Dữ liệu y khoa

Hãi hùng các ca dị vật thanh quản, thực quản

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Bệnh viện sản nhi Quảng Ninh vừa nội soi lấy ra cả chiếc kim băng trong thực quản bé 4 tuổi và bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ lấy ra mảnh xương gà kích thước lớn ở thanh quản của người đàn ông. Dị vật thanh quản rất dễ gây tử vong.

Mảnh xương gà mắc ở vị trí hiếm gặp

 Sáng ngày 11/3/2020 Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận người bệnh Hà Văn H. (45 tuổi, Thanh Sơn, Phú Thọ) được chuyển tuyến từ Trung tâm y tế huyện Thanh Sơn do ho, khó thở sau ăn thịt gà. 

Người bệnh được cấp cứu trong tình trạng khàn tiếng, khó thở, ho từng cơn, tím tái, có tiếng thở rít thanh quản. Sau khi nội soi hạ họng - thanh quản phát hiện thấy dị vật là mảnh xương gà sắc nhọn mắc kẹt tại tầng thanh môn – nằm giữa 2 dây thanh, sụn phễu, thanh thiệt phù nề, xoang lê ứ đọng nhiều dịch...

Dị vật được gắp ra là một mảnh xương gà kích thước 1x3cm, sắc nhọn, nhiều góc cạnh. Sau khi lấy dị vật ra khỏi thanh quản, người bệnh dễ chịu hết khó thở, đỡ khàn tiếng, không ho. Kiểm tra vùng thanh quản còn phù nề nhẹ. Người bệnh được dùng kháng sinh giảm nề, sau 1 ngày điều trị người bệnh được ra viện.

Chiếc xương gà trong thanh quản bệnh nhân đang được lấy ra

Chiếc xương gà trong thanh quản bệnh nhân đang được lấy ra

ThS.BS Nguyễn Thế Đạt – Phó trưởng khoa Liên chuyên khoa Mắt – Tai mũi họng – Răng hàm mặt cho biết: Dị vật đường thở là một tai nạn sinh hoạt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, đây là trường hợp xương mắc ở vị trí hiếm gặp, khó gắp, do người bệnh kích thích, khó thở nhiều và dị vật ở thanh môn, nằm giữa 2 dây thanh âm, là cửa ngõ của đường hô hấp dưới, dễ gây tai biến suy hô hấp cấp.

Kim băng mở cắm thành thực quản

Ngày 15/03/2020, các bác sĩ khoa khám bệnh đã phải nội soi gắp thành công chiếc kim băng trong thực quản cho bé Vũ Thu N.(04 tuổi, Cẩm Phả tỉnh Quảng Ninh)  Kết quả khám lâm sàng cho thấy hình ảnh dị vật là một chiếc kim băng đang mở, một đầu nhọn đang cắm vào thành thực quản của trẻ.

Hình ảnh kim băng nằm ở thực quản bệnh nhi

Hình ảnh kim băng nằm ở thực quản bệnh nhi

Kíp phẫu thuật tiến hành dùng kìm đẩy đầu nhọn của kim thoát khỏi thành thực quản, sau đó kẹp lấy đầu nhọn của dị vật rồi kéo ra ngoài. Hiện trẻ đã thở dễ, sinh hoạt ăn uống không còn trở ngại và sẽ được cho xuất viện trong nay mai.

BS Phạm Đăng Hùng , Bệnh viện sản Nhi Quảng Ninh cho biết, trường hợp của bé N. thật may mắn khi kim loại nhỏ, bác sĩ đẩy đầu nhọn ra khỏi thành thực quản, sau đó túm lấy cái đầu nhọn ấy để nó không gây tổn thương thêm cho thực quản. Tránh cho bé một ca phẫu thuật nguy hiểm.

Chiếc kim băng đang được lấy ra

Chiếc kim băng đang được lấy ra

PGS.TS Nguyễn Ngọc Dinh, nguyên Viện trưởng Viện Tai mũi họng T.Ư cảnh báo, khi trẻ bị hóc dị vật thường xảy ra hai tình huống, làm nghẹn đường ăn gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm trung thất, áp xe trung thất...và tử vong; nhưng nếu rơi vào đường thở trẻ có thể tử vong nhanh chóng trong vài phút. Trường hợp may mắn thoát khỏi tình trạng chết ngạt thì để lại di chứng nặng nề. Trẻ bị ngừng thở kéo dài sẽ gây ra tình trạng thiếu oxy não dẫn đến di chứng não, sống đời sống thực vật. Thực tế, nhiều bà mẹ không nhận biết được khi trẻ bị dị vật đường thở nên không ít trường hợp dẫn đến ngưng thở trước khi đến bệnh viện hoặc đưa đến bệnh viện rất muộn khi trẻ bị viêm phổi kéo dài, ápxe phổi, viêm mủ màng phổi rất khó chữa trị.

PGS.TS Dinh cảnh báo, để tránh bị hóc dị vật, người lớn cần tập cho trẻ thói quen ăn trong yên tĩnh, không đùa nghịch. Không cho trẻ nghịch những đồ chơi tròn, nhỏ, không nên cho trẻ đeo vòng có hạt. Chưa kể thức ăn thông thường cũng có thể trở thành dị vật nếu như trẻ đang ăn mà khóc. Tuyệt đối không được bịt mũi trẻ khi trẻ đang ăn. Khi trẻ bị hóc dị vật cần nhanh chóng đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế nơi gần nhất, tuyệt đối không được dùng cách chữa mẹo, ăn cơm nóng, uống nước hoặc cho tay vào miệng trẻ để móc ra. Biện pháp này vô tình lại đẩy dị vật vào sâu hơn, nhất là dị vật tròn thì càng nguy hiểm.

 “Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở, phải nhanh chóng xử trí không để trẻ bị ngạt thở. Nếu trẻ nói được, khóc được, đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được khám và gắp dị vật ra. Nếu trẻ khó thở nặng, tím tái, vật vã, hôn mê, hãy thực hiện ngay thao tác đặt trẻ nằm đầu thấp, sấp trên một tay, tay kia vỗ mạnh vào lưng trẻ tạo áp lực trong lồng ngực để đẩy dị vật ra. Với trẻ lớn hơn, các bậc phụ huynh ôm lấy ngang bụng trẻ, ép bụng trẻ lại, dị vật vọt ra dễ dàng, sau đó đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất” – PGS.TS Nguyễn Ngọc Dinh  

Thúy Nga

BẢN DESKTOP