Trong nước

Hạ tinh hoàn ẩn sớm cho trẻ tránh ung thư, vô sinh

  • Tác giả : Thúy Nga
Phụ huynh cần lưu ý và kiểm tra sớm các bất thường vùng bẹn bìu cho bé trai để điều trị kịp thời, tránh những tác hại không mong muốn về sau.

Khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa tiếp nhận và điều trị cho bé trai Đ.Q.K (3 tuổi, Nghệ An) bị bệnh tinh hoàn trái chưa xuống bìu. Đây là một trong số rất nhiều trường hợp được phẫu thuật hạ tinh hoàn ẩn thường quy ngay tại khoa.

Bé trai Đ.Q.K được gia đình phát hiện không có một bên tinh hoàn bẩm sinh, chưa điều trị gì, nay gia đình quyết định đưa bé đến bệnh viện khám và điều trị.

Vào khoa Ngoại tổng hợp, bé được các bác sĩ thăm khám, siêu âm kiểm tra, và phát hiện tinh hoàn nằm lạc chỗ trong ống bẹn. Qua hội chẩn chuyên khoa, bác sỹ chỉ định phẫu thuật hạ tinh hoàn xuống bìu cho trẻ.

Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi trong khoảng thời gian hơn 40 phút. Tinh hoàn lạc chỗ được các bác sĩ phẫu thuật tiến hành bóc tách, giải phóng khỏi tổ chức xung quanh, sau đó tạo đường hầm đưa tinh hoàn xuống bìu qua ống bẹn, tạo khoang chứa tinh hoàn trong bìu và cố định tinh hoàn ở bìu.

Quá trình chăm sóc sau mổ, trẻ phục hồi nhanh chóng, mức độ đau không đáng kể. Chỉ sau 5 ngày chăm sóc hậu phẫu, trẻ được xuất viện về với gia đình.

Thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật - Ảnh BVCC

Thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật - Ảnh BVCC

Theo BSCKII. Đậu Anh Trung, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp cho biết: Tinh hoàn ẩn thường gặp ở trẻ sinh non (lên tới 33%), và gặp cả ở trẻ đủ tháng (khoảng 3%). Ẩn tinh hoàn có 3 loại: Tinh hoàn ẩn không sờ thấy (tinh hoàn đang nằm ở ổ bụng), Tinh hoàn ẩn sờ thấy (tinh hoàn nằm trong ống bẹn) và tinh hoàn lạc chỗ (tinh hoàn đã qua lỗ bẹn sâu nhưng không nằm trong ống bẹn).

Đối với từng loại và từng bệnh nhân thì các bác sĩ sẽ lựa chọn phẫu thuật thích hợp như: nội soi hạ tinh hoàn 1 thì, 2 thì, mổ mở hạ tinh hoàn...

Tinh hoàn ẩn hiếm khi tự di chuyển xuống bìu sau khi trẻ đạt 6 tháng tuổi. Vì vậy, trẻ được chẩn đoán tinh hoàn không xuống bìu thường được chỉ định mổ sớm (lý tưởng nhất là 6 tháng – đến 18 tháng tuổi), để tránh nguy cơ xoắn tinh hoàn, ung thư hoá, giảm phát triển tinh hoàn, vô sinh…

Vì vậy, phụ huynh cần lưu ý và kiểm tra sớm cho trẻ. Một khi phát hiện các bất thường vùng bẹn bìu, cần đưa trẻ đi khám sớm ở các chuyên khoa có kinh nghiệm về bệnh trẻ em, đặc biệt là Ngoại khoa trẻ em để được tư vấn sớm và điều trị kịp thời, tránh những tác hại không mong muốn về sau.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP