Trong nước

Hà Nội sẽ có 18 cầu vượt sông Hồng, 14 tuyến đường sắt đô thị

  • Tác giả : Thiên Tuấn
Dự thảo Quy hoạch Thủ đô xác định Hà Nội sẽ có 18 cây cầu vượt sông Hồng, 14 tuyến đường sắt đô thị, 13 tuyến đường bộ cao tốc...
Ngày 9/1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, trong những năm gần đây, vị thế kinh tế của Hà Nội có xu hướng giảm dần so với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Nếu năm 2011, GRDP Hà Nội chiếm 48% GRDP của vùng thì đến năm 2022 còn 42,2%. Tốc độ tăng trưởng GRDP của Hà Nội đang có xu hướng thấp dần so với các địa phương trong vùng. Năm 2023, tăng trưởng kinh tế của Thủ đô ước đạt 6,27%, đứng thứ 9 trong số 11 tỉnh/thành phố trong vùng.
Ha Noi se co 18 cau vuot song Hong, 14 tuyen duong sat do thi
Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, không gian phát triển công nghiệp của Hà Nội chưa phát huy được tiềm năng. Sau khi sáp nhập, Hà Nội có 9 khu công nghiệp, với diện tích 1.673ha. Trong khi đó, Bắc Ninh với diện tích nhỏ hơn nhiều nhưng hiện có 16 khu công nghiệp, diện tích 6.397ha.
Ngoài ra, nông nghiệp cũng chậm thay đổi, manh mún, chưa phát triển theo xu thế kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và sạch. Hà Nội đang thiếu các vùng sản xuất được hỗ trợ tốt về hạ tầng chuyên ngành, văn hóa, khu công nghiệp.
Với những hạn chế trên, theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc lập và triển khai quy hoạch thời kỳ 2021 -2030 phải là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu và là cơ hội quý để tạo ra không gian phát triển mới và động lực phát triển mới trong phát triển đất nước, vùng và địa phương.
Đại diện cho đơn vị tư vấn lập quy hoạch, GS. TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế quốc dân cho biết, dự thảo quy hoạch đề xuất 5 quan điểm phát triển chung và 3 quan điểm về tổ chức không gian.
Về quan điểm phát triển, ông Cường nhấn mạnh những yếu tố tạo sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển.
Về tổ chức không gian, Quy hoạch Thủ đô tập trung phát triển đồng bộ 5 không gian gồm: không gian xây dựng, không gian ngầm, không gian xanh - công cộng, không gian văn hóa và không gian số.
Quy hoạch sẽ tổ chức các hành lang và vành đai kinh tế theo hướng liên kết Thủ đô với các vùng và các tỉnh; hình thành các trục để tạo động lực khai thác tiềm năng thế mạnh phát triển; hình thành các vùng để phân bố các hoạt động kinh tế xã hội và các cực để lan tỏa phát triển.
Trong số các mục tiêu đặt ra của giai đoạn này, Hà Nội xác định một số chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung của cả nước như: Tỷ trọng kinh tế số chiếm 40% trong GRDP; GRDP bình quân/người đạt khoảng 13.500-14.000 USD; diện tích cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị khoảng 10-12 m2/người; tỷ lệ đô thị hóa đạt 65-70%...
Đại diện nhóm tư vấn cũng cho biết dự thảo Quy hoạch Thủ đô có định hướng phát triển Trung tâm tài chính Hoàn Kiếm giai đoạn đến năm 2030. Đây sẽ là nơi đặt trụ sở các tổ chức tài chính lớn với dịch vụ tài chính số làm trung tâm, hệ thống thông tin kết nối, hệ thống đăng ký, kết nối thông tin giao dịch...
Về phương án phát triển mạng lưới giao thông, Quy hoạch Thủ đô xác định có 13 tuyến đường bộ cao tốc, 10 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài khoảng 168km và 38 tuyến đường tỉnh với 390km.
Quy hoạch cũng định hướng phát triển 14 bến xe khách (đã có 6 bến đang khai thác), 8 bến xe tải (đã có 1 bến khai thác).
Đối với cầu vượt sông, quy hoạch xác định có 18 cầu vượt sông Hồng (6 cầu đang khai thác, 3 cầu đang thực hiện đầu tư, 9 cầu chưa được đầu tư), sông Đuống có 4 cầu đã được hình thành.
Với hệ thống đường sắt, quy hoạch định hướng phát triển 14 tuyến đường sắt đô thị, 2 tuyến tàu điện một ray (Monorail) và 4 tuyến đường sắt quốc gia kết nối.
Góp ý cho kế hoạch này, TS Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, dự thảo quy hoạch đề ra mục tiêu xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị từ nay đến 2030 rất khó thực hiện vì chỉ còn 6 năm là đến 2030.
Nhận định giao thông công cộng Hà Nội mới đáp ứng được 28% nhu cầu đi lại của người dân, trong khi mô hình ở Singapore cho thấy khi giao thông công cộng đáp ứng được 50% nhu cầu đi lại thì giao thông đô thị mới trở lại trật tự. Từ chuyện cần tới 10 năm, thành phố mới làm xong được hơn 10km Cát Linh - Hà Đông, ông Khuê cho rằng Hà Nội nên đặt mục tiêu 15 năm nữa làm được các tuyến đường sắt đô thị cụ thể.
Với những khó khăn hiện nay, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT nhìn nhận Hà Nội cần phát triển song song hệ thống đường sắt monorail như Trung Quốc, thúc đẩy nhanh việc xây dựng tuyến vành đai 4 để tách được giao thông quá cảnh, liên vùng ra khỏi nội đô. Đồng thời, Thủ đô cần thiết kế với các loại hình giao thông chính gồm đường sắt đô thị, xe buýt, làm sao để người dân đi bộ 400m là tới được bến xe buýt và taxi.
>>> Mời độc giả xem thêm video Loạt cầu vàng tại Việt Nam làm bấn loạn giới trẻ thời gian qua:

Thiên Tuấn

BẢN DESKTOP