Dữ liệu y khoa

Hạ thân nhiệt để hồi sinh bệnh nhân ngừng tuần hoàn

  • Tác giả : BS Đình Khánh
(khoahocdoisong.vn) - Điều trị hạ thân nhiệt (HTN) đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và cải thiện chức năng thần kinh trung ương ở những bệnh nhân sau ngừng tuần. Hiện nay, kỹ thuật này được đưa vào quy trình cấp cứu hồi sinh bệnh nhân ngừng tuần hoàn và được áp dụng rộng rãi.

Hạ thân nhiệt là kỹ thuật giúp bệnh nhân giảm tử vong và các di chứng thần kinh sau ngừng tuần hoàn. Kỹ thuật được dùng cho các bệnh nhân sau ngừng tuần hoàn đáp ứng 3 tiêu chuẩn: Bệnh nhân đã được đặt nội khí quản và được bắt đầu tiếp nhận điều trị hạ thân nhiệt trong vòng 6 tiếng sau ngừng tuần hoàn (hiện đang không có cơn nhanh thất hay rung thất); Huyết áp tâm thu duy trì trên 90mmHg (có hoặc không dùng thuốc vận mạch); Bệnh nhân vẫn còn trong trạng thái hôn mê từ thời điểm sau ngừng tuần hoàn và trong quá trình tiến hành HTN.

Đây là kỹ thuật không có chống chỉ định tuyệt đối nhưng cần thận trọng trong các trường hợp chảy máu đe dọa đến tính mạng, có bệnh lý rối loạn đông máu trước đó, sốc tim nặng, nhiễm trùng. Có thể tiến hành sau khi đã đảm bảo được huyết động, điều chỉnh rối loạn đông máu, xử lý các ổ nhiễm trùng khu trú. Lưu ý với bệnh nhân bị nhiễm trùng ngoài da diện rộng có nguy cơ tổn thương do miếng dán arcticgel pads, nên lựa chọn phương pháp hạ thân nhiệt nội mạch.

Các phương pháp hạ thân nhiệt gồm:

Hạ thân nhiệt bề mặt: Sử dụng nước lạnh, chăn lạnh hoặc miếng dán với thiết bị trao đổi nhiệt, hạ nhiệt khu trú bằng mũ…

Hạ thân nhiệt bên trong: Kiểm soát thân nhiệt nội mạch qua catheter chứa dung dịch lạnh đưa vào tĩnh mạch trung tâm hoặc truyền dịch lạnh vào tuần hoàn chung.

Các giai đoạn của quá trình HTN: Giai đoạn 1 hạ thân nhiệt nhanh. Bằng phương pháp hạ thân nhiệt được lựa chọn, nhiệt độ trung tâm cơ thể nhanh chóng được đưa đến mức mục tiêu (32 - 36°C) trong khoảng thời gian thường là từ 1 - 3 tiếng. Giai đoạn 2 duy trì thân nhiệt mục tiêu. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân và chiến lược của từng trung tâm hồi sức mà nhiệt độ trung tâm mục tiêu của bệnh nhân có thể được duy trì trong 24 - 48 tiếng. Giai đoạn 3 làm ấm trở lại. Mức tăng thân nhiệt mỗi 0.25 - 0.5°C một giờ được áp dụng để tránh biến chứng phù phổi cấp hay rối loạn huyết động do tăng thân nhiệt đột ngột gây ra. Giai đoạn 4 duy trì thân nhiệt bình thường. Trong giai đoạn này nhiệt đột trung tâm cơ thể được duy trì từ 36.5 - 37.5°C trong khoảng thời gian 24 tiếng.

Hiện nay, Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 đã triển khai kỹ thuật hạ thân nhiệt áp dụng phương pháp hạ thân nhiệt bề mặt với tấm dán arcticgel pads qua hệ thống quản lý nhiệt độ ARCTIC SUN. Phương pháp này có ưu điểm là không xâm nhập, có thể nhanh chóng triển khai trên bệnh nhân nhân, đảm bảo đạt được thân nhiệt mục tiêu nhanh và duy trì thân nhiệt tốt. Thành công trong áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt sẽ góp phần cứu sống các bệnh nhân tổn thương não cấp sau ngừng tuần hoàn, cũng như sau chấn thương sọ não hoặc tai biến mạch não.

BS Đình Khánh (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

BS Đình Khánh

BẢN DESKTOP