Giải pháp

Hà Nội trông chờ gì ở những nhà máy xử lý nước thải?

  • Tác giả : Hồng Nhung
(khoahocdoisong.vn) - 2 nhà máy xử lý nước thải Yên Sở và Yên Xá được kỳ vọng sẽ hồi sinh 5 con sông (Kim Ngưu, Sét, Lừ, Tô Lịch và sông Nhuệ) trên địa bàn Hà Nội.

Tín hiệu từ Nhà máy nước thải Yên Xá

Dự án này nằm trong gói thầu số 2 của Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá. Hồi tháng 5/2020, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội đã tiến hành động thổ gói thầu này.

Hiện nay, việc thi công cống ngầm đang được thực hiện trên đoạn sông từ đường Hoàng Quốc Việt đến Nguyễn Đình Hoàn. Hệ thống cống bao quanh sông Tô Lịch này được lắp đặt bằng công nghệ khoan kích ngầm của Nhật Bản. Đây là công nghệ lần đầu tiên áp dụng tại Hà Nội, bảo đảm việc thi công các hạng mục cống thoát nước có độ sâu dưới 5m không làm ảnh hưởng đến các công trình lân cận, không cần giải phóng mặt bằng, hạn chế ảnh hưởng tới giao thông và sinh hoạt của người dân trong khu vực dự án.

Sông Tô Lịch có chiều dài khoảng 14km, toàn tuyến sông có hơn 280 cửa xả nước thải. Ước tính, mỗi ngày sông Tô Lịch phải hứng chịu 150.000m3 nước thải. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến con sông bị “bức tử“.

Thực tế nhiều năm qua, việc xả thải, nước thải xuống các con sông không chỉ bức tử sông Tô Lịch, mà đang khiến nhiều con sông khác của Hà Nội thành những con sông chết. Tuy đã có nhiều biện pháp nhằm cứu vãn tình hình, tuy nhiên đều chưa có một biện pháp nào thể hiện sự hiệu quả rõ rệt.

Ví dụ như phương pháp Nano-Bioreactor của Công ty Việt Nhật (JVE) thí điểm tại sông Tô Lịch. Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho rằng, việc thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ nano chưa thành công và thành phố sẽ thực hiện dự án xây dựng cống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch, đưa về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.

Chính quyền Hà Nội đang kỳ vọng dựng hệ thống cống ngầm tách nước thải ra khỏi sông Tô Lịch là bước đầu tiên trong quá trình hồi sinh các con sông này.

Gói thầu số 2 xây dựng hệ thống cống bao quanh sông Tô Lịch và cống chính, dài hơn 21 km, thu gom nước thải từ các quận: Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai. Hệ thống cống gom nước thải này sẽ gom nước thải dẫn về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đặt ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì để xử lý. Hiện nay, gói thầu số 1 xây dựng nhà máy đã được thi công xong phần ngầm và 30% phần nổi.

Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá là một trong những dự án quy mô lớn nhất và mang tính cấp bách của Hà Nội về xử lý nước thải. Nhà máy được kỳ vọng sẽ tiếp nhận và xử lý nước thải của 7 quận, huyện trên địa bàn và toàn bộ nước thải ở sông Tô Lịch, tạo tiền để để hồi sinh con sông này sẽ hồi sinh. Đây cũng là mong mỏi, chờ đợi của rất nhiều người dân Thủ đô trong thời gian qua.

Hiệu quả của nhà máy xử lý nước thải Yên Sở

Trước Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, Hà Nội đã có 5 nhà máy xử lý nước thải khác để phục vụ xử lý nước thải trên địa bàn. Tuy nhiên, tính hiệu quả của các dự án xử lý nước thải Hà Nội hiện nay là chưa cao. Hiện tượng nhiều nhà máy xử lý nước thải có công suất dư thừa, hoạt động cầm chừng là khá phổ biến.

Ví dụ như nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây của Hà Nội, bao gồm cả hệ thống cống thu gom, công suất thiết kế 33.000m3/ngày, tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, đã hoàn thành cuối năm 2015, nhưng xung quanh Hồ Tây vẫn có gần 30 miệng xả hàng ngày khoảng 1.000m3 nước thải trực tiếp vào hồ.

Trước dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, Hà Nội cũng từng rất kỳ vọng và dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Sở để thu gom, xử lý nước thải cho khu vực Nam Hà Nội. Tương tự Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở trị giá 233 triệu USD cũng được kỳ vọng sẽ hồi sinh sông Kim Ngưu và sông Sét.

Thời điểm đi vào hoạt động từ năm 2013, Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở là nhà máy xử lý nước thải công suất lớn nhất Việt Nam, có thể xử lý một nửa lượng nước thải hằng ngày của TP Hà Nội, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực phía nam thành phố. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế của nhà máy không được như kỳ vọng.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở đang thu góp và xử lý nước thải khu vực quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, một phần quận Hoàng Mai, quận Thanh Xuân qua sông Kim Ngưu và sông Sét. Nước thải đầu ra sau xử lý xả ra hạ lưu sông Kim Ngưu và hồ điều hòa số 1 Yên Sở.

Nhưng thực tế hiện nay, Sông Sét, Kim Ngưu, Tô Lịch vẫn là những dòng sông đen ngòm, bốc mùi hôi khó chịu. Bởi hằng ngày, vẫn tiếp nhận nước thải từ các khu dân cư, cơ sở kinh doanh, bệnh viện… Ở giữa sông, rác nổi bề mặt dù vẫn được công nhân thu dọn hằng ngày; nước sông chảy lờ đờ, chứng minh lưu lượng tiêu thoát không hề cao.

Rõ ràng, dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá với công suất thiết kế 200.000m3 hoạt động không đúng như kỳ vọng. Và hiện nay cũng không rõ số lượng nước thải thực tế đổ về nhà máy để xử lý là bao nhiêu.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội thừa nhận, việc xả thải trực tiếp ra sông, đoạn dẫn về nhà máy xử lý nước thải dài là nguyên nhân dẫn đến việc ô nhiễm tại các con sông ngày càng nghiêm trọng. Để giải quyết vấn đề này, Hà Nội đã yêu cầu làm hệ thống thu gom dọc các tuyến sông trên theo hình thức BT và dẫn nước thải về... Nhà máy xử lý nước Yên Xá.

Hồng Nhung

BẢN DESKTOP