Khám phá

Hà Tông Mục – mẫu mực của đạo làm quan – Kỳ 3: Lòng nhân vang rộng khắp nơi

Những chữ trong bia Sùng Chỉ trong đền thờ ông quá đủ để hậu thế khẳng định, Hà Tông Mục là  mẫu mực của đạo làm quan, sự toàn vẹn riêng, chung trong con người ông là mẫu mực của đạo làm người

Bia Sùng Chỉ ghi công đức của Hà Tông Mục.

Thơ tặng xứ thần

Về thơ văn, Hà Tông Mục để lại không nhiều. Hiện chỉ mới sưu tập được bài văn bia do ông soạn ở chùa Hòe Nhai, tức Hồng Phúc tự (nay vẫn còn tại phố Hàng Than, quận Ba Đình, Hà Nội).

Bia hai mặt, tên bia là: Phúc diễn vô cương – Thịnh đức hoằng công. Văn bia còn bài minh làm theo lối độc vận, 160 câu, là bài văn biền ngẫu đặc sắc, ca ngợi công đức của Phật tử, hoằng dương giáo lý Phật pháp.

Đặc biệt, bia có ghi lại được địa danh cổ Đông Bộ Đầu, nơi diễn ra trận đánh quyết định đánh bật quân Nguyên ra khỏi Thăng Long, trong kháng chiến năm 1258 chống Nguyên lần thứ nhất của vua tôi nhà Trần; lời văn giản dị mà triết lý sâu sắc.

Năm 1704, được cử đi sứ sang Trung Quốc, ông có gặp gỡ Sứ thần nước Triều Tiên và có thơ xướng họa cùng họ. Bài thơ này được Từ Thế Xương, người Trung Quốc sưu tập trong bộ Vãn tinh di thi hội, cùng một số nhà thơ Việt Nam khác.

Thơ viết tặng Sứ thần Triều Tiên viết: Trung Nguyên, muôn dặm cùng ruổi rong – Mới vừa đàm thoại ý chí thông – Đạo lý thâm sâu xưa vẫn một – Y quan lễ nhạc cũng tương đồng – Kính uy cẩn thận trầu đúng phép – Sĩ về triều tụ cảnh thịnh trông – Nước chảy non cao cầm xưa vọng – Tri âm còn có Tử Kỳ không.

Dịch thơ: Đất Trung Nguyên, muôn vạn dặm cùng rong ruổi – Mới đứng đàm thoại một lát thấy chí ý rất đặc biệt – Nhưng đạo lý thâm sâu thì xưa vẫn là một –  Lễ nhạc y quan lại cũng có sự tương đồng phù hợp – Sợ uy trời mà các bên đều kính cẩn hầu trầu đúng phép – Sai kẻ sĩ cùng về triều tụ cảnh thịnh trị nơi vương hội – Nước chảy non cao tiếng đàn cầm xưa như vọng lại – Trên đời tri âm có thấy có Tử Kỳ nữa hay không.

Hiện tượng hiếm có trong lịch sử

Từ năm Ất Mão (1675), sau khi đỗ đầu khoa thi Hương đến năm 1707, trải qua 32 năm làm quan, Hà Tông Mục đã dốc hết tâm sức cho non sông đất nước. Ông là một vị tướng lĩnh tài ba, một nhà ngoại giao xuất sắc, một người viết sử chỉn chu, trung thực. Ông là một trong những tác giả của “Đại Việt sử ký tục biên”, bộ sử lớn của nhà nước phong kiến thời Lê được lưu truyền đến ngày nay.

Song, điều mà hậu thế tôn vinh bậc công thần Hà Tông Mục là tấm lòng ân tình và tư tưởng dân chủ, công bằng, yêu thương con người bao la của ông. Ông là một hiện tượng hiếm có trong lịch sử, vì khi còn sống, nhân dân quý trọng, yêu thương mà lập đền thờ gọi là Sinh từ.

Trong bia “Sùng Chỉ” ở ngôi đền còn lưu đến ngày nay, có đoạn viết: “Công (tức Hà Tông Mục) đối với quê hương ơn sâu, đức dày, có nhiều công ngăn trừ tai họa, xóm làng đều bội phục, xin tôn thờ công và phu nhân làm hương tổ phụ mẫu…”

Đáp lại thịnh tình này, Hà Tông Mục nói: “Việc trung cần đối với nước, việc hiếu thuận đối với nhà, ăn ở hòa mục với dân làng là chức phận đương nhiên của tôi vậy. Sau này kẻ hậu sinh có chí thì noi theo, có lòng thì cảm nhận. Ngày nay mọi người đã suy nghĩ như vậy (lập sinh từ) cũng là lẽ trời, lòng người. Nay xin tự tạ”.

Từng ấy chữ cũng quá đủ để hậu thế khẳng định, Hà Tông Mục là  mẫu mực của đạo làm quan, sự toàn vẹn riêng, chung trong con người ông là mẫu mực của đạo làm người.

Xin mượn lời người xưa viết về ông trong bia “Sùng Chỉ” để thay lời kết: “Hà Tông Mục là bậc kiện tướng chốn khoa trường, bậc minh hương nơi văn tự…, lòng nhân vang rộng khắp, dồn sức lực vào việc quốc gia, kính trời, thương người … Công lao khắp xã tắc, khắc chữ vào vạc, ghi tên lên cờ để chiếu sáng cho hậu thế và lưu đến vô cùng…”

 Nguyễn Thành Trung

BẢN DESKTOP