Môi trường

Hà Tĩnh: “Hô biến” đất rừng thành trại nuôi lợn?!

  • Tác giả : Trần Quốc
Dù chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, nhưng hộ gia đình ông Phạm Văn Vũ (xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vẫn ngang nhiên xây dựng trang trại nuôi lợn trái phép trên đất rừng sản xuất…
Hệ thống chuồng trại được xây dựng quy mô, kiên cố…

Hệ thống chuồng trại được xây dựng quy mô, kiên cố…

Thời gian qua, người dân xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) rất bức xúc về việc một trang trại nuôi lợn được xây dựng “trái phép” trên đất rừng sản xuất, tuy nhiên chính quyền địa phương không vào cuộc xử lý. Điều đáng nói, chủ trang trại này là ông Phạm Văn Vũ (con ông Phạm Thái Hoa - Chủ tịch UBND xã Lâm Hợp).

Nhận được tin báo, chúng tôi đã tìm về thôn Đông Hà, xã Lâm Hợp để tìm hiểu, ghi nhận sự việc. Theo đó, trang trại nuôi lợn tự phát này được xây dựng vào năm 2021, nằm sát vách khu dân cư và chỉ cách trụ sở UBND xã Lâm Hợp khoảng 1km.

Trang trại nuôi lợn được xây dựng “trái phép” trên đất rừng sản xuất.

Trang trại nuôi lợn được xây dựng “trái phép” trên đất rừng sản xuất.

Tại hiện trường, trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Vũ được xây dựng kiên cố với quy mô lớn lên đến hàng nghìn mét vuông, có đầy đủ chuồng trại, hệ thống bể chứa nước thải, cùng nhiều hạng mục phụ trợ khác…“Trại lợn trái phép này đã tồn tại được gần 2 năm, không hiểu vì sao chính quyền chưa xử lý?. May là thời gian này họ đang tạm nghỉ, chứ trước đây nuôi lợn nhiều nên ô nhiễm, hôi thối lắm…”. Một người dân bức xúc.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tú Linh - Cán bộ địa chính xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh, cho biết: “Tôi mới chuyển về đây công tác nên cũng chưa nắm được hết sự việc. Chỉ biết đây là trại chăn nuôi lợn của ông Phạm Văn Vũ - con đồng chí Chủ tịch UBND xã…”.

Theo bản đồ thể hiện gia đình ông Phạm Văn Vũ được nhà nước cấp 33606.2m2 đất rừng sản xuất.

Theo bản đồ thể hiện gia đình ông Phạm Văn Vũ được nhà nước cấp 33606.2m2 đất rừng sản xuất.

Còn ông Đào Kim Soa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), cho hay: “Vừa rồi, chúng tôi có nhận được ý kiến của cử tri về việc xả thải ra ngoài gây ô nhiễm môi trường. Để có cơ sở xử lý, tôi đã trao đổi với thôn làm kiến nghị để Hội đồng đi kiểm tra, phối hợp xử lý…”.

Trước sự việc này, phóng viên đã thông tin tới lãnh đạo phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Kỳ Anh. Ngay sau đó, đơn vị này đã cử cán bộ xuống địa bàn kiểm tra, đồng thời yêu cầu UBND xã Lâm Hợp báo cáo toàn bộ vụ việc.

Khoa học và Đời sống sẽ tiếp tục thông tin.

Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, việc chuyển đất rừng sản xuất là rừng trồng sang mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta; Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 05 héc ta; Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 05 héc ta trở lên.

Ngoài ra, buộc người vi phạm phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm./.

Trần Quốc

BẢN DESKTOP