Dọc đường

Hà Nội – Phố cổ và nỗi khổ gia truyền, Kỳ 2: Bạc mặt với nghề chạm bạc

Những tưởng giữa thời hiện đại thì nghề làm trang sức như chạm bạc có thể phất lên, nhưng lạ thay ở phố cổ Hà Nội thì thứ nghề tân tiến ấy lại lụi tàn dần. Và cũng thật hiếm hoi để tìm cho được một vài nghệ nhân ở phố Hàng Bạc còn gắn bó với nghề.

Lửa lò chạm bạc của nghệ nhân Phạm Đình Dậu đã tắt ngấm từ lâu

Bỏ nghề, làm dịch vụ

Dạo qua phố Hàng Bạc bây giờ, chẳng cần phải tinh mắt người lạ cũng dễ nhận ra những cửa hàng vàng bạc lớn nhỏ khác nhau. Nhưng thật hiếm tìm được một cửa hàng nào có thể chế tác được những vật trang sức tinh tế thời xưa như vòng hoa đậu, hoa huế hay xuyến cổ. Dường như tất cả các cửa hàng vàng bạc ở con phố ấy bây giờ chỉ làm theo đơn đặt hàng giản đơn như nhẫn hay dây chuyền.

“Gia đình có mấy anh chị em, theo luật tục nghề chạm bạc thì con gái không được truyền nghề. Tôi cũng theo nghề của cha ông nhưng khó quá, thị trường ưa chuộng những sản phẩm hào nhoáng bên ngoài mà quên đi sự tinh tế của đồ trang sức. Nói thật là tôi không muốn theo nghề nữa, nghề bạc lắm nhưng vì tổ tiên đã truyền lại thì tôi buộc phải theo, không có thiết tha gì hết”, anh Nguyễn Đức Cường – con trai nghệ nhân Phạm Thị Hồng.

Đem câu hỏi còn nhiều nghi hoặc ấy đến nghệ nhân Phạm Thị Hồng, bà Hồng mỉm cười bảo: “Đúng đấy, bây giờ cả phố bỏ nghề bạc rồi, họ chuyển hết sang làm dịch vụ nên rất khó tìm được ai đó làm được những vật dụng trang sức tinh tế như ngày xưa. Tôi đã ở đây gần hết cuộc đời, gắn bó với nghề chạm bạc bao nhiêu năm nay nên tôi hiểu, làm dịch vụ đơn giản nhưng lãi cao gấp nhiều lần so với việc chăm chú chế tác đồ trang sức”.

Nói rồi, bà Hồng dẫn chúng tôi vào nhà gặp chồng là ông Phạm Đình Dậu – một nghệ nhân chạm bạc nức tiếng Hà Thành. Ông Dậu năm nay đã bước sang tuổi 81, khuôn mặt của ông đã gầy rộc đi sau những tháng ngày chống chọi với bệnh tật. 5 năm qua, sau cơn đột quỵ cũng là khoảng ấy thời gian ông nằm yên một chỗ. Khu bếp khò dùng để chế tác vàng bạc đã lạnh tanh, không còn nữa những tiếng đục, tiếng khò.

Nghệ nhân Phạm Thị Hồng với sản phẩm bạc truyền thống

Ông Dậu cố gượng dậy nhìn tôi, cất tiếng: “Lâu lắm nhà mới có khách hỏi về nghề chạm bạc. Tôi nói cho anh hay, cái nghề chạm bạc mà cha ông chúng tôi đưa về con phố này chẳng còn ai tha thiết nữa đâu. Họ buôn bán giàu có hơn, tội gì cắm cúi vào cái lò cho lửa nó đốt. Tôi đã trên 70 năm gắn bó với nghề rồi, nghề này độc hại lắm, không giản đơn như các anh tưởng tượng đâu”.

Quả thật, ngôi nhà nhỏ tí xíu và tối như hũ nút ở phố Hàng Bạc này đã trải qua bao đời thăng trầm với nghề chạm bạc. Những lọ a-xít, chất hoá học la liệt trong một cái tủ lớn là vật dụng dùng để chế tác vàng bạc. Ông Dậu thành thật, nhiều lần con cái ông muốn biến cửa hàng chạm bạc thành nơi buôn bán vàng bạc nhưng vợ chồng ông không đồng ý. Vì với những nghệ nhân như ông Dậu, bà Hồng, nghề mà họ gắn bó bao giờ cũng vinh quang, là thứ nghề cao quý phục vụ vua chúa, họ không đời nào bỏ nghề cha truyền con nối để kiếm tiền dù là dễ dàng.

Và nguyên nhân mà bà Hồng đưa ra để giải thích cho câu hỏi tại sao các nghệ nhân ở con phố Hàng Bạc bỏ nghề xem ra rất giản đơn nhưng đầy tréo ngoe: “Các nghệ nhân có tuổi, người thì qua đời, người thì bán nhà chia cho con cháu, người thì bỏ phố về quê nên những người làm bạc giỏi không còn nữa. Con cháu họ được tiếp nhận nhà nhưng không tiếp nhận nghề nên cửa hàng chạm bạc cũ vì một lẽ nào đó trở thành nơi buôn bán”.

Làm bạc bằng 2 sợi tóc

Ở phố Hàng Bạc, ngoài vợ chồng nghệ nhân như ông Dậu bà Hồng thì nghệ nhân Nguyễn Chí Thành cũng là một trong những người hiếm hoi còn sót lại với nghề chạm bạc. Ông Thành nổi tiếng với những đồ trang sức đẹp mắt thời thượng nhưng ông vẫn muốn quay lại với mặt hàng cổ kính hơn nhiều. Bên góc bàn nhỏ hẹp ở số nhà 83, ông thủ thỉ: “Tôi theo nghề từ năm 16 tuổi, giờ đã trên 60 rồi, tổ tiên tôi người làng Định Công, trước đây họ tập trung ở phố này nhiều, toàn thợ giỏi nhưng giờ vắng bóng hết”.

Theo cha học việc từ nhỏ nên ông Thành tỏ tường hết các ngón nghề. Nghề bạc có nhiều bí quyết nên cũng phân ra nhiều cấp độ thợ. Ông Thành bây giờ đã đạt tới mức thượng thừa về bạc, ông có thể chế tác những vật dụng siêu nhỏ chỉ bằng thủ công, không cần máy móc can thiệp mà sản phẩm vẫn rất tinh tế, vì thế khách đến với ông cũng không phải là ít.

Vòng xuyến được thiết kế bằng 2 sợi tóc

Nghệ nhân Phạm Thị Hồng cũng không phải là kém, bà khẳng định có thể chế tác bạc bằng hai sợi tóc. Từ hai sợi tóc ấy, bà Hồng dùng làm “móc” chế tác ra vòng xuyến cổ có các khấc đẩy lên đẩy xuống tuỳ kích cỡ khách hàng. Bí quyết này bà Hồng học lỏm được từ người thầy năm xưa.

Bà Hồng cho hay: “Cả hai vợ chồng tôi đều là người Châu Khê (Bình Giang – Hải Dương), cứ đến tuổi lại được các cụ cho xuống phố Hàng Bạc học nghề cha ông, thế rồi thành thợ lúc nào chẳng hay. Nhưng mà các thầy cũng giấu nghề ghê lắm, học trò phải tự tìm ra một vài bí quyết thì mới giỏi được”.

Theo các nghệ nhân ở phố Hàng Bạc, nghề chạm bạc ngày trước ở phố cổ rất có uy tín nên con phố nhỏ lúc nào cũng nhộn nhịp khách. Nghề chạm bạc xưa là nghề cao quý, yêu cầu người thợ phải có kiến thức, khéo tay và óc thẩm mỹ nên không phải ai muốn theo nghề là được, mà buộc phải là con nhà nòi.

Còn lại nỗi khổ

Nghệ nhân Nguyễn Chí Thành nhẩm tính, hiện giờ ở phố Hàng Bạc chỉ còn lại khoảng 4 – 5 nghệ nhân, trong số đó một nửa đã nghỉ vì sức khoẻ yếu. Số còn lại cũng thoi thóp với nghề, hoặc làm cầm chừng mà thôi.

Đình Kim Ngân thờ tổ nghề chạm bạc

Nghệ nhân Phạm Thị Hồng ngồi nhặt rau muống trước cửa hàng, chỉ tay sang phía bên kia đường ở số 42 là ngôi đình Kim Ngân thờ tổ nghề chạm bạc. Ngôi đình đẹp viên mãn, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đình thờ Hoàng đế Hiên Viên, một nhân vật thần thoại tổ nghề của bách nghệ. Bà Hồng thở dài: “Đình tổ nghề vẫn hiên ngang nằm đấy mà nghề chạm bạc đã vắng bóng phố cổ rồi. Biết sao được, thời thế thay đổi nên con người cũng phải đổi thay”.

Trong một ngách nhỏ ở số 114, người đàn bà tóc trắng như mây tên là Hoàng Thị Khuê – một nghệ nhân hiếm hoi gốc Hà Nội còn sót lại trầm buồn lẫn những thảng thốt: “Vinh quang bao nhiêu thì lụi tàn bấy nhiêu, không trách được những người bỏ nghề đâu. Nghề chạm bạc đã khiến cả dòng họ tôi bạc mặt vì nghề. Tôi cũng nuối tiếc cho thứ nghề gia truyền ấy lắm nhưng bất lực, không cứu vãn được gì. Chỉ nỗi khổ đau đáu với nghề là mãi mãi ở lại”.

“Thiên hạ người ta đua nhau nhập mẫu mã vàng bạc về rồi tự chế tác bằng máy móc nên nghề chạm bạc thủ công như chúng tôi không thể tồn tại được. Nỗi khổ của những nghệ nhân là ngồi xem nghề bị mai một, bị thị trường lấn lướt mà bất lực. Đấy, anh xem ở phố Hàng Bạc này còn mấy ai làm chạm bạc cổ truyền nữa không? Không lâu nữa đâu, dăm năm nữa là nghề này về nơi thiên cổ”, nghệ nhân Phạm Đình Dậu.

Trần Hoà

BẢN DESKTOP