Đời sống

Hà Nội tuyên dương các gia đình tiêu biểu sinh con gái một bề

Hưởng ứng Ngày Quốc tế Trẻ em gái (11/10), Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với UBND quận Ba Đình tổ chức hội nghị biểu dương các gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách dân số, có con gái chăm ngoan, học giỏi trên địa bàn quận.

Từ lời kêu gọi phải bảo đảm trẻ em gái toàn cầu được thụ hưởng sự tiến bộ và công bằng xã hội của Tổ chức Lao động Quốc tế, Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 11/10 hàng năm là “Ngày quốc tế trẻ em gái” (International Day of the Girl). Theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế, có khoảng 88 triệu lao động trẻ em trên thế giới là các bé gái. Các em phải làm việc trong môi trường kém an toàn, nhận đồng lương rẻ mạt và bị đối xử bất bình đẳng giới.

Báo cáo của Sở Y tế cho thấy, hàng năm, Thành phố Hà Nội đã triển khai hàng chục mô hình chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên; truyền thông hơn 300 cuộc có nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ em gái, phòng chống tác hại của xâm hại tình dục đối với trẻ em gái; xây dựng và triển khai nhân rộng các câu lạc bộ gia đình sinh con một bề gái, các mô hình chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân…

Đặc biệt, trong đợt cao điểm của chiến dịch truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh, hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10 và tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam năm nay, Hà Nội đã phát động và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, cổ động… để tăng cường thông tin, nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ, trẻ em gái, xóa bỏ bất bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu mất MCBGTKS. Kết quả 9 tháng đầu năm 2017, tỷ số giới tính khi sinh là 113,1 trẻ trai/ 100 trẻ gái.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, công tác dân số ở Thủ đô vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: Quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng, dân trí không đồng đều, nhận thức và tâm lý muốn có nhiều con và thích có con trai đang là nguyên nhân dẫn đến tình trạng MCBGTKS ở mức cao.

Tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên, thanh niên còn cao; phá thai lặp lại khá phổ biến; tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát khá cao, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản – kế hoạch hóa gia đình đến các đối tượng còn một số hạn chế; thanh niên và vị thành niên phải đương đầu với những nguy cơ và thử thách liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục như thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết để chăm sóc bản thân…

Để khắc phục những tồn tại trên, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh đề nghị, trong thời gian tới, các cấp, ngành cần tiếp tục tuyên truyền về  các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi như: Pháp lệnh Dân số, Nghị định số 104/2013/NĐ ngày 16/9/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Pháp lệnh Dân số, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế nhằm nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về cấm lựa chọn giới tính thai nhi.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng MCBGTKS. Vận động từng bước thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái của một bộ phận không ít người dân. Phổ biến các luật nhằm nêu cao vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện nay như Luật bình đẳng giới; Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật hôn nhân và gia đình nhằm thúc đẩy cộng đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái và phụ nữ nói chung, đặc biệt là trẻ em gái của các gia đình sinh con một bề là gái. TS. Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Ban tổ chức đã biểu dương 100 gia đình sinh con một bề gái tiêu biểu của quận Ba Đình.

“Từ năm 2012, Ngày Quốc tế trẻ em gái được tổ chức kỷ niệm trên toàn thế giới, năm nay, chủ đề của Ngày Quốc tế trẻ em gái là “Hãy tạo mọi điều kiện thuận lợi để trẻ em gái tạo dựng và phát huy vị thế xứng đáng trong xã hội”. Trẻ em gái vị thành niên cần phải được quan tâm, tạo điều kiện để có thể bước vào giai đoạn trưởng thành một cách an toàn và khỏe mạnh. Các em cũng cần phải có cơ hội để có được tương lai tươi sáng.

Các nhà lãnh đạo và cộng đồng phải tập trung và bảo vệ quyền của trẻ em gái vị thành niên thiệt thòi nhất, đặc biệt là trẻ em nghèo, thất học, bị bóc lột hoặc bị áp đặt bởi những hủ tục, trong đó có nạn tảo hôn. Hãy để trẻ em gái vị thành niên được học tập, chăm sóc sức khỏe và không bị bạo hành. Hãy để trẻ em gái vị thành niên được hưởng các quyền của mình, được hiện thực hóa mong ước của các em và thay đổi thế giới của chúng ta. Hãy đầu tư cho y tế và giáo dục dành cho trẻ em gái vị thành niên và phụ nữ để tạo cơ hội cho các em phát huy trọn vẹn năng lực bản thân”.

Anh Minh

BẢN DESKTOP