các chức danh theo quy định.
Hai Phong: Hang tram tau ca phai nam bo, ngu dan nhu ngoi tren lua
Tàu cá nằm dài chờ vươn khơi
Theo Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18/1/2022, quy định đối với tàu cá có chiều dài từ 12m đến 15m phải có thuyền trưởng tàu cá hạng III, máy trưởng tàu cá hạng III; nhóm tàu cá có chiều dài từ 15m đến 24m phải có thuyền trưởng tàu cá hạng II, máy trưởng tàu cá hạng II; nhóm tàu cá có chiều dài trên 24m phải có thuyền trưởng tàu cá hạng I, thuyền trưởng tàu cá hạng II, máy trưởng tàu cá hạng I và thợ máy tàu cá. Nếu không có đủ các thuyền viên có chứng chỉ trên tàu sẽ không được ra khơi.
Một thuyền trưởng tàu cá cho biết, do không đủ điều kiện về chứng chỉ thuyền viên, tàu cá của gia đình ( dài 24,3m) đã phải nằm bờ nhiều tháng nay, ảnh hưởng lớn đến kinh tế. Nếu tình trạng này kéo dài, không có thu nhập để trả nợ ngân hàng, ngư dân sẽ lâm vào tình trạng khốn cùng.
Theo Trưởng liên tập đoàn Cá biển xã Lập Lễ Vũ Văn Cự, toàn xã có hơn 450 tàu cá, trong đó có hơn 250 tàu cá dài trên 15m. Trong nhiều năm qua, khu công nghiệp ngay cạnh xã có nhiều nhà máy mới đi vào hoạt động đã thu hút rất nhiều lao động vào làm, trong đó có cả lao động đi biển.
Hai Phong: Hang tram tau ca phai nam bo, ngu dan nhu ngoi tren lua-Hinh-2
Trong khi chờ tuyển đủ thuyền viên, hàng trăm tàu cá ở Lập Lễ đang nằm dài chờ được vươn khơi, còn ngư dân như “ngồi trên đống lửa”.
Trước kia mỗi nhân công đi biển có thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Nhưng do đặc thù công việc vất vả, nguy hiểm nên nhiều thanh niên đã chuyển sang làm tại các nhà máy, khu công nghiệp với thu nhập từ 9 - 12 triệu đồng/người/tháng.
Để duy trì việc đánh bắt cá, nhiều chủ tàu phải vào tận Thanh Hóa, Nghệ An để tuyển thuyền viên, nay cộng thêm quy định về chứng chỉ càng khiến việc vươn khơi của ngư dân thêm khó khăn.
Cũng theo ông Cự, mỗi tàu cá cỡ lớn trên 24m cũng chỉ có 6 - 8 thuyền viên. Thực tế là mỗi chủ tàu đều đã là thuyền trưởng hạng I. Các thuyền viên khác cũng chỉ là hỗ trợ vận hành cùng. Từ nhiều đời qua, dù không có chứng chỉ gì thì các tàu cá vẫn vận hành theo mô hình đó. Nay việc quy định chức danh cũng là điều cần thiết, tuy nhiên, để tạo điều kiện cho ngư dân bám biển, các quy định cần có lộ trình thực hiện căn cứ vào thực tế địa phương.
Theo ông Lê Trung Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng, việc ngư dân phản ánh khó tuyển thuyền viên do thiếu chứng chỉ không phải là do việc thực hiện Thông tư làm "rầy rà" thêm mà do sự dịch chuyển của đội ngũ lao động trong thành phố, khiến nhân lực lao động trong nghề cá bị suy giảm.
Hiện, đơn vị đang tham mưu cho thành phố tăng cường tạo điều kiện đào tạo chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng; hướng dẫn ngư dân tổ chức cho thuyền viên có nhu cầu tham gia học, thi để nhận chứng chỉ sớm phục vụ hoạt động sản xuất.
Trong khi chờ tuyển đủ thuyền viên, hàng trăm tàu cá ở Lập Lễ đang nằm dài chờ được vươn khơi, còn ngư dân như “ngồi trên đống lửa” vì sản xuất bị đình trệ nhưng nợ ngân hàng hàng tháng vẫn phải trả…
>>> Mời độc giả xem thêm video Điều 3 tàu và thủy phi cơ, cứu trợ khẩn cấp 2 tàu cá cùng 26 ngư dân gặp nạn trên biển:

(Nguồn: VTV TSTC)

Thiên Di

BẢN DESKTOP