Môi trường

Hà Nội “quên” 106 cây xanh trong dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội?

  • Tác giả : Hồng Nhung - Thanh Bình
(khoahocdoisong.vn) - Hà Nội đã giao Công ty Cổ phần BeePro thực hiện di dời hàng trăm cây xanh trên địa bàn để thực hiện các dự án xây dựng đô thị. Nhưng đến nay, số phận các cây xanh này vẫn chưa rõ ràng.

Mới đây, ông Nguyễn Văn Hưng (SN 1966) tại xã Đông Dư, Gia Lâm, Hà Nội đã có đơn về việc Công ty Cổ phần BeePro bỏ mặc, không chăm sóc cây xanh tại vườn ươm cây Đa Tốn.

Nhiều cây trên đường Kim Mã được di dời để thực hiện dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đã có hiện tượng chết khô

Nhiều cây trên đường Kim Mã được di dời để thực hiện dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đã có hiện tượng chết khô

Chiếc bánh vẽ

Theo ông Hưng, số cây xanh này vốn  phải di dời để thực hiện dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội.

Cụ thể, để phục vụ thi công dốc hạ ngầm đoạn từ đền Voi Phục đến ngã tư Kim Mã - Liễu Giai (thuộc giai đoạn 3 tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội), ngày 18/8/2016, Sở Xây dựng Hà Nội đã cấp phép cho Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội di chuyển 109 cây xanh trên đường Kim Mã.

Trong đó, đánh chuyển 106 cây (gồm 103 cây phát triển bình thường nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng và 3 cây có dấu hiệu sâu mục cần được chữa trị), chặt hạ 2 cây chết và cắt tỉa 1 cây có cành vươn vướng vào mặt bằng thi công dự án. Sau đó, ngày 16/9/2016, công tác di dời cây đã được thực hiện. Đơn vị thực hiện di dời là Công ty Cổ phần BeePro.

Thời điểm đó, có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc chặt hạ các cây này, bởi Hà Nội hiện nay rất thiếu cây xanh và hàng cây Kim Mã từ lâu đã được xem là một trong những biểu tượng của Hà Nội.

Để trấn an dư luận, tại các buổi họp báo, công bố thông tin về dự án này, lãnh đạo của TP Hà Nội lẫn Công ty Cổ phần BeePro đều khẳng định sẽ chăm sóc tốt các cây này, và khi cây hồi phục sẽ cho trồng lại ở những tuyến đường mới tại Hà Nội. 

Quả thực, thời gian đầu, Công ty Cổ phần BeePro đã chăm sóc rất tốt các cây này. Đến tháng 6/2017, Công ty Cổ phần BeePro còn mời hẳn đoàn giám sát của UBND TP Hà Nội lẫn các cơ quan báo chí đến vườn ươm Đa Tốn đề kiểm tra kết quả di chuyển.

Tại thời điểm đấy, 95% số cây vẫn sống khỏe, “vượt mong đợi ban đầu khi đánh chuyển” như lời ông Trần Khánh Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BeePro nói, và “Nhân dân Thủ đô hoàn toàn có thể yên tâm vì chúng ta thật sự đã tìm ra giải pháp để cứu cây xanh Hà Nội”.

Tuy nhiên, đến nay, theo lời ông Hưng – người đứng ra cho Công ty Cổ phần BeePro thuê đất - nhiều cây tại vườn ươm Đa Tốn đang trong tình trạng chết khô.

Ghi nhận tại vườn vào cuối tháng 3 vừa qua, có khoảng hơn 30 cây xanh có biểu hiện đã chết, vỏ cây bị bong từng mảng lớn, cỏ mọc um tùm cao hơn đầu gối người. Chủng loại cây ở đây gồm xà cừ lớn, phượng, hoa sữa, bằng lăng, xoan, muồng...

Ông Hưng cho biết, công tác chăm sóc cây ở đây chỉ được Công ty Cổ phần BeePro thực hiện trong thời gian ngắn, trong 2 – 3 tháng đầu. Sau đó không thấy nhân viên của Công ty Cổ phần BeePro đến thăm vườn cây nữa.

Việc di dời số cây này đã tốn rất nhiều kinh phí của TP Hà Nội

Việc di dời số cây này đã tốn rất nhiều kinh phí của TP Hà Nội

Của công ty ma?

Ngoài việc bỏ mặc hàng cây Kim Mã tại vườn ươm Đa Tốn, ông Hưng còn cho biết, Công ty Cổ phần BeePro còn “quên” luôn khoản tiền thuê đất đã ký kết hợp đồng với ông.

Cụ thể, tại hợp đồng thuê đất ký kết ngày 17/10/2016, Công ty Cổ phần BeePro đã thuê 3.000m2 trong thời gian 2 năm (từ 2/11/2016 - 2/11/2018), với giá 150 triệu đồng/năm. Tổng cộng, Công ty Cổ phần BeePro phải thanh toán 300 triệu đồng, nhưng đến nay mới chỉ thực hiện thanh toán tiền thuê đất hết năm 2017, với giá trị 150 triệu đồng.

Một số cây Xà Cừ lớn đã bị chết khô, bong tróc vỏ

Một số cây Xà Cừ lớn đã bị chết khô, bong tróc vỏ

Từ năm 2018 đến nay, ông Hưng đã nhiều lần cố gắng liên hệ, yêu cầu Công ty Cổ phần BeePro thanh toán số tiền theo hợp đồng đã ký kết, đồng thời hoàn trả mặt bằng, vậy nhưng phía công ty vẫn không có hồi đáp.

Đến nay, ông Hưng đang bị kẹt trong thế khó. Thứ nhất là không nhận được tiền thuê đất từ Công ty Cổ phần BeePro từ nhiều năm nay. Thứ hai là không thể chặt hạ số cây này để giải phóng mặt bằng do số cây này thuộc quản lý của thành phố.

Nhìn hàng cây khô héo, ông Hưng không khỏi ngán ngẩm, thế khó của ông chưa biết bao giờ mới gỡ được. Bởi tuy là doanh nghiệp thực hiện nhiều dự án giao thông cho Hà Nội, nhưng đến thời điểm này Công ty Cổ phần BeePro như không hề tồn tại.

Lần theo thông tin trên hợp đồng ký kết giữa ông Hưng và Công ty Cổ phần BeePro, địa chỉ trụ sở giao dịch tại số 99 đường Phạm Hùng (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), nhưng hiện nay đây chỉ là... một bãi đất trống. Địa chỉ của công ty trong hợp đồng thỏa thuận thuê đất với ông Nguyễn Văn Hưng tại số 20A ngõ 177 Phùng Khoang (Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng là một địa chỉ “ma”.

Ngoài ra, theo đăng ký của Công ty Cổ phần BeePro chỉ có hoạt động chính là kinh doanh vận tải hành khách, xe du lịch, xe cưới hỏi... không phải lĩnh vực chăm sóc cây cảnh. Các trang web của Công ty Cổ phần BeePro liên quan đến các dự án di dời cây xanh cũng không còn tồn tại. Trang chủ doanh nghiệp này cũng biến mất.

Từ đây, hình thành câu hỏi, là tại sao Hà Nội lại đặt “niềm tin” vào một công ty không có kinh nghiệm lẫn kỹ năng trong việc chăm sóc cây?

Trở lại với thời điểm Công ty Cổ phần BeePro được giao thực hiện việc di chuyển cây xanh nói trên, kể từ khi Sở Xây dựng có quyết định di dời, đến khi thi công là chưa đầy 1 tháng và trên Hệ thống đấu thầu Quốc gia không hề ghi nhận có đấu thầu dự án này.

Đáng lưu ý, sau khi di dời hàng cây Kim Mã, Công ty Cổ phần BeePro tiếp tục được Hà Nội giao thực hiện di dời hàng ngàn cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng để phục vụ thi công dự án Đường vành đai 3. Thời điểm Công ty Cổ phần BeePro được giao dự án này diễn ra không lâu sau khi đoàn khảo sát của UBND TP Hà Nội đến kiểm tra vườn ươm Đa Tốn như đã nêu trên.

BeePro là công ty nào? Tại sao Hà Nội lại đặt niềm tin vào một công ty không có kinh nghiệm và cũng chưa chắc đã tồn tại thực chất thực hiện những dự án di chuyển cây xanh trị giá nhiều tỷ đồng?

Đó là thông tin KH&ĐS sẽ tiếp tục phản ánh.

Hồng Nhung - Thanh Bình

BẢN DESKTOP