Theo đó, ngày 12/1/2022, một số doanh nghiệp hoạt động chiếu phim tại thành phố Hà Nội có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị xem xét cho phép các rạp chiếu phim tại Hà Nội được mở cửa hoạt động trở lại trong bối cảnh chống dịch mới.
Theo các doanh nghiệp này, dịp tết Nguyên đán 2022, người dân có nhu cầu rất cao về thưởng thức văn hóa nghệ thuật. Bên cạnh đó, cũng sẽ có nhiều phim Việt có kế hoạch ra mắt khán giả sau gần 2 năm trì hoãn.
Trong đó, Hà Nội là một trong những thị trường quan trọng, góp phần đáng kể vào tổng doanh thu trên toàn quốc.
Do đó, các doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn được thử nghiệm mở cửa trở lại rạp chiếu phim tại Hà Nội để các nhà sản xuất phim và các doanh nghiệp điện ảnh có cơ hội tháo gỡ khó khăn về tài chính, tiếp tục tồn tại và phát triển.
Trong năm 2021, điện ảnh Việt và rạp phim chịu ảnh hưởng nặng nề khi 2 lần đóng cửa các rạp vì COVID-19 (vào đầu tháng 2 và từ ngày 5/5/2021). Nhiều bộ phim liên tục phải dời lịch chiếu cho phù hợp với tình hình dịch bệnh
Đặc biệt, đợt bùng dịch thứ 2, các cụm rạp chiếu phim ở các thành phố lớn đã đóng cửa 6 tháng liên tiếp.
Điều này đã ảnh hưởng nặng nề tới các rạp chiếu phim trên toàn quốc, khiến các rạp gặp nhiều khó khăn, thua lỗ.
Giám đốc nội dung của CGV cho biết, việc đóng cửa này khiến doanh thu phòng vé Việt Nam nói chung và CGV nói riêng ở mức gần như bằng 0. Trong khi đó, rạp chiếu phim vẫn phải gồng gánh nhiều chi phí trong suốt thời gian rạp phim đóng cửa.
Lãnh đạo của rạp BHD Star Cineplex cho biết thêm, ngoài vấn đề tài chính, nhân sự cũng là một điểm khó của doanh nghiệp. Rạp đóng cửa khá lâu nên một số nhân sự buộc phải đi tìm hướng đi mới, nhân sự mất một số vị trí, doanh nghiệp buộc phải tuyển dụng lại.
Đối với thị trường Hà Nội, việc các rạp đóng cửa quá lâu, trong khi nhiều bom tấn đổ bộ thị trường, đã khiến nhiều khán giả phải tìm đường đến một số tỉnh thành khác xung quanh như Bắc Ninh, Việt Trì, Thái Nguyên, Quảng Ninh để có thể tận hưởng phim.