Khám phá

Hà Tông Mục – mẫu mực của đạo làm quan – Kỳ 2: Được thờ sống

Hồ Tông Mục là một trong số rất ít người được dân làng quê hương  lập miếu thờ ngay khi ông còn sống, lúc 42 tuổi. “Thờ sống” là một tục lệ, một sự tôn vinh của dân ta trước đây đối với những người có công lao đối với dân, với nước.

Nhà Thờ Hà Tông Mục.

Được thờ lúc sống

Đánh giá công trạng của Hà Tông Mục, các triều Lê, Nguyễn đã ban tặng 8 đạo sắc phong. Sắc phong năm Chính Hòa 14 (1693) đời vua Lê Hy Tông viết: “Sắc phong Hà Tông Mục, người có tâm thuật, giỏi gánh việc công, am tường từ chương”.

Sắc phong năm Vĩnh Thịnh thứ 3 (1707) thời vua Lê Dụ Tông viết: “Sắc phong Quang tiến Vĩnh Lộc đại phu Bồi tụng, Hình bộ tả thị lang Hoan Lĩnh nam Hà Tông Mục, dự trúng Tiến sĩ, trải giữ các chức, phụng sự lâu năm, đi sứ phương Bắc, chăm lo việc nước có công, nay mất tại chức, thực đáng xót thương. Chuẩn y tặng: Đặc tiến Kim tử Vinh Lộc đại phu, Công bộ Thượng thư, Hoan Lĩnh tử, đặt thụy là Mẫn Đạt”.

Ở quê ông, nhân dân lập miếu thờ, tôn ông làm ông tổ của làng. Do những cống hiến đặc biệt xuất sắc của ông, dân làng quê hương ông lập miếu thờ ông có tên đền Sinh Từ, đặc biệt được lập ngay khi ông còn sống lúc 42 tuổi. “Thờ sống” bằng tình cảm hay dựng đền thờ thật thờ người lúc sống là một tục lệ, một sự tôn vinh của dân ta trước đây đối với những người có công lao đối với dân, với nước. Thờ, phong thần sau lúc mất thì nhiều, nhưng được thờ lúc sống thì rất ít. Hà Tông Mục là một trong số ít người được thờ sống.

 Ngày 22/01/1999, đền thờ Hà Tông Mục ở quê ông được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích văn hóa cấp quốc gia. Cũng tại quê hương ông, một trường học phổ thông được mang tên ông: Trường Tiểu học Hà Tông Mục.

Nhớ về hai người mẹ

Hà Tông Mục là tấm lòng ân tình và tư tưởng dân chủ, công bằng, yêu thương con người bao la. Hà Tông Mục không coi bản thân mình là trọng. Cái đáng trọng là lẽ trời, lòng người. Cái điều ông muốn hậu sinh cảm nhận và noi theo cũng chính là chỗ đó.

Hà Tông Mục mất ở tuổi 55, cái tuổi đã “tri thiên mệnh”. Ðiều ông nhớ đầu tiên là nhớ về hai người mẹ. Đoạn trích trong di chúc ông viết: “Danh vọng và sự nghiệp của ta là nhờ ở hai người mẹ. Một bà sinh ra ta và một bà họ Ðỗ (mẹ vợ) cần được ghi nhận và tế tự cùng tổ tiên muôn đời”.

Ðoạn di chúc về hai bà vợ, ông viết thật cảm động: “Hai bà vợ của ta, một người là con gái trưởng dòng họ Vũ ở thôn Thuần Chân, xã Nội Thiên Lộc là Vũ Thị Lâm, hiệu Từ Tĩnh, từ thuở nhỏ đã kết tóc xe duyên cùng ta, theo chồng làm lụng, trông nom cửa nhà; một người là con gái trưởng của quan huyện thừa Thanh Hà (Hải Dương), họ Vũ, quê ở xã Ngọc Trì, huyện Lang Tài, thuộc Kinh Bắc…

Xưa kia phụ thân ta giỏi về phương pháp chữa bệnh, nhân khi chữa khỏi bệnh cho họ, họ muốn gả con gái cho ta. Khi ta xa cách gia đình, muốn gả con gái cho người khác, nhưng vợ ta giữ nghĩa nhất định không chịu…

Bà nhạc mẫu họ Ðỗ của ta, khi ta đi du học ở kinh đã chăm lo cho ta mọi việc học hành, sách vở, quần áo cho đến dụng cụ học tập nhất nhất đều lo liệu chu đáo. Ðợi đến 10 năm, khi con gái lớn lên mới gả cho ta. Công lao đầy tình nghĩa ấy không bao giờ ta quên được”.

(còn nữa)

 Nguyễn Thành Trung

BẢN DESKTOP