Y học và đời sống

Hắc lào có kiêng nước?

Bệnh hắc lào là một bệnh da liễu phổ biến và không gây nguy hiểm. Vì thế nhiều người ít quan tâm đến chế độ dinh dưỡng khi mắc hắc lào. Tuy nhiên, nguyên nhân bệnh hắc lào thường tái phát nhanh có liên quan mật thiết với chế độ ăn uống. Vậy khi bị hắc lào kiêng ăn gì?

Hắc lào có thể bị ở nhiều vị trí.

Hỏi: Tôi bị hắc lào ở cánh tay nhưng chữa mãi không khỏi. Mọi người bảo do tôi cứ để nước ngấm vào vết thương nên lâu khỏi.  Xin hỏi có phải kiêng nước không và nên chữa như thế nào?

Văn Tuấn Sơn (TP Hải Dương)

TS Lê Thị Thanh Nhạn cho biết: Về nguyên tắc, vùng da bị hắc lào là một dạng vết thương. Do đó cũng sẽ có cơ chế hình thành như những vết thương thông thường như bị bội nhiễm, thâm, sẹo lồi…Vì thế cần có chế độ ăn uống kiêng khem như những vết thương hở.

“Hắc lào” thường do các chủng nấm dermatophyte gây nên. Người hay ra nhiều mồ hôi, dùng nhiều xà phòng có thể mang bệnh. Do nấm này rất phát triển trong môi trường kiềm. Khi mới bị, các vùng da đỏ lên, có thể ngứa hoặc hơi rát. Sau đó xuất hiện các tổn thương da như sẩn, mụn nước. Càng gãi và chà xát thì tổn thương càng lan rộng ra. Bệnh lây cho người khác vì thế không dùng chung quần áo, khăn tắm, chậu tắm. Không gãi, làm nước chảy vào những nơi khác.

Cách điều trị bệnh này, bạn vẫn phải thường xuyên tắm rửa nhẹ nhàng bằng xà phòng diệt nấm như sastid, nizorale, kara hoặc bằng chanh hoà loãng với nước. Nhưng sau khi tắm rửa hoặc khi bị ra nhiều mồ hôi, bạn phải lau bằng khăn khô ngay và không tự ý bôi các thuốc không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Bôi các thuốc chứa hoạt chất diệt nấm như: fungiderm, nizorale, lamisin… ngày 2 lần trong 2 – 4 tuần.

PH (ghi)

BẢN DESKTOP